Viết bài văn nghị luận bàn về thái độ khiêm tốn, không giấu dốt mà anh (chị) rút ra được sau khi học truyện “Tam đại con gà”

Dân gian ta có câu: "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe". Câu nói ấy phản ánh một quan niệm sống đúng đắn của cha ông ta từ ngàn xưa: cần phải khiêm tốn, cầu thị. Vì vậy, dân gian rất bất bình với thói khoe khoang, khoác lác của lớp người "trí thức rởm" và thường lấy đó làm đề tài để chê cười, mua vui. Câu chuyện cười "Tam đại con gà" ra đời cũng vì mục đích ấy. Truyện nhắc nhở người đời nên sống khiêm tốn, không giấu dốt.

Truyện Tam đại con gà nhắc nhở người đời nên sống khiêm tốn, không giấu dốt

"Tam đại con gà" là loại truyện cười trào phúng mang ý nghĩa phê phán, qua đó thể hiện ý nghĩa giáo dục.                   

Truyện kể về một anh học trò dốt nát nhờ cái miệng "hay nói chữ" mà lòe được một người nông dân. Anh ta được đón về dạy chữ cho con gia chủ. Học đến chữ "kê" hắn không biết là chữ gì bèn bảo học trò đọc khẽ "Dủ dỉ là con dù dì". Sau khi khấn vái, xin quẻ được thổ công "linh ứng" cho chữ "dù dì" hắn vui mừng bảo học trò đọc to mấy chữ kì cục kia. Bị gia chủ phát hiện hắn bao biện: "tôi dạy như thế là dạy cho cháu biết đến tận tam đại con gà kia" vì "Dủ dỉ là chị con công, con công là ông con gà"!

Câu chuyện gây cười ở nhiều chi tiết. Làm thầy đồ mà không biết đọc một chữ đơn giản như chữ "kê", chỉ thấy đó là một chữ "nhiều nét rắc rối" đã là một sự đáng cười. Đến sự khôn lỏi của thầy "sợ nhỡ sai, người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khe khẽ" lại là một tiếng cười ngộ nghĩnh. Chưa hết, việc thầy đồ đi xin thổ công linh ứng cho hai chữ "dù dì" rồi đắc chí quay về bảo trẻ đọc to mấy chữ ấy càng khiến người ta thấy lạ! Nụ cười lên đến cao trào khi tình huống thầy đồ "dỏm" bị phát hiện xảy ra. Thật là lòi đuôi con chuột chù! Cái dốt lộ ra từ đầu đến đuôi, tưởng thầy không còn nước nói vào đâu được nữa. Ấy vậy mà thầy vẫn có cách giải thích: "tôi dạy thế là dạy cho cháu biết đến tận tam đại con gà kia". Lạ quá! Nếu thầy đã dạy đến tam đại con gà thì chắc chắn thầy đã biết con gà rồi. Với một chữ mà dạy được đến tam đại con gà thì tài quá! Nhưng người đọc (và cả ông bố tội nghiệp) vẫn lấy làm lạ về khái niệm "tam đại con gà", nó chưa hề được nhắc đến trong... từ điển. Nếu quả thực thầy làm được điều đó, thầy đã "phát minh" ra một khái niệm mới! Không chờ chúng ta đợi lâu, thầy đã giải thích rất... có lí: "Dủ dỉ là chị con công, con công là ông con gà"! Đến đây thì ta vỡ ra cười òa. Những tưởng thầy đồ viện ra những chứng cứ khoa học, những sách này, sách nọ, những Khổng Tử, Mạnh Tử,... chi đây. Nhưng không, thầy viện ra một lời đồng dao của bọn trẻ mục đồng. Hóa ra thứ thầy đồ thông thạo, có thể lấy đó làm vốn làm lãi để dạy đời, có thể coi đó là thứ hơn người lại là lời đồng dao dân dã, thậm chí tầm thường của bọn trẻ con. Ta có một liên tưởng thật thú vị: thầy đồ cũng khác nào lũ trẻ, công việc dạy dỗ của thầy cũng chỉ đáng như một buổi trẻ con chăn trâu, cắt cỏ!

Với "Tam đại con gà", người đọc được cười từ đầu đến cuối câu chuyện. Càng về cuối, tiếng cười càng giòn, càng vang hơn. Tiếng cười tập trung vào sự ngu dốt nhưng cố tình giấu dốt và thói hợm hĩnh, khoác lác của ông thầy đồ "dỏm".

Bên cạnh "Tam đại con gà" dân gian còn có "ông Bất, ông Bồng",... sau này Hồ Xuân Hương cũng viết "Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông...",... những tác phẩm ấy hoặc nhẹ nhàng hoặc sâu cay phê phán thói giấu dốt, hợm hĩnh của con người, đặc biệt là những kẻ trí thức nửa mùa. Chúng đã tự biến mình thành những thằng hề khéo léo làm trò cười cho thiên hạ. "Trăm năm bia miệng" vẫn còn chê cười, khinh bỉ những kẻ lố bịch, dớ dẩn. Bằng chứng là những tiếng cười như trong "Tam đại con gà" đã, đang và sẽ được lưu truyền làm bài học cho người đời sau.

Bài học về thái độ khiêm tốn trong cuộc sống

Đó là bài học gì?

Là bài học về thái độ khiêm tốn trong cuộc sống. Thực tế bạn đã giỏi rồi nhưng còn có người khác giỏi hơn bởi: "Núi này cao nhưng có núi khác cao hơn”. Đó là chưa nhắc đến việc, bạn chưa giỏi, có theer không dốt như anh thầy đồ trong truyện nhưng cũng chưa hơn hẳn được ai. Trường hợp ấy, dân gian cũng dặn dò "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe". Quả thực, không biết mà nói là biết rồi nói sai, nói nhầm thì cũng chỉ thành trò cười cho người khác. Chi bằng ta khiêm nhường đón nhận những lời hay, ý đẹp của mọi người, từ đó tích lũy thành túi khôn của cá nhân thì tốt biết bao! Khổng Tử nói: "Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo không biết. Ấy là biết". Lời dạy ấy thâm thúy mà thấu đáo biết bao.

Đó còn là bài học cần biết thừa nhận sai lầm đề cầu tiến bộ. Anh thầy đồ dởm làm trò cười cho chúng ta phần lớn bởi sự giấu dốt một cách lố bịch. Nếu biết nhận lỗi ta sẽ được mọi người chỉ cho con đường sửa sai. Qua đó, khắc phục được sai sót, nhờ vậy mà tiến bộ.

Lê - nin nhắn nhủ: "Học, học nữa, học mãi". Học để không lâm vào tình cảnh anh thầy đồ dở khóc dở cười. Và đó cũng là con đường duy nhất để mỗi chúng ta hoàn thiện, nâng cao giá trị bản thân.

Câu chuyện cười từ xưa để lại cho đến nay vẫn mang lại cho ta những tiếng cười thú vị. Quan trọng hơn, ta đón nhận được những bài học sâu xa của cha ông đời trước, Bài học ấy cần cho mỗi cơn người, quyết định sự thành bại trong cuộc sống của mỗi chúng ta: Bài học về sự khiêm tốn, không giấu dốt, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và đạo đức cá nhân.

Viết bình luận