Với những kiến thức đã học về Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu, anh (chị) cảm nhận điều gì gần gũi về tư tưởng nhân nghĩa giữa hai nhà thơ này? Hãy trình bày ý kiến của mình

Nền văn học trung đại Việt Nam đánh dấu vai trò lịch sử của mình bằng rất nhiều tên tuổi như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến... Trong số những cây đại thụ ấy, không thể không nhắc đến hai đỉnh cao: Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, một người là nhà ngôi sao khuê của nền văn học Việt Nam thế kỷ XV và một người là niềm tự hào của người dân miền Nam thế kỷ XIX. Ở hai ông, ta bắt gặp sự gần gũi trong tư tưởng nhân nghĩa, một trong những tư tưởng đạo đức quan trọng góp phần thể hiện tâm hồn, nhân cách cũng như làm nên giá trị cho các sáng tác của họ.

Nhân nghĩa gắn với nhân dân, đất nước

Nhắc đến nhân nghĩa là nhắc đến một tư tưởng mang tính truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nhân nghĩa là lòng thương người và sự tôn trọng lẽ phải. Nó trở thành tư tưởng chi phối đến rất nhiều các sáng tác văn học đặc biệt là trong văn học trung đại - nền văn học mang đậm màu sắc phi ngã. Trên cơ sở đó, bên cạnh những nét tương đồng gần gũi, ở mỗi nhà văn, nhà thơ khác nhau, trong từng thời kỳ khác nhau, quan niệm về nhân nghĩa và sự thể hiện tư tưởng nhân nghĩa có những nét riêng.

Nhắc đến Nguyễn Trãi, người ta nhắc đến một nhà tư tưởng vĩ đại mà theo các nhà nghiên cứu thì một trong những tư tưởng cốt lõi là tư tưởng nhân nghĩa. Trong các tác phẩm của ông, có chỗ chữ Nhân và Nghĩa được quan niệm gần giống với Khổng Mạnh, những tư tưởng được đào tạo trong trường học Nho học. Tuy nhiên, đại đa số thì Nhân - Nghĩa gắn với một tư tưởng mới mẻ: Nhân nghĩa gắn với nhân dân, đất nước. Trong Bình Ngô đại cáo ông viết:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

Làm việc nhân nghĩa cốt là để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, trừ bạo ngược. Trong « Thư gửi Vương Thông », Nguyễn Trãi cũng đã một lần nữa khẳng định về tư tưởng này: “Dùng quân nhân nghĩa cứu dân khổ, đánh kẻ có tội”. Nguyễn Trãi gắn Nhân và Nghĩa với dân nhưng cũng đồng thời ông cũng gắn chúng với “quốc”:

“Quyền mưu bản thị dụng trừ gian

Nhân nghĩa duy trì quốc thể an”

(Quyền mưu vốn dĩ để trừ gian

Nhân nghĩa giữ gìn thế nước an)

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi gắn với lòng ái quốc ưu dân của ông. Với Nguyễn Trãi, yêu nước là dựa vào sức dân để lo cho vận nước (chính là lo cho lợi ích của nhân dân). Chính vì vậy mà nhân nghĩa có sức mạnh vô địch. Nhân nghĩa là chính nghĩa vì dân vì nước, nó bao hàm mối quan tâm sâu sắc đến lợi ích của nhân dân Đại Việt, chính là một đức hiếu sinh và do đó bao hàm cả lòng yêu chuộng hoà bình, tinh thần hữu nghị của các lân bang. Tư tưởng ấy là biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước sâu sắc và chủ nghĩa nhân đạo rộng lớn.

Cũng giống như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho cho nên tư tưởng đạo đức nhân nghĩa của ông không thể không mang tinh thần Nho giáo. Nhưng ông cũng là một trí thức nhân dân suốt đời sống nơi thôn xóm, giữa những người “dân ấp dân lân” tâm hồn thuần hậu, chất phác. Họ cũng có cách hiểu dân dã của mình về nhân nghĩa: Nhân là tình thương yêu con người, sẵn sàng cưu mang con người trong cơn hoạn nạn; Nghĩa là những mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội, tình cha con, nghĩa vợ chồng, tình bạn bè, xóm giềng, tinh thần hiệp nghĩa sẵn sàng cứu khôn phò nguy... Nguyễn Đình Chiểu thâm nhuần sâu sắc điều đó. Những nhân vật lý tưởng trong Truyện Lục Vân Tiên hầu hết những người sinh trưởng nơi thôn ấp nghèo khó (Những chàng nho sinh hàn vi như Vàn Tiên, Tử Trực, Hớn Minh, những ông Ngư, ông Tiều, ông Quần...) tâm hồn ngay thẳng không màng danh lợi, không tham phú quý (Xin tròn nhân nghĩa còn hơn bạc vàng) sẵn sàng ra tay cứu giúp người hoạn nạn:

“Tôi xin ra sức anh hào

Cứu người cho khỏi lao đao buổi này”

Nhân nghĩa là chính nghĩa vì dân vì nước

Trước Nguyễn Đình Chiểu, nhân nghĩa vẫn được xem là một phạm trù đạo đức lý tưởng, chỉ có ở bậc thánh nhân, ở những người quân tử thuộc tầng lớp trên (Khổng Tử nói: “Ta từng thấy người quân tử bất nhân nhưng chưa thấy kẻ tiểu nhân có nhân bao giờ). Và khi nói đến dân, đó là để sử dụng một cách có hiệu quả nhất sức dân nhằm phục vụ cho vua. Đạo nhân nghĩa của họ trước hết nhằm duy trì trật tự đẳng cấp trong đất nước của nhà vua. Ở Nguyền Trãi, tư tưởng nhân nghĩa đã hướng tới dân. Họ được gọi là “dân đen”, “con đỏ”, là những “manh lệ” tức tất cả những người dân lao khổ thời bấy giờ. Họ là những người phải chịu biết bao khổ cực nhưng cũng là người với sức mạnh của sự đoàn kết, sẽ tạo nên chiến thắng của dân tộc. Ông kêu gọi nhà cầm quyền nhân nghĩa với dân, thời chiến thì lấy nhân nghĩa để thắng quân giặc bạo ngược, thời bình thì đưa nhân nghĩa vào chính sự, xây dưng nền chính trị nhân chính, khoa sức cho dân. Đến Nguyền Đình Chiểu, ông đặc biệt đề cao chữ nghĩa, biểu dương những truyền thống đạo đức tốt đẹp giữa con người với con người, quan tâm sâu sắc đến quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. Nguyễn Đình Chiểu không chỉ đưa vào văn học những “dân xóm, dân lân” mà còn xây dựng nên bức tượng đài bất tử về người nghĩa sĩ nông dân, nhưng người “Vốn chẳng phải quân cơ quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh; chẳng qua là dân ấp dân lân mến nghĩa làm quân chiêu mộ”.

Có thể thấy, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu đều có cơ sở thực tế đời sống của dân tộc ta, chỉ mối quan hệ gắn bó tốt đẹp giữa con người với nhau, thể hiện niềm tự hào về những giá trị tinh thần của dân tộc, trong đó vị trí người dân được khẳng định, giá trị con người được đề cao. Tư tưởng đó được kết tinh từ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc: tính cộng đồng với ý thức về quần chúng nhân dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; lòng tương thân tương ái thương yêu đùm bọc lẫn nhau làm nên sức mạnh dân tộc. Khi nêu cao nhân nghĩa và tin tưởng vào sức mạnh chiến thắng của chí nhân và đại nghĩa, Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu đã đề cao, khẳng định bản chất tốt đẹp và những giá trị của văn hoá Đại Việt. Tư tưởng đó đã trở thành mạch nguồn xuyên suốt trong lịch sử dân tộc, làm nên niềm tự hào của mỗi con người Việt Nam mọi thời đại.

Như vậy, có thể nói, sự gần gũi trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu là sự gặp nhau của những tư tưởng mang tính truyền thống trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam từ ngàn đời nay. Đó cũng chính là sự gặp gỡ của hai tâm hồn, hai nhân cách lớn trong đòng chảy chung của nền văn học trung đại Việt Nam.

Viết bình luận