Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Bên kia sông Đuống của nhà thơ Hoàng Cầm: "Bên kia sông Đuống... Bây giờ tan tác về đâu"

A. DÀN BÀI

1. Mở bài

Bên kia sông Đuống là bài thơ hay nhất trong sự nghiệp sáng tác văn học của Hoàng Cầm. Bài thơ được viết một mạch, trong suốt một đêm dài thức trắng sau khi nhà thơ nhận được tin giặc Pháp tràn về đánh chiếm quê hương mình bên kia sông Đuống.

Cả bài thơ thể hiện nỗi đau đớn, nhớ nhưng, luyến tiếc, căm hờn trước cảnh tượng các giá trị văn hóa, vẻ đẹp cổ truyền, cuộc sống sinh hoạt yên bình và những con người thân yêu trên quê hương nhà thơ bị giặc tàn phá và đày đọa. Đây là một đoạn đặc sắc trong bài Bên kia sông Đuống.

Quê hương ta từ ngày đổ máu

2. Thân bài

Bức tranh thơ kép đối nhau:

a. Bức tranh thứ nhất vẽ nên khung cảnh miền quê tươi đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trước khi giặc chiếm:

Bên kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Chú ý bình các cụm từ: uthơm nồng”, “quê hương ta”.

- Trong chiều sâu của nỗi nhớ mênh mang, sâu thẳm, phát xuất từ tâm hồn Hoàng Cầm, tranh Đông Hồ lại hiện về.

- Những bức tranh ấy đã nói lên tiếng lòng và những mơ ước khát khao của quần chúng nhân dân về một cuộc sống ấm no, nuôi trồng phát triển. Màu tranh ấy đã trở thành màu dân tộc. Hồn quê Kinh Bắc đã trở thành hồn dân tộc.

Ở bức tranh thơ thứ hai, Hoàng Cầm đã vẽ nên khung cảnh quê hương từ khi giặc chiếm bằng ngòi bút đẫm nước mắt:

Quê hương ta từ ngày khủng khiếp

Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Ruộng ta khô

Nhà ta cháy

Chó ngộ một đàn

Lưỡi dài lê sắc máu

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang.

- Nhà thơ đặt tên cho thời điểm giặc tràn về Kinh Bắc là ungày khủng khiếp” và hình ảnh tiêu biểu cho ngày đó là “ngùn ngụt lửa hung tàn ”.

- Ở câu thơ “Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn”, nhà thơ không dùng bất cứ từ ngữ nào để miêu tả việc đốt phá, giết người, ném bom của lũ cướp nước nhưng ấn tượng về chúng rất khó phai mờ. Cụm từ “ngùn ngụt" tạo cảm giác mạnh mẽ, mang màu sắc đa phong cách.

- Hậu quả của lửa hung tàn ấy là:

Nhà ta cháy

Chó ngộ một đàn

Lưỡi dài lê sắc máu

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang.

- “Chó ngộ” là hình ảnh ẩn dụ tu từ, được nhà thơ xây dựng rất độc đáo có tác dụng miêu tả chính xác sự hung dữ của quân thù.

- Cùng với nghệ thuật liệt kê, cách tạo nhịp điệu, tiết tấu câu thơ co duỗi tự nhiên và thủ pháp dùng câu dài ngắn đan xen nhau, nhà thơ đã diễn tả được những sự việc trong hiện tại dã xảy ra dồn dập, nhanh chóng, khốc liệt cũng như nỗi đau xót nghẹn ngào, uất ức trong lòng nhà thơ vốn rất nặng tình với xứ sở Kinh Bắc.

- Khung cảnh yên ả, hòa bình bị chôn vùi. Thay vào đó là cuộc sống tang tóc, chia lìa và đời sống vật chất - tinh thần bị tàn phá nặng nề:

Mẹ con đàn lợn âm dương

Chia lìa đôi ngả

Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan tác về đâu.

c. Đánh giá

Đây là một đoạn thơ đặc sắc, là một nửa trái tim của Hoàng Cầm gửi về quê hương Kinh Bắc trăm quý ngàn yêu. Đoạn thơ tuy miêu tả những nét rất riêng của xứ Kinh Bắc cũng đồng thời là hình ảnh của Tổ quốc ta.

3. Kết bài

Trích đoạn trên cũng như cả bài thơ Bên kia sông Đuống đã để lại sức rung, sức gợi lâu bền trong lòng những độc giả yêu thơ.

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

B. BÀI LÀM

Bên kia sông Đuống là bài thơ hay nhất trong sự nghiệp sáng tác văn học của Hoàng Cầm. Bài thơ được viết một mạch, trong suốt một đêm dài thức trắng sau khi nhà thơ nhận được tin giặc Pháp tràn về đánh chiếm quê hương mình bên kia sông Đuống. Bài thơ đăng lần đầu tiên trên báo Cứu Quốc tháng 6/1948. Nó được phổ biến nhanh chóng từ Việt Bắc tới Khu III, Khu IV, vào miền Nam và ra tận Côn Đảo. Cả bài thơ thể hiện nỗi đau đớn, nhớ nhung, luyến tiếc, căm hờn trước cảnh tượng các giá trị văn hóa, vẻ đẹp cổ truyền, cuộc sống sinh hoạt yên bình và những con người thân yêu trên quê hương nhà thơ bị giặc tàn phá và đày đọa. Đây là một đoạn đặc sắc trong bài Bên kia sông Đuống:

Bên kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Quê hương ta từ ngày khủng khiếp

Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Ruộng ta khô

Nhà ta cháy

Chó ngộ một đàn

Lưỡi dài lê sắc máu

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang

Mẹ con đàn lợn âm dương

Chia lìa đôi ngả

Đám cưới chuột dang tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan tác về đâu.

Trích đoạn trên thuộc phần trọng tâm của bài thơ (tiếp sau mười câu mở đầu). Mười câu thơ đầu là cái nhìn bao quát toàn cảnh “bên kia sông Đuống” từ “bên này”, được Hoàng cầm viết không chỉ bằng kỉ niệm mà còn bằng hoài niệm. Con sông Đuống ucát trắng phẳng lì” như một sinh thể mang nặng tâm trạng anằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì” bát ngát một màu xanh: xanh mía, xanh dâu, xanh ngô, xanh khoai và

bỗng nhạt nhòa trong hiện tại. Nối tiếp mười câu đầu là bức tranh thơ kép đối nhau. Bức tranh thứ nhất vẽ lên khung cảnh miền quê tươi đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trước khi giặc chiếm:

Bân kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Sông Đuống còn gọi là sông Thiên Đức, là một nhánh của sông Hồng nối với sông Thái Bình, chia tỉnh Bác Ninh ra làm hai phần: nam (hữu ngạn) và bắc (tả ngạn). Quê hương, gia đình Hoàng Cầm ở nam phần tỉnh Bắc Ninh, ngang bên bờ sông Đuống. Khi giặc Pháp chiếm nam phần Bắc Ninh thì Hoàng Cầm đang công tác ở Việt Bắc. “Bên này” là vùng tự do,“bên kia” là vùng bị giặc chiếm đóng và giày xéo. Đứng ở “bên này”, nhà thơ nhớ đến hương vị quê hương ở “bên kia”. Thật vậy, quê hương của Hoàng Cầm rất trù phú, đời sống vật chất khá sung túc. Nhắc đến lúa nếp đối với người Việt Nam, không chỉ gợi nghĩ đến lúa nếp mà còn gợi lên cảnh miền quê êm đềm với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, lúa chín vàng cả khung trời, những hạt lúa mẩy vàng phơi mình trong nắng vàng óng ả. Mặt khác, mùi “lúa nếp thơm nồng” còn gợi chúng ta nhớ đến “hương cốm mới” trong bài thơ Đất nước cùa Nguyễn Đình Thi: “Gió thổi mùa thu hương cốm mới”. Cụm từ “thơm nồng” vừa miêu tả được hương vị thơm ngon của lúa nếp, của hạt gạo chứa đựng sức sống bên trong, vừa thể hiện lòng thương nhớ, tình cảm gắn bó mật thiết với quê hương của nhà thơ. Cụm từ “quê hương ta” đặt ở vị trí đầu câu thơ bày tỏ niềm tự hào da diết của Hoàng Cầm về mảnh đất Kinh Bắc - một miền quê văn hóa “mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên”. Trong chiều sâu của nỗi nhớ mênh mang, sâu thẳm phát xuất từ tâm hồn Hoàng Cầm, tranh Đông Hồ lại hiện về. Tranh Đông Hồ và Bắc Hồ (tức làng Lạc Thổ) là hai thôn kề nhau bên bờ sông Đuống, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Tranh có nhiều loại và nhiều đề tài nhưng thường không hướng tới những đề tài lớn cao xa, quý phái mà thường phác họa những đường nét bình dị, mộc mạc, hồn nhiên của cuộc đời thực: gà, lợn, đám cưới chuột, tranh các anh hùng thời xưa, hứng dừa, đánh ghen, đấu vật ... Những bức tranh ấy đã nói lên được tiếng lòng và những mơ ước khát khao của quần chúng nhân dân về một cuộc sống ấm no, nuôi trồng phát triển. Những bức tranh Đông Hồ thường được in tay và vẽ màu lên những tờ giấy dó dày và dai, có quét thêm bột vỏ con điệp. “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong” đã đánh thức nhà thơ và chúng ta niềm tự hào mãnh liệt về truyền thống văn hóa dân tộc. Màu tranh ấy đã trở thành màu dân tộc. Hồn quê Kinh Bắc đã trở thành hồn dân tộc. Tính từ “tươi trong” vừa tái hiện sự tươi tắn của những bức tranh, vừa gợi lên vẻ đẹp mặn mà, thanh khiết, thi vị của cuộc sống. Đặc biệt, tính từ “sáng bừng” vừa gợi lên vẻ lóng lánh bảy màu của bột vỏ điệp trên giấy vẽ tranh, vừa lột tả nét “sáng bừng” của màu dân tộc. Vả lại, từ “sáng bừng” chính là “con mắt” của câu thơ và khổ thơ có sắc thái gợi cái thần của bức tranh và gợi sự “sáng bừng” của những kỉ niệm đong đầy trong tâm khảm nhà thơ. Vậy nên, chúng ta thấy bức tranh thơ thứ nhất vừa chuyên chở được cái thần thái của quê hương Kinh Bắc thơ mộng, vừa duyên dáng, tình tứ.

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Nếu bức tranh thơ thứ nhất tuyệt đẹp và chở nặng oằn sương khói văn hóa dân gian thì bức tranh thơ thứ hai, Hoàng Cầm đã vẽ lên khung cảnh quê hương từ khi giặc chiếm bằng ngòi bút đẫm nước mắt:

Quê hương ta từ ngày khủng khiếp

Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Ruộng ta khô

Nhà ta cháy

Chó ngộ một đàn

Lưỡi dài lê sắc máu

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang.

Nhà thơ đặt tên cho thời điểm giặc tràn về Kinh Bắc là “ngày khủng khiếp” và hình ảnh tiêu biểu cho ngày đó là “ngùn ngụt lửa hung tàn”. Thật vậy, ngày quân Pháp đến quê hương Hoàng Cầm cũng là ngày độc lập, tự do hạnh phúc bị cướp đoạt, vẻ đẹp cổ kính của Kinh Bắc và những bức tranh xưa đă đắm chìm trong cảnh đổ nát, xơ xác, tiêu điều. Hơn nữa, bè lũ cướp nước còn hành động đốt phá theo mỗi bước chân chúng đi. Đốt là một trong ba hành động được nâng lên thành chính sách của Pháp trong cuộc chiến tranh: đốt sạch, phá sạch, giết sạch. Ngoài bút pháp phác họa thực tại, cụm từ “ngùn ngụt lửa hung tàn” còn chất chứa lòng căm thù giặc sâu sắc của nhà thơ. Dường như trong đôi mắt nhòe lệ, xót xa bỏng rát của Hoàng Cầm, việc gây chiến tranh giành giật thuộc địa, chia cắt đất nước do thực dân Pháp gây ra là một sự kiện vô cùng man rợ, vô nhân đạo, thuộc về bản chất của nhiều đế quốc. Bởi thế, ở câu thơ: “Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn”, nhà thơ không dùng bất cứ từ ngữ nào để miêu tả việc đốt phá, giết người, ném bom của lũ cướp nước nhưng ấn tượng về chúng rất khó phai mờ. Khi giặc kéo lên thì đồng thời lửa cũng bốc mạnh lên thành ngọn lớn - lửa ngùn ngụt, lửa hung tàn. Cụm từ “ngùn ngụt” tạo cảm giác mạnh mẽ, mang màu sắc đa phong cách, hậu quả của lửa hung tàn ấy là:

Nhà ta cháy

Chó ngộ một đàn

Lưỡi dài lê sắc máu

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang.

“Chó ngộ” là hình ảnh ẩn dụ tu từ, được nhà thơ xây dựng rất độc đáo

Có tác dụng miêu tả chính xác sự hung dữ của quân thù. Quân Pháp không còn là giống người nữa mà đã hóa thành bầy chó điên dại, độc địa. Qua hình ảnh này, chúng ta còn thấy được thái độ khinh bỉ, ghê tởm và lòng căm phẫn cao độ của Hoàng Cầm đối với kẻ thù không đội trời chung. Cùng với nghệ thuật liệt kê, cách tạo nhịp điệu, tiết tấu câu thơ co duỗi tự nhiên và thủ pháp dùng câu dài ngắn đan xen nhau diễn tả được những sự kiện trong hiện tại đã xảy ra dồn dập nhanh chóng, khốc liệt cũng như nỗi đau xót, nghẹn ngào, uất ức trong lòng nhà thơ vốn rất nặng tình với xứ sở Kinh Bắc. Với cái "lưỡi dài lê sắc máu” chạy rong khắp “kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang”, khung cảnh yên ả, hòa bình bị chôn vùi. Thay vào đó là cuộc sống tang tóc chia lìa và đời sống vật chất - tinh thần bị tàn phá nặng nề:

Mẹ con đàn lợn âm dương

Chia lìa đôi ngả

Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan tác về đâu.

Chiến tranh xảy ra cùng với sự tan tác của con người, những bức tranh cùng tan tác. Bức tranh “Mẹ con đàn lợn âm dương” mang những xoáy tròn âm dương tượng trưng cho sự giao hòa thịnh vượng của cuộc sống trần thế và bức tranh “Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã” bỗng phút chốc bị hủy diệt. Bằng thủ pháp khắc họa sự tương phản giữa quá khứ thanh bình và hiện tại đau thương: “mẹ con đàn lợn âm dương” >< “chia lìa đôi ngả”; “đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã” >< “bây giờ tan tác về đâu", Hoàng Cầm đã làm nổi bật lên tính chất tàn bạo của quân thù và nỗi niềm đớn đau quằn quại trước vẻ đẹp của quê hương bị thiêu hủy, giày vò trong từng phút, từng giờ. Đặc biệt câu hỏi tu từ “bây giờ tan tác về đâu” có sắc thái biểu cảm cao độ và sức gợi không khí loạn li, tan tác, bất hạnh sâu xa, ít nhiều gần gũi với hàng loạt câu hỏi tu từ biểu thị nỗi đau vì giặc Pháp giết hại trong thơ Quang Dũng:

Mẹ tôi em có gặp đâu không?

Bao xác già nua gặp cánh đồng?

Tôi cũng có thằng con bé dại

Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?

Vậy nên, câu hỏi tu từ cũng là điệp khúc “Bây giờ tan tác về đâu?” vừa biểu thị trạng thái bâng khuâng, ngơ ngác, vừa gợi nỗi xót xa thương cảm, lo lắng tột cùng, vừa chất chứa khối căm thù sôi sục của Hoàng Cầm trong thảm cảnh.

Nếu những câu hỏi tu từ trên đây của Quang Dũng làm xao xác cõi lòng, buốt nhói con tim của tất cả chúng ta thì câu hỏi tu từ, “Bây giờ tan tác về đâu?” trong thơ Hoàng Cầm cũng tê tái, quặn thắt tâm can của hàng triệu con người.

Tóm lại, trích đoạn thơ trên đây là một nửa trái tim Hoàng Cầm gửi về quê hương Kinh Bắc trăm quý ngàn yêu. Đoạn thơ tuy miêu tả những nét rất riêng của Kinh Bắc nhưng đồng thời là hình ảnh của Tổ quốc ta. Nhờ tứ thơ độc đáo, lan tỏa, tiết tấu nhẹ nhàng, lời thơ tự do, mộc mạc, tự nhiên, phảng phất âm điệu dân ca, kết hợp với các thủ pháp nghệ thuật: liệt kê, nhân hóa, ẩn dụ, tương phản, câu hỏi tu từ, cách dùng điêu luyện các loại câu dài ngắn khác nhau và cái nhìn quê hương bằng con mắt của một người yêu, trích đoạn trên cũng như cả bài thơ Bên kia sông Đuống đã để lại sức rung, sức gợi lâu bền trong lòng những độc giả yêu thơ.

Viết bình luận