Bình giảng khổ thơ kết thúc bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi sau đây: "Súng nổ rung trời giận dữ, Người lên như nước vỡ bờ. Nước Việt Nam từ máu lửa, Rũ bùn đứng dậy sáng lòa"

Nguyễn Đình Thi có những câu thơ viết về mùa thu rất gợi:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới”

Có những câu thơ đẹp, giàu cá tính sáng tạo:

“Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

Dòng sông đỏ nặng phù sa

Thơ Nguyễn Đình Thi có bản sắc riêng, có những tìm tòi vể hình ảnh và ngôn ngữ; dạt dào về cảm xúc khi ông viết về đất nước trong chiến tranh:

“Ôm đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng”

Kết thúc bài thơ “Đất nước” là hình ảnh nước Việt Nam - Tổ quốc thân yêu - lẫm liệt và hiên ngang, quật khởi và kiêu hãnh trong tư thế hào hùng chiến đấu và chiến thắng:

“Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn, đứng dậy sáng lòa”

Khổ thơ kết này được Nguyễn Đình Thi sử dụng rất sáng tạo thể thơ lục ngôn thể hiện cảm xúc như bị dồn nén lại, chất chứa trong lòng đất nước bấy nay. Giọng thơ bừng bừng vang lên như một khúc ca chiến trận. Đất nước đã trải qua những năm dài “đau thương chiến đấu”, biết bao máu đổ xương rơi, bao hi sinh gian khổ “Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội - Mối bước đường mỗi bước hi sinh”, thì mới có cảnh tượng hào hùng này:

“Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ”

Cả đất nước đứng lên nổ súng tấn công quân xâm lược; tiếng súng nổ rung trời, quân thù bị giáng những đòn chí mạng. Trên những con đường chiến dịch, quân và dân ta ào ào ra trận, “người người lớp lớp” (Trần Dần), “đêm đêm rầm rập như là đất nung” (Tố Hữu) vì thế trong tổng công kích, tổng phản công mới có cảnh tượng “súng nổ rung trời giận dữ” như vậy. Đất nước tiến công với sức mạnh của cả dân tộc. Hai tiếng “rung trời”cảm nhận thế đánh của đất nước mang tầm vóc kì vĩ vũ trụ. Đó là thế tiến công của quân dân ta trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ mới có sức mạnh thần kì ấy. Tiếng súng ấy còn chứa chất bao nỗi căm thù, giận dữ sôi sục. Giận dữ vì quân thù đã giày xéo đất nước ta, gây ra bao nhiêu tội ác tày trời:  “Bát cơm chan đầy nước mắt”,... “những cánh đồng quê chảy máu” và đã 9 năm trời đằng đẵng “Dây thép gai đâm nát trời chiều” quê hương đất nước ta. Giận dữ biến thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng.

Câu thơ “Người lên như nước vỡ bờ” là một câu thơ hàm súc, khơi nguồn cảm hứng từ một thành ngữ - tục ngữ dân gian: “Tức nước thì vỡ bờ" rồi tạo nên một so sánh, để hình tượng hóa sức mạnh chiến đấu vô cùng mạnh mẽ và to lớn của nhân dân ta quyết đánh tan mọi kẻ thù, cuốn phăng mọi thế lực tàn ác trên con đường đất nước đi tới tương lai tươi sáng. Câu thơ nói ít mà gợi nhiều, thế và lực của đất nước dồn nén và tích tụ, bật lên và phóng tới như một mũi tên từ cánh cung thần của người anh hùng thẩn thoại. Sức mạnh của thời đại Hồ Chí Minh, của 9 năm kháng chiến chống Pháp của đất nước ta đã truyền cho ngòi bút Nguyễn Đình Thi niềm tin tưởng tự hào để viết nên những vần thơ hào sảng, cho ta nhiều liên tưởng và cảm xúc vể sức mạnh quật khởi của đất nước anh hùng.

Nước Việt Nam từ máu lửa, Rũ bùn đứng dậy sáng lòa

Hai câu cuối như một tổng kết về hành trình lịch sử của đất nước. Có “rũ bùn” mới có “đứng dậy”, từ “máu lửa” mới có cảnh tượng “sáng lòa”. Câu thơ như một lời đúc kết về chiến tranh cách mạng, vể một chân lí lịch sử của đất nước ta trong thời đại Hồ Chí Minh:

“Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn, đứng dậy sáng lòa”.

Chữ “từ” trong câu thơ nói lên một quá trình, một sự thay đổi lớn lao của đất nước. Ba tiếng “Nước Việt Nam” cất lên, vang lên trong vần thơ biểu lộ niềm vui sướng tự hào vô hạn của tác giả. Mười sáu nãm sau, trên chiến trường Trị Thiên giữa những ngày sôi sục đánh Mỹ, kết thúc bài thơ “Đất nước” - Chương V bản trường ca “Mặt đường khát vọng”, nhà thơ trẻ Nguyễn Khoa Điềm, cũng với cảm hứng tự hào ấy đã gọi tên Đất Nước:

“Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa

Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào

Ta nghẹn ngào: Đất nước Việt Nam ơi!”

Từ “máu lửa” là từ những hi sinh, mất mát, đau thương. Nói như Chế Lan Viên thì “Mỗi trang sử đất này đều ngập máu cha ông” (Sao chiến thắng). Từ “máu lửa” là từ những năm dài kháng chiến “một gốc tre ba đời đánh giặc”. “Từ máu lửa” là từ nô lệ lầm than mà nhân dân “rũ bùn đứmg dậy” trong tư thế lẫm liệt chiến thắng vẻ vang: “sáng lòa”. Câu thơ từ nhịp 6 chuyển sang nhịp 2 diễn tả dáng đứng Việt Nam hào hùng:

“Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn/ đứng dậy /sáng lòa”

“Đứng dậy” - thể hiện sức mạnh quật khởi của đất nước, khát vọng tự do của nhân dân cầm vũ khí chiến đấu với quyết tâm “thà hi sinh tất cả chứ nhất không chịu mất nước, nhất định khống chịu làm nô lệ! ”(Hồ Chí Minh). “Từ máu lửa” đến “rũ bùn đứng dậy” mới có cảnh tượng huy hoàng: “sáng lòa”. Tứ thơ này được viết ra bằng cảm hứng lãng mạn nói về viễn cảnh của đất nước ta sau ngày đánh thắng quân xâm lược, bước vào một kỉ nguyên mới: độc lập, tự do, thịnh vượng. Câu thơ còn mang một hàm nghĩa lịch sử: cái giá của độc lập, tự do và niềm tự hào lớn lao về đất nước và kháng chiến.

Đoạn thơ trên mang đầy vẻ đẹp hàm súc về ngôn ngữ, vẻ đẹp tráng lệ về niềm tự hào đất nước về kháng chiến. Ý thơ khái quát nâng lên tầm trí tuệ: khẳng định và ngợi ca sức mạnh nhân nghĩa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đoạn thơ cho ta niểm tin về đất nước trên hành trình lịch sử: “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” để ta sung sướng, reo lên:

“Ta nghẹn ngào: Đất nước Việt Nam ơi!”

Viết bình luận