Bình luận câu nói của Bác Hồ: Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy

Hồ Chủ tịch không chỉ là nhà thơ, nhà văn lớn mà còn là một vị lãnh tụ luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá văn nghệ. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, người đã từng để lại nhiều ý kiến quan trọng có ý nghĩa chỉ đạo đối với việc xây dựng nền văn nghệ mới. Ý kiến sau đây là một trong những ý kiến như thế: Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn luôn đặt cuộc đời, lý tưởng độc lập tự do cao hơn văn chương. Tuy nhiên, Người cũng rất coi trọng tác dụng to lớn của văn chương và sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ. Trước đây trong bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi, Bác viết:

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong

Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy

Lần này trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một lần nói chuyện trực tiếp với văn nghệ sĩ, Bác lại nhấn mạnh: Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Bằng một câu nói giản dị súc tích, Bác Hồ đã thâu tóm một cách đầy đủ và sâu sắc bản chất xã hội của văn học nghệ thuật, đồng thời chỉ ra chỗ đứng mới của người nghệ sĩ cách mạng trong thời đại kháng chiến. Đó là tính giai cấp, tính Đảng của văn học và tính Đảng của văn nghệ sĩ.

Lý luận cũng như thực tiễn đã cho ta thấy rõ các sáng tác văn học là sản phẩm tinh thần của nhà văn. Trước hết, chúng nhằm bộc lộ, gửi gắm những tâm tư ước vọng, nhũng quan niệm về nhân sinh, vũ trụ của nhà văn. Nhưng trong xã hội có giai cấp thì nhà văn bao giờ cũng thuộc một giai cấp nhất định. Cho nên trong sáng tác, nhà văn thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình; đồng thời cũng là tư tưởng tình cảm của giai cấp mà mình gắn bó. Là thành viên của một giai cấp, nhà văn trở thành người đại diện, người phát ngôn cho một giai cấp nhất định. Goóc-ki đã nói: nhà văn là tai, là mắt, là bộ máy cảm quan của một giai cấp. Nhà văn có thể không có ý thức điều đó. Song bao giờ cũng là một bộ phận của giai cấp.

Một tác phẩm văn học nào đó có thể gây nên những phản ứng khác nhau ở từng giai cấp. Nó có thể được giai cấp này yêu thích, nhưng lại bị giai cấp khác nguyền rủa, căm thù. Như vậy, rõ ràng là tác phẩm văn học nào cũng phản ánh quyền lợi, nguyện vọng của một giai cấp nào đó. Nó bênh vực, làm lợi cho giai cấp này nhưng lại làm hại cho giai cấp khác.

Văn học nghệ thuật không chỉ biểu thị tư tưởng, tâm lý giai cấp mà còn là quyền lợi của giai cấp mình. Là tiếng nói tình cảm, là hình thức nhuần nhị và sắc bén của tư tưởng (Thư của BCH TW Đảng gửi văn nghệ sĩ), văn học nghệ thuật có tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm của mọi người. Nhận rõ điều đó, các giai cấp khác nhau đã sử dụng nó như một phương tiện tinh thần lợi hại phục vụ cho mục đích giai cấp

Và trong những thời điểm lịch sử có đấu tranh giai cấp quyết liệt, trên diễn đàn văn học thực sự diễn ra một cuộc xung đột tư tưởng gay gắt giữa các giai cấp đối kháng. Văn học nghệ thuật tiến bộ và cách mạng thường đi trước mở đường cho cuộc chiến đấu, giao tranh bằng vũ khí về sau. Ở đó, người nghệ sĩ thực sự trở thành người lĩnh xướng của giai cấp mình và tác phẩm của họ là ngọn kiếm đầu tiên của cuộc đấu tranh giai cấp.

Nói tóm lại, văn học nghệ thuật bao giờ cũng là một mặt trận nóng bỏng. Vì ở đấy luôn luôn diễn ra cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa cái nhân ái, nhân văn với cái phi nhân văn, cũng như giữa địch và ta, giữa ác và thiện một cách gay gắt quyết liệt. Nó cũng như mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế. Xem nó là một mặt trận là nhằm nhấn mạnh tính chất chiến đấu của nền văn học vô sản, nhấn mạnh tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh trên mặt trận này. Tuy không có tiếng súng, kẻ thù không trực tiếp nhưng mặt trận này rất phức tạp và quyết liệt.

Nghệ thuật chiến đấu

Với câu nói giản dị trên đây, Bác không những chỉ rõ vai trò, tác dụng vị trí của văn học đối với xã hội mà còn khắc họa rõ nét hình ảnh người nghệ sĩ kiểu mới. Đó là người nghệ sĩ hoạt động với tư cách là người chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ. Người nghệ sĩ ấy phải thừa nhận văn học phục vụ cách mạng, đấu tranh cho sự thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và chủ nghĩa xã hội. Bằng hoạt động văn học, bằng những hình tượng nghệ thuật cao đẹp, sinh động, có tác dụng to lớn trong việc giáo dục, xây dựng tình cảm lành mạnh phong phú cho người đọc, nhà văn phải góp phần tích cực cho sự chiến thắng của cái Chân - Thiện - Mĩ.

Như vậy, lời căn dặn của Bác trên đây đã thể hiện rõ yêu cầu tính Đảng của người nghệ sĩ và khẳng định tính chiến đấu của văn nghệ cách mạng. Lời dạy ân cần của Bác ra đời giữa lúc cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta đang bước vào một cuộc thử thách gay go quyết liệt nhất. Hơn lúc nào hết, lúc này cần khẳng định tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh cho toàn dân. Cho nên lời dạy của Bác chủ yếu nhằm nhắc nhở văn nghệ sĩ lập trường, nhiệm vụ thiêng liêng, vị trí quan trọng của mình đối với Tổ quốc trong giờ phút thiêng liêng này. Người nghệ sĩ cần hoạt động theo phương châm văn hoá kháng chiến và kháng chiến văn hoá. Một lần nữa lời dạy của Bác nhằm nêu cao tinh thần cảnh giác mài sắc ý chí chiến đấu của người nghệ sĩ. Bởi kẻ thù luôn luôn tìm cách tiến công trên mặt trận văn hoá, gieo rắc nọc độc tư tưởng hòng làm lung lay tinh thần cách mạng, kháng chiến của chúng ta trên mặt trận không tiếng súng này.

Văn học nghệ thuật là một mặt trận, lời căn dặn của Bác đối với các văn nghệ sĩ thời chống Pháp cũng đã khái quát được một cách sinh động thực tế tồn tại của văn nghệ sĩ từ xưa đến nay.

Từ bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt sang sảng ngâm trên sông Như Nguyệt, đến bài Hịch tướng sĩ dậy non sông của Trần Hưng Đạo. Từ bài Cáo bình Ngô được xem là một thiên cổ hùng văn của Nguyễn Trãi, đến những vần thơ được viết bằng máu và nước mắt chứa chan nghĩa nước tình nhà của Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu,... Tất cả đều là những vũ khí tinh thần sắc bén trên mặt trận đuổi giặc, cứu nước bảo vê cuộc sống thanh bình yên vui cho nhân dân,

Kể từ năm 1930 đến 1945, lịch sử dân tộc đã bước sang kỷ nguyên mới: kỷ nguyên có Đảng lãnh đạo. Trong bối cảnh ấy, văn học của ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ càng trở nên là một mặt trận tư tưởng quan trọng và nhà văn càng xứng đáng là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận ấy. Thơ ca Xô Viết Nghệ Tĩnh và thơ ca các chiến sĩ trong nhà tù thời kỳ hoạt động bí mật là những vũ khí sắc bén cho công cuộc vận động tuyên truyền cách mạng. Nhà thơ Sóng Hồng đã khẳng định:

Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ

Mỗi vần thơ bom đạn phả cường quyền

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trên mặt trận văn hoá và văn nghệ cũng đã diễn ra một cuộc đấu tranh gay go quyết liệt trong việc chống giặc cứu nước và đẩy lùi những âm mưu nô dịch của kẻ thù. Trong cuộc đấu tranh ấy, người nghệ sĩ không thể thụ động mà đã hành động với tinh thần tiến công trong tư thế của nhà văn chiến sĩ nhà văn cách mạng luôn luôn có mặt ở mũi nhọn của cuộc chiến đấu. Có biết bao nghệ sĩ vai ba lô đã cùng hành quân với bộ đội lên Tây Bắc hoặc dọc theo rừng Trường Sơn. Họ đã cho ra đời nhiều bài thơ trên báng súng khét mùi bom đạn và cháy đỏ lửa căm thù quân xâm lược. Các tác phẩm của thời kỳ này đã xây dụng được nhũng hình tượng con người kháng chiến anh hùng có sức cổ vũ lớn lao tinh thần quyết chiến đấu cho nền độc lập tự do thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều nhà văn như Trần Đãng, Nam Cao, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ, Dương Thị Xuân Quý, Trần Đình Vân., đã hy sinh giữa chiến trường như những chiến sĩ cầm súng thục sự. Lúc này Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ, bên những chiến sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi (Chế Lan Viên).

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, các nhà văn cách mạng của chúng ta, bằng tác phẩm của mình đã miêu tả một cách chân thực và hùng hồn cuộc sống mới, con người mới, tham gia tích cực vào sự nghiệp đấu tranh cho cái mới, cái Thiện, cái Mĩ toàn thắng.

Từ ý kiến của Hồ Chí Minh về thơ trong bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi đến luận điểm Văn hoá nghệ thuật là một mặt trận... thực chất cũng là một, tuy được phát biểu trong những thời điểm khác nhau và một bên qua sáng tác một bên qua hình thức chính luận. Đó là quan điểm cách mạng về văn hoá văn nghệ của Đảng, của giai cấp vô sản.

Viết bình luận