Cảm nhận về những câu hát châm biếm trong sách giáo khoa Ngữ văn 7

Cuộc đời vốn đa sắc, đa màu, muôn hình, muôn vẻ. Văn học dân gian trong đó có ca dao đã phản ánh được điều ấy. Trong ca dao ta bắt gặp cảnh đẹp làm ngơ ngẩn lòng người của non sông, đất nước. Cũng có khi gặp những cảnh ngộ tnương tâm, sự ngược đời khiến ta không nén nỗi thương cảm. Lại có những câu hát châm biếm trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 khiến ta phải bật cười. Cái cười trong chùm ca dao cũng đa dạng, phong phú: cười đả phá cái xấu, đề cao cái tốt, cười chua xót, mỉa mai.

Gã chồng lười nhác

Đọc bài ca dao thứ nhất ta tưởng đó là lời một cô cháu ngoan đang hăm hở đi tìm vợ cho chú minh. Nhưng thử đọc kĩ xem, ta sẽ nhận ra sự bất thường của việc đi tìm vợ cho chú. Để được cô yếm đào ưng thuận làm vợ chú, bản "lí lịch" của chú được hé lộ dần qua lời của đứa cháu. Nào là thích rượu chè, thích ngủ muộn, nằm ườn thích những ngày mưa, thích đêm kéo dài. Để làm gì ư: ngày mưa để khỏi phải ra đồng cày cấy, đêm thừa trống canh để ngủ cho no mắt... tóm lại toàn là những thói xấu mà người lao động xưa thậm ghét. Điều thú vị là tất cả những thói xấu đó được nói một cách rất lạc quan, mà mới đọc ta có cảm tưởng như đó là lời khen, khen ông chú tài giỏi. Lời nhẹ nhàng, đùa vui hóm hỉnh nhưng ý nghĩa phê phán lại rất sâu cay qua từ "hay" được hiểu theo cả hai nghĩa, lối chơi chữ được kết hợp với điệp từ và cách nói ngược... tất cả làm cho lời mỉa mai cứ nhẹ tênh như là biểu dương, khâm phục. Chân dung ông chú chính là đại diện tiêu biểu cho những gã đàn ông lười nhác, những gã chồng hèn chỉ biết bám váy vợ, kiểu như:

Chồng người đi ngược về xuôi

Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo

Hay:

Chồng người năng vũ năng văn

Chồng tôi chỉ chủ miếng ăn

Đong ít thì nó cằn nhằn

Bốc thêm nắm nữa nó nhăn răng cười.

Tạm biệt ông chú lười chảy thây ấy, ta lại chiêm ngưỡng chân dung một ông thầy bói giả cầy. Một loạt những điều hiển nhiên, vớ vẩn đến trẻ con cũng biết lần lượt xuất hiện trong lời của thầy:

Số cô chẳng giàu thì nghèo

Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà

Số cô có mẹ có cha

Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông

Số cô có vợ có chồng

Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.

Những điều vốn thế, hiển nhiên thế chẳng cần phải tìm đến bói toán người ta cũng biết lại được thầy nói bằng cái vẻ nghiêm trang, nghiêm trọng. Lại nữa, bằng cách nói nước đôi theo kiểu chẳng thế này thì thế nọ. Chấn tướng của thầy càng rõ hơn. Bộ mặt thật của kẻ chuyên lừa bịp kiếm tiền bị vạch trần, bị phơi bày, bị lôi ra ánh sáng. Nhục nhã và xấu xa, hắn xứng đáng để người ta mỉa mai, bêu riếu. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, tác giả dân gian còn muốn phê phán những người mê tín đến mức lú lẫn, không phân biệt đâu là thực, là hư. Tìm đến lễ bái vu vơ, tiền mất mà tật mang, mua thêm nỗi lo lắng vào lòng. Bời thế tiếng cười lại đa sắc, đa diện và ý nghĩa của nó lại càng thấm thìa, sấu xa.
Bài ca dao thứ ba lại vẽ ra cảnh thương tâm của một đám tang ở nông thôn xưa qua hình ảnh ẩn dụ giàu ý nghĩa. Tang chủ là gia đình cò - một thân phận bé mọn tận cùng của xã hội và cái chết thật thương tâm:

Con cò chết rũ trên cây

Con cò đi kiếm ăn

Hình ảnh cò "chết rũ" khiến cho ta liên tưởng đến cái chết vì đói khát, chết vì kiệt sức khi không có nổi miếng ăn. Vậy mà, đã chết rồi, cò vẫn không được yên. Khốn khổ cho cái gia đình cò ấy khi có người nằm xuống, mất mát, đau thương tưởng có người sẻ chia, ai ngờ. Xa gần kéo đến rất đông nào cà cuống, chim ri, chào mào, chim chích... nhưng hẳn là chẳng để chia buồn vì cái ồn ào, láo nháo không chút tang ma kia đã nói lên điều đó. Chúng đến để "uống rượu la đà", để "ríu rít bò ra lấy phần", để "đánh trống quân"... nghĩa là để làm cho gia đình tang chủ thêm rối ren, trong lúc vốn đã rối lên vì có người chết. Mỗi một con vật, một hành động là một ẩn dụ cho một loại người, hạng người, một việc làm của con người. Tang ma vốn là một việc hiếu, việc nghiêm trọng, việc để mọi người chia sẻ bỗng bị biến thành màn hài kịch, biến thành cơ hội để tất cả xúm vào xâu xé, kiếm chác, đánh chén no say, chia chác om sòm. Mỉa mai thay, đau đớn thay. Đằng sau những lời ca châm biếm ấy là giọt nước mắt cảm thương cho gia đinh cò, cảm thương cho những kiếp người bé mọn phải chịu khổ trăm bề. Bài ca dao cũng là lời tố cáo, lên án hủ tục ma chay lạc hậu ở nông thôn xưa. Lời ca dao vì thế mà khiến cho mỗi người không thể dửng dưng trước nỗi đau của người khác, nhắc nhở người ta bài học về sự cảm thông và chia sẻ.

Cuối cùng là chân dung "cậu cai" với "nón dấu lông gà" hiện lên khá oai, oách:

Cậu cai nón dấu lông gà

Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai

Ba năm được một chuyến sai

Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê

Tìm một cách "định nghĩa" về cậu cai, người dân muốn vạch trần bản chất, vạch trần sự thật về bọn tay sai cho giai cấp thống trị. Hãy thử xem cậu cai thuộc thứ hạng gì trong cái bộ máy cai trị, bóc lột ấy nhé. Trong bộ máy cai trị ấy, nhỏ nhất là cậu lệ (cậu lính lệ) và cậu cai kia, hơn hẳn cậu lính lệ một bậc. Thật oách, trong con mắt dân đen phải không. Và bởi thế, xét cho cùng chả là gì cả nhưng cậu vẫn tha hồ lên mặt với dân, bắt nạt dân làng, lắng nhắng, lắm sự. Cũng bởi thế, người dân được nhìn tận mặt cậu cai, bởi được cái vố "nón dấu lông gà", "ngón tay đeo nhẫn" của cậu. Họ phát hiện ra cái sự thật nực cười mà cậu cai cố tìm cách dấu đậy nó đi:

Ba năm được một chuyến sai

Áo ngắn đi mượn, quằn dài đi thuê

Thảm hại biết bao vì tất cả những thứ hào nhoáng kia đều thuộc về người khác, cậu ta chả có gì, chả là cái gì vậy mà lại hay khoe mẽ. Thân phận rờm, uy quyền cũng rởm, tác giả dân gian đã vạch trần con người thật của cậu cai, phơi cậu ta ra trước bàn dân thiên hạ, gọi tất cả ánh mắt hướng về. Nhưng nếu chỉ "cởi trần" cái nhân vật cậu cai kia thôi thì chưa có nhiều điều để nói, cũng không phải là mục đích của người xưa. Đằng sau cậu cai là cả một tập hợp những kẻ rởm như cậu. Nghĩa là, tất cả bọn tay sai của tầng lớp thống trị, của những ông quan cai trị người Pháp đều một duộc như cậu cai. Hào nhoáng, lố lăng nhưng bản chất thì tầm thường và quyền hành chỉ là cái vỏ mà chúng thì luôn sống trong ảo tưởng. Dùng phép đối trong hình ảnh, thâm ý của tác giả dân gian thật sâu sắc. Vừa thổi chúng bay lên chín tầng mây ở hai câu đầu thì lại kéo chúng rơi xuống thực tại mỉa mai. Vừa khoác lên người chúng nón dấu lông gà, áo ngắn, quần dài vừa vạch trần chúng ra, phơi bày con người thật trước bàn dân thiên hạ. Ta thì hả hê cười, còn hẳn bọn chúng sẽ tím ruột, tím gan khi đọc những câu ca dao thâm thúy như thế. Tác giả dân gian quả thật rất tài.

Mỗi bài ca dao một cách cười, một kiểu cười, một ẩn ý sâu sa. Tuy nhiên, điểm gặp gỡ của cả bốn bài ca dao là thái độ phê phán những con người xấu xa, những sự việc, hiện tượng, những hủ tục rườm rà, sự bóng bẩy hào nhoáng mà không thực chất. Qua đó, tác giả muốn xem nó như một vũ khí để loại bỏ cái xấu, cái ác để cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Xưa nhưng không cũ, tiếng cười phê phán và những sự việc, con người bị đem ra phê phán trong bài ca dao ta vẫn có thể bắt gặp trong cuộc sống ngày nay. Bởi thế, hơn ai hết, ta hãy biết dùng tiếng cười để điều chỉnh mình, hoàn thiện mình và sống đẹp hơn.

Viết bình luận