Đỗ Phủ với bài thơ “Thu hứng” (Cảm hứng mùa thu)

Phiên âm:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,

Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.

Gian gian ba lãng kiêm thiên dũng,

Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,

Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

Hàn y xứ xứ thôi đao xích,

Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Dịch nghĩa:

Sương móc trắng làm tiêu điều cả rừng cây phong,

Núi Vu, kẽm Vu hơi thu heo hắt.

Giữa lòng sông, sông vọt lên tận lưng trời,

Trên cửa ải, mây sa sầm giáp mặt đất.

Khóm cúc hai lần nở hoa lại làm tuôn rơi nước mắt ngày trước,

Con thuyền lẻ loi buộc mãi tấm lòng nhờ nơi vườn cũ.

Chỗ nào cũng rộn ràng dao thước để may áo rét,

Thành Bạch Đế cao, tiếng chày đập vải về chiều nghe càng dồn dập.

Dịch thơ:

Lác đác rừng phong hạt móc sa,

Ngàn non hiu hắt khí thu loà.

Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,

Mặt đất mây đùn cửa ải xa.

Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,

Con thuyền buộc chặt mối tình nhà,

Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,

Thành Bạch, chày vang bóng ác tà

(Nguyễn Công Trứ dịch)

Sự đổi màu của rừng phong khi vào thu

Buồn trước mùa thu là chủ đề ngâm vịnh của thi nhân thời cổ, ở Trung Quốc hay Việt Nam cũng vậy. Trong văn tự Trung Quốc, chữ thu đặt trên chữ tâm thành chữ sầu - mùa thu đậu xuống tâm hồn thành nỗi buồn. Chỉ hai chữ thu hứng đã khái quát chủ đề của bài thơ, của cả chùm thơ tám bài.

Bài thơ này được viết vào mùa thu năm Đại Lịch thứ nhất (766). Cảnh thu hiu hắt ở Quỳ Châu, nơi Đỗ Phủ ngụ cư cách xa quê nhà mấy ngàn dặm, đã gợi nỗi buồn sâu thẳm trong tâm hồn nhà thơ. Nỗi buồn ấy đã được gửi gắm trong chùm thơ Thu hứng gồm tám bài, đây là bài thứ nhất. Toàn bài thơ có thể chia làm hai phần. Bốn câu trước tả cảnh, mà trong cảnh đượm tình thu. Bốn câu sau thể hiện tình cảm trước mùa thu đất khách.

Thơ được khởi từ sự đổi màu của rừng phong:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm

(Sương móc trắng làm tiêu điều cả rừng cây phong)

Ấy là mùa thu. Chỉ một câu mở đầu đã điểm minh đầu đề (làm rõ đầu đề): thu - hứng. Hứng ở đây là nỗi buồn, được thể hiện bằng cả khung cảnh rừng phong tàn tạ, mà đặc biệt tập trung là ở hai chữ điêu thương. Tĩnh - động từ điêu thương do chính Đỗ Phủ sáng tạo ra để tả cảnh rừng phong, đồng thời thể hiện nỗi buồn thương của con người. Trong từ vựng Trung Quốc, thông thường người ta chỉ dùng điêu tạ, điêu linh, điêu lạc, điêu tàn, chỉ với Đỗ Phủ mới có điêu thương (chữ thương thường chỉ dùng cho con người). Rừng phong điêu tàn, lòng người bị thương. Mùa thu đến cho rừng phong tàn tạ, lòng người buồn thương. Ấy là thu hứng. Ngoài xa kia là Vu sơn, Vu giáp, là núi non đất Thục, thì:

Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.

(Núi Vu, Kẽm Vu hơi thu hiu hắt.)

Cả núi non vốn hùng vĩ kia giờ cũng hiu hắt, nhạt nhoà trong hơi thu. Biết làm sao được! Quy luật của thiên nhiên, cảm hứng trong tâm hồn nó là như vậy. Hai câu thơ của liên đâu (thường gọi là phần đề) tả cảnh rừng núi tĩnh tại đượm mùa thu, đượm tình thu. Đó là bằng không gian (rừng núi, hơi sương) mà thấy thời gian (mùa thu).

Hai câu tiếp theo (thường gọi là phần thực) tả cái động của sóng trên sông, mây trên ải:

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,

Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

(Giữa lòng sông, sóng vọt lên tận lưng trời,

Trên cửa ải, mây sa sầm giáp mặt đất.)

Sóng trên sông sao mà dữ dội, sóng của dòng sông nước lũ mùa thu, cuồn cuộn chảy như cuốn cả trời. Trên cửa ải mây sà xuống đen rầm mặt đất. Trời đất bao la của mùa thu bị dồn nén, thu hẹp lại. Và, một cách tự nhiên, nhãn giới của con người bị dồn về, tự thu về cảnh vật trước mắt, chỉ thấy:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,

Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

(Khóm cúc hai lần nở hoa lại làm tuôn rơi nước mắt ngày trước, Con thuyền lẻ loi buộc mãi tấm lòng nhớ nơi vườn cũ.)

Rút tầm mắt về, lại vẫn chỉ thấy mùa thu nở ra dòng lệ trên khóm cúc, thứ hoa muôn thuở của mùa thu và bắt gặp trái tim mình buộc mãi mối tình quê hương trên con thuyền cô đơn, bao lâu rồi nôn nao chờ đợi. Hai câu thơ được Nguyễn Công Trứ dịch thật hay:

Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,

Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.

Hoa cúc, thứ hoa muôn thuở của mùa thu

Cũng có thể nói đây là hai câu hay nhất trong bài thơ, cả trong Thu hứng của Đỗ Phủ, cả trong bản dịch của Nguyễn Công Trứ. Hai câu này đa nghĩa. Ý nghĩa cụ thể có thể khảo sát được là cúc đã hai độ nở hoa từ ngày Đỗ Phủ cư ngụ ở Quỳ Châu. Cúc lại nở khiến người ngậm ngùi rơi lệ. Nhưng trên từng chữ của câu thơ, thật lạ lùng, cúc nở ra không phải là hoa, mà là... nước mắt. Đối cảnh sinh tình ư? Hay là con người đã phổ tình vào cảnh? Làm sao phân biệt được nước mắt hoa hay nước mắt thi nhân khi mà con người với ngoại giới chung một tâm tình, khi vạn vật với ta là một. Và con thuyền cô quạnh buộc mãi vào mối tình thương nhớ vườn xưa.

Nhãn tự của hai câu thơ này là hai động từ khai (nở) và hệ (buộc): nở ra... nước mắt, buộc vào... trái tim. ở hai câu thơ này còn có hai từ rất lạ, rất diệu: lưỡng và nhất. Đây là hai số từ được dùng làm trạng ngữ gắn với hai động từ thi nhãn kia: lưỡng khai - nhất hệ. Lưỡng là hai mà cũng là phiếm chỉ số nhiều, chỉ sự lặp lại - đã từng nở, bây giờ lại nở, đã từng rơi nước mắt, bây giờ lại rơi nước mắt. Vậy nên nhà thơ họ Nguyễn mới dịch là tuôn thêm. Nhất hệ nếu trực dịch thì là một buộc; nhưng nói một buộc: thì ai mà hiểu được. Thế là Nguyễn Công Trứ bèn dịch là buộc chặt. Có lẽ vì Uy Viễn tướng quân họ Nguyễn là con người mạnh mẽ nên đã buộc là buộc chặt. Cũng đúng. Nhưng nhà thơ khổ trung, chuyên nhất Đỗ Phủ một khi đã gắn bó, một khi đã buộc là buộc mãi chẳng bao giờ gỡ ra được nữa, cũng chẳng hề có ý định gỡ ra, cứ buộc mãi vậy thôi. Đó mới là bản nghĩa của nhất hệ.

Đột ngột:

Hàn y xứ xứ tôi đao xích,

Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

(Chỗ nào cũng rộn ràng dao thước để may áo rét,

Thành Bạch Đế cao, tiếng chày đập vải về chiều nghe càng dồn dập.)

Nói đột ngột vì suốt cả sáu câu thơ trước không có một âm thanh nào cả. Người thơ đang chìm lắng trong tấm lòng nhớ nơi vườn cũ, chợt khung cảnh thầm lặng ấy bị phá vỡ bởi âm thanh đặc thù của mùa thu Trung Quốc xưa. Cuối thu trời chớm rét, người ta may áo để ngăn cái rét mùa đông đang sầm sập đến, đặc biệt là may áo gửi người lính thú nơi biên cương lạnh lẽo. Thời ấy, vải để may áo rét thường dày và rất cứng, người ta phải ngâm nước và đặt trên tảng đá lớn (gọi là châm) rồi dùng chày dập cho sợi mềm ra mới may được, cho nên nơi nơi đều rộn ràng tiếng chày đập vải. Thơ Bạch Cư Dị cũng từng nhắc đến âm thanh ấy:

Thu đến nhớ chồng ai đập lụa,

Gió trăng não lắm đá chày ơi!

Tháng tám tháng chín đêm dài bấy,

Ngàn tiếng muôn tiếng không hề ngơi.

Mỗi tiếng trắng thêm tơ một sợi,

Sáng ra e bạc cả đầu ai.

(Nghe tiếng chày đêm)

Đó là âm thanh sinh hoạt nhưng cũng là những tiếng não lòng, vì đã từ bao lâu rồi, nó là âm thanh gợi niềm thương nhớ người thân nơi phương trời giá lạnh. Nó cũng thắc thỏm một nỗi lo âu vì chiến tranh chưa dứt, bao nhiêu người lính còn trấn thủ nơi biên cương, để cho người ở hậu phương phải hối hả may áo rét gửi ra miền quan ải. Cho nên hai câu kết mà lại là mở ra nỗi âu lo buồn nhớ ấy bắc một nhịp cầu sang Thu ứng bài sau...

Từ cảnh vật đến âm thanh... tứ thơ vận hành thật thật tự nhiên mà thật diệu. Từ rừng núi, trời đất ngoài xa... thu về trên khóm cúc, lặn vào trong tâm tư. Đó là vận hành của không gian chở vận hành của thời gian. Trời tối dần, tầm nhìn dần thu hẹp và cuối cùng không còn thấy gì nữa, chỉ nghe thấy âm thanh dồn dập của mùa thu giã vào nỗi buồn lo nhung nhớ. Thu cảnh đã chuyển vào thu tâm. Ấy là thu - hứng.

Thông qua cảm xúc trước mùa thu Ba Thục, Đỗ Phủ thể hiện nỗi lo âu cho đất nước, nỗi buồn nhớ quê hương và nỗi ngậm ngùi, xót xa cho thân phận mình.

Chùm thơ Thu hứng tiêu biểu cho nghệ thuật thơ của Đỗ Phủ, vì vậy xưa nay nó được đánh giá rất cao. Đặc biệt ở bài thơ thứ nhất, tức bài này, mỗi từ mỗi ý đều có sức kinh nhân.

Viết bình luận