Em hãy kể lại bằng văn xuôi nội dung của bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người” của nhà thơ Xuân Quỳnh

Mặt đất bỗng rung chuyển. Bão trời cũng rung chuyển. Những tiếng ầm ầm vang lên, lay động cả những ngọn núi cao, đồ sộ. Đất đai nứt nẻ thành từng đường dài, nham nhở. Một tia sét đánh vào cái vùng hoang vu kia. Và từ đâu, một tiếng gì đó vang lên át hẳn tất cả bão chớp vừa qua, tiếng “ọc ọc” thảm thiết.

Dòng nước ấm áp, che chở cho những đứa trẻ, bé nhỏ

Tiếng khóc ngày một rõ dần, rõ dần đưa ta đến một miền đất lạ. Và kia, nơi đó bỗng xuất hiện những sinh vật gì trông thật ngộ nghĩnh: chúng có đầu, có tay, có chân. Đứa da trắng, đứa da đen nằm len lóc. Chúng khẽ lay lay mình, ngồi dậy. Từng đôi mắt đen nhìn ra khoảng xa xăm, mù mịt. Quanh người chúng chỉ là một bóng đen dầy đặc. Đứa nọ đưa mắt nhìn đứa kia mà chẳng thấy gì; chúng muốn nhìn thấy anh em mình quá. Vậy là một đứa quỳ xuống và nói:

- Xin thượng đế hãy cho chúng con một ngọn đèn để chúng con nhìn thấy mặt nhau.

Lời khẩn cầu vừa dứt, từ mấy dãy núi nham nhở kia, một tia sáng vụt lóe. Bọn trẻ nhắm tịt mắt. Tia sáng cứ tỏ dần, tỏ dần rồi vụt trở thành một quả cầu khổng lồ, đỏ thắm rực rỡ, đó chính là mặt trời của chúng ta bây giờ. Bọn trẻ mở mắt, reo to trong niềm sung sướng.

- A! Có đèn tồi! Chúng ta nhìn thấy nhau rồi, nhìn thấy nhau rồi!

Đứa nọ ngước sang đứa kia. Mỗi cậu một vẻ; có đứa tóc xoăn, ngắn cũn cỡn, lại có đứa tóc dài chấm gót. Nhưng đứa nào đứa nấy đều béo tròn, trắc nịch. Bọn trẻ ôm lấy nhau, nhảy vòng tròn. Sau cùng một đứa nói:

- Thôi nào các anh em! Chúng ta là những người chủ đầu tiên của mảnh đất này. Chúng ta phải cố gắng xây dựng nó thành một vương quốc giầu mạnh như lời dặn của thượng đế, phải không nào! Hàng loạt tiếng “đúng đúng” vang lên rồi sau đó là những tràng cười ngây thơ, tinh nghịch.

Vậy đấy, hôm sau, chúng bắt tay vào công việc chế tạo mặt đất. Nhờ những ánh lửa của ngọn đèn khổng lồ kia, cây cỏ bắt đầu mọc, hoa lá đâm chồi, nảy lộc. Những bông hoa màu đỏ thắm, rực rỡ như nụ cười những đứa trẻ. Thảm cỏ xanh mượt cho lũ trẻ nghỉ chân sau những giây phút vất vả. Đứa nào đứa nấy đều rất đỗi tự hào về mảnh đất, của cải đang ở trong tay chúng. Con bé út có đôi má lúm đồng tiền khẽ nói: “Cấc anh chị ơi, giá mà có thêm nhạc thì hay biết mấy nhỉ”. Bỗng từ đâu hàng loạt tiếng “chic chíc” líu lo nghe rất vui tai, vang lên quanh bọn chúng. Trên khắp các chạc cây, từng đàn chim lông đủ màu rực rỡ, có chú to, chú nhỏ, ghếch cái mỏ hát lên rất vui tai. Bọn trẻ ngỡ ngàng, rồi chúng sung sướng trôi theo tiếng nhạt lúc trầm, lúc bổng, lúc lên xuống thánh thót ngân vang. Từ tiếng nhạc ấy, từ trong lòng đất, nước bỗng trào ra, mát rượi. Dòng nước trong xanh, róc rách từ những khe đá như hòa chung với bản nhạc, khiến bọn trẻ đi hết từ từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chúng chạy theo dòng suối hiền hòa kia, chạy mãi qua bao nhiêu cánh rừng, qua bao nhiêu đồi núi, để cuối cùng trước mắt chúng bỗng hiện ra mênh mông toàn là nước. Đó là sông, chúng reo lên trong niềm vui tột độ. Bọn trẻ nhảy vội xuống, đầm mình trong dòng nước mát lành, trong trẻo. Dòng nước ấm áp, che chở cho những đứa trẻ, bé nhỏ. Tiếng cười đùa vang mãi. Đêm đó, bọn trẻ bàn nhau phải mở rộng hồ nước; chúng sẽ đóng những con thuyền lớn đi ngao du, tới từng miền đất lạ, từng người bạn mới. Thế là biển sinh ra, rộng lớn mạnh mẽ như niềm mơ ước vời vợi của trẻ nhỏ. Hằng ngày từng cánh buồm trắng căng gió, bên trên là những cô cậu oai vệ mà nét mặt con ngây thơ quá đỗi, lướt nhẹ trên mặt biển, mang đi những thứ tiếng, những câu chào bạn bè, vui tươi, hồn nhiên. Thế đấy, các cậu bé thì say sưa với việc thuyền bè mà họ vừa nghĩ ra, còn các cô bé thì sao đây? Các cô bé xinh xắn muốn mình trông xinh hơn, duyên dáng hơn. Ước gì dưới chân mình là những dải lụa nhỉ? Thế là những con đường xuất hiện, mềm mại, đúng theo mơ ước đó. Chúng còn ước gì trên đầu mình có những chiếc ô che tóc. Và đó, mấy bông trắng xốp xuất hiện, đi theo chân các cô bé. Vậy là đường rợp bóng cây, biển và cánh buồm no gió cứ nối tiếp hiện ra theo những khát khao tuổi nhỏ. Bọn trẻ vui vẻ, đùa nghịch hết ngày này tháng khác. Nhưng rồi, một ngày kia chúng bỗng cảm thấy chán chường quá, buồn tẻ quá. Những trò chơi cứ lặp đi, lặp lại một cách nặng nề, nhàm chán. Bọn trẻ thấy cô đơn quá. Chúng cần một cái gì đó để ôm ấp che chở cho chúng khỏi lạnh, khỏi mưa gió. Chúng cần cái gì đó để cho chúng vui, an ủi khi chúng làm hư cái này, hỏng cái nọ. Cái đó khó quá. Bọn trẻ tìm kiếm khắp nơi mà không thấy. Cuối cùng, chúng đành phải quỳ xuống, ngước nhìn thượng đế mà nói trong tiếng nấc nghẹn ngào:

- Thượng đế ơi! Tất cả những gì ngài ban cho chúng con rất thích. Nhưng chúng con cần có cái gì hơn thế. Xin người hãy giúp chúng con! Chúng con xin người!

Bọn trẻ lớn lên trong nếp nhăn già nua của ông bà, cha mẹ

Chưa kịp dứt lời thì một quầng hào quang muôn màu tỏa sáng. Từ trong vòng hào quang đó, một người phụ nữ với nụ cười hiền từ bước ra. Bà ăn bận bình dị, giản đơn. Chẳng nhẽ con người đó có thể làm vơi nỗi buồn của bọn trẻ ư? Chúng nghi ngờ và hồi hộp. Đêm đó bà bảo chúng nằm xuống bên mình. Bà bắt đầu cất giọng ru. Tiếng ru hay quá, ngọt ngào sâu lắng quá. Tiếng ru ấp ủ biết bao nhiêu niềm yêu thương, biết bao mồ hôi nước mắt. Tiếng ru vang vọng mãi, khiến bọn trẻ chớp mắt và từ hai khóe mắt kia, một giọt lệ long lanh lăn dài rồi vỡ òa lên khuôn mặt chúng. Con người đó làm chúng thấy yêu thương nhau hơn, gắn bó với nhau hơn. Con người đó chăm sóc chúng tận tình, lo cho chúng chơi, khuyên răn, nhắc nhở chúng, đưa chúng vào giấc mơ tuyệt đẹp. Bó là mẹ! Người mẹ đã đem đến cho lũ trẻ không gì ngoài tình cảm thiêng liêng - Người mẹ đầu tiên trên đất.

Nhưng mẹ thì bận rộn nhiều lắm. Nào phải nấu cơm, đun nước, làm ruộng... mẹ tất bật suốt ngày. Những lúc đó, chúng cứ ngồi thờ thản buồn nản. Một hôm, mẹ gọi chúng đến và bảo:

- Các con, khi mẹ đi vắng, các con ở nhà sẽ có người chăm lo chu đáo, các con ạ!

Bọn trẻ nhao nhao “Ai đó mẹ, ai đó mẹ?”. Vừa hỏi xong, thì thay vào chỗ mẹ là một bà lão hiền từ, tóc bạc phơ, đầu quấn cái khăn mỏ quạ.

Bà khẽ nói:

- Các cháu muốn bà làm gì nào?

Lũ trẻ cùng đồng thanh thưa:

- Chúng con muốn bà kể chuyện cho chúng con nghe.

Bà mỉm cười, và bắt đầu kể chuyện. Giọng bà cũng ấm áp truyền cảm như giọng mẹ. Ánh mắt bà cũng sâu lắng, trìu mến, thiết tha. Bọn trẻ say sưa cùng những câu chuyện Tấm Cám, nàng Tiên, Hoàng tử. Bọn trẻ như vui hơn, yên tâm hơn khi có bà bên mình. Chúng cất giọng tràn đầy yêu thương: “Bà ơi! Cháu yêu bà lắm!”
Khi chúng đã đủ lớn, đủ hiểu thì người bố xuất hiện. Bố dậy cho chúng hiểu biết. Bố bảo rằng: “Trên trời này chỉ có tình yêu là đẹp nhất”. Có bố, chúng cảm thấy tự hào, tin tưởng và hi vọng hơn. Bố dạy bọn trẻ viết nào chữ 0, chữ 0, nào dấu ngã, dấu nặng. Một ngày kia, bố gọi chúng đến và bảo: “Các con đã đến tuổi đi học rồi!”
Bọn trẻ tò mò muốn biết họ là ai? Chúng náo nức trong sự dặn dò tỉ mỉ của mẹ, của bà, trong sự nhắc nhở của bố. Lũ trẻ chạy vào lớp. Trước mắt chúng là bàn ghế, là cái bảng to bằng cái chiếu, là cục phấn ghè từ đá ra. Và cuối cùng là thầy giáo. Thầy dịu dàng hỏi:

- Các trò đánh vần nhé: “Chờ uyên chuyên nặng chuyện, lờ oai loai huyền loài”.

Bọn trẻ hớn hở đọc theo “chuyện loài...” Rồi như hiểu ra ý thầy, không đợi thầy nhắc chúng đồng thanh đọc thật to: “Chuyện loài người trước nhất”.

Câu chuyện khép lại. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, xây dựng mảnh đất quê hương một ngày một đẹp hơn, giàu mạnh hơn. Bọn trẻ lớn lên trong nếp nhăn già nua của ông bà, cha mẹ. Thấp thoáng có đứa trẻ nào đó hỏi ông: “Ông ơi, ai sinh ra đầu tiên trên đời vậy ông?”

Ông mỉm cười nhìn cháu rồi bất giác trả lời đầy chắc chắn:

- Là thế hệ các cháu đó, cháu ạ!

Viết bình luận