Nêu những nét chính trong sự nghiệp sáng tác văn học của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Dàn ý chi tiết

Mở bài:

- Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ là một vị anh hùng dân tộc lỗi lạc mà còn là một nhà văn, nhà thơ lớn.

- Bác Hồ đã sáng tác nhiều áng văn thơ rất nổi tiếng thể hiện tài năng của một nghệ sĩ bậc thầy. Những sáng tác của Bác bao gồm rất nhiều thể loại.

Thân bài:

- Trước hết là văn chính luận. Đó là những tác phẩm được viết ra chủ yếu nhằm mục đích đấu tranh chính trị, nhằm tấn công trực diện kẻ thù hoặc thể hiện những nhiệm vụ cách mạng cụ thể qua từng chặng đường lịch sử.

Thơ văn của Bác là tiếng nói tâm hồn của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng

+ Những năm 20 của thế kỷ XX, các bài văn chính luận viết bằng tiếng Pháp in trên những tờ báo "Người cùng khổ", "Nhân đạo", "Đời sống thợ thuyền" đã có tác động mạnh mẽ và gây ảnh hưởng lớn lao đến công chúng Pháp và nhân dân các nước thuộc địa. Nội dung chủ yếu (của) những tác phẩm chính luận của Bác giai đoạn này là lên án chế độ thực dân Pháp và chính sách tàn bạo của chính phủ Pháp đối với các nước thuộc địa; kêu gọi và thức tỉnh những người nô lệ bị áp bức và liên hợp lại, trong một mặt trận đấu tranh chung (cách mạng).

+ Những tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: Bản án chế độ thực dân Pháp là tác phẩm tiêu biểu đã kết tinh được tinh thần trên và trở thành một trong những tác phẩm lớn nhất của Bác. Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện chính trị có giá trị lịch sử lớn lao không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà cả nhân dân thế giới yêu chuộng hoà bình và công lý. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946) và Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước (1966) là những áng văn chính luận hào hùng, tha thiết, làm rung động hàng triệu trái tim người Việt Nam yêu nước. Những tác phẩm ấy nói lên các vấn đề thời sự cấp bách của dân tộc, thể hiện sâu sắc tiếng gọi của non sông đất nước trong những giờ phút thử thách ác liệt, thúc gọi bổn phận trách nhiệm, nghĩa vụ đối với mỗi người dân Việt Nam trước vận mệnh đất nước. Trước lúc đi xa, Người còn để lại bản Di chúc thiêng liêng không chỉ chứa chan tình cảm của Bác đối với dân tộc đặc biệt là nhân dân miền Nam còn đang phải sống dưới ách kìm kẹp của quan thầy Mỹ - nguỵ mà bản Di chúc của Bác còn chứa đựng hàm súc đường lối chiến lược cho cách mạng Việt Nam.

- Về mảng truyện và ký.

+ Tập Truyện và ký của Nguyễn Ái Quốc được viết trong khoảng từ năm 1922 đến năm 1925. Đây là tập truyện và ký rất đặc sắc được viết với bút pháp đầy sáng tạo, giàu chất trí tuệ và rất hiện đại. Truyện của Người cô đọng, hàm súc, cốt truyện biến hoá linh hoạt, kết cấu độc đáo. Mỗi truyện đều có một tư tưởng riêng hấp dẫn, ý tưởng thâm thúy, kín đáo, hình tượng mới mẻ, giàu sức thuyết phục, giàu ý nghĩa thẩm mỹ. Những tác phẩm tiêu biểu: Vi hành, Pari, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Con người biết mùi hun khói, Những trò lố hay là Va ren và Phan Bội Cháu, Con Rùa, ...

+ Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Người viết truyện ngắn "Giấc ngủ 10 năm", rất giàu tính chất lãng mạn, lạc quan cách mạng. Ngoài truyện ngắn, Người còn có nhiều tác phẩm ký được sáng tác với bút danh khác nhau như Nhật ký chìm tàu, Vừa đi đường vừa kể chuyện (1963) Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch.

- Về thơ ca: Bác Hồ đã sáng tác được nhiều tập thơ, bài thơ rất nổi tiếng và thơ ca đã trở thành lĩnh vực nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của Người. Với trên dưới 250 bài thơ có giá trị được tuyển chọn và in trong các tập Nhật ký trong tù (133 bài), Thơ Hồ Chí Minh (36 bài), Bác Hồ đã có những đóng góp rất quan trọng cho nền thơ ca Việt Nam hiện đại.

+ Nhật ký trong tù là tập thơ tiêu biểu nhất trong sự nghiệp thơ ca của Bác. Đó là bức chân dung tinh thần tự họa của một chiến sĩ cộng sản vĩ đại giữa chốn lao tù khắc nghiệt. Nhật ký trong tù còn là tác phẩm có giá trị nghệ thuật đặc sắc, độc đáo. Nhiều tứ thơ được thể hiện rất sáng tạo, nhiều hình ảnh gợi cảm, thể thơ tứ tuyệt được sử dụng thành thạo, tạo nên vẻ đẹp vừa hàm súc vừa linh hoạt tài hoa, vừa cổ điển vừa hiện đại rất hấp dẫn.

+ Ngoài tập thơ Nhật ký trong tù, Bác Hồ còn có nhiều bài thơ được viết với bút pháp giản dị như ca dao, hò vè nhằm để tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách, vận động nhân dân hăng hái tham gia cách mạng như Bài ca du kích, Ca sợi chỉ, Con cáo và tổ ong, Bài ca thợ thuyền, Bài ca dân cày, Bài ca phụ nữ, Bài ca thiếu niên.... Đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Bác Hồ cũng đã viết những bài thơ tức cảnh, trữ tình thể hiện tình cảm thiết tha, gắn bó với thiên nhiên, đất nước, nỗi niềm lo âu cho vận mệnh của non sông và niềm lạc quan chiến thắng (Pắc Bó hùng vĩ, Tức cảnh Pắc Bó, Cảnh khuya, Báo tiệp, Nguyên tiêu, Đi thuyền trên sông Đáy, Không đề...). Thơ của Bác thời kỳ này đã kết hợp được chất trữ tình cách mạng đằm thắm và cảm hứng anh hùng ca của thời đại.

Văn chương của Bác có phong cách đa dạng mà thống nhất

Văn chương của Bác có phong cách đa dạng mà thống nhất, kết hợp sâu sắc mà nhuần nhị mối quan hệ giữa chính trị và văn chương, giữa tư tưởng và nghệ thuật, giữa truyền thống và hiện đại.

+ Về truyện ký, ngòi bút của Bác rất chủ động và sáng tạo, khi thì bằng lối kể chân thực, tạo không khí gần gũi, có khi lại là giọng châm biếm sắc sảo, thâm thúy và tinh tế. Chất trí tuệ và tính hiện đại là những nét đặc sắc trong truyện ngắn của Nguyễn Ái Quốc.

+ Về văn chính luận, qua những bài viết của mình, Bác Hồ đã bộc lộ lối tư duy sắc sảo, giàu tri thức ỵăn hoá, gắn lý luận với thực tiễn, giàu tính luận chiến, vận dụng có hiệu quả nhiều phương thức biểu hiện.

+ Thơ ca của Bác có phong cách đa dạng: nhiều bài cổ thi hàm súc, thâm thúy, đạt chuẩn mực cao về nghệ thuật. Còn những bài thơ hiện đại được Người vận dụng qua nhiều thể loại phục vụ có hiệu quả cho nhiệm vụ cách mạng.

Kết luận:

Thơ văn của Bác là tiếng nói tâm hồn của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng.

Lược qua về di sản văn chương quý giá đó, để các thế hệ hôm nay và mai sau có thể tìm thấy những bài học và giá trị tinh thần cao quý mà có trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn một kho tàng văn chương quý giá đó.

Viết bình luận