Nêu tóm tắt tình huống “nhặt” vợ trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân, từ đó nhận xét về thái độ của nhà văn đối với con người và thực trạng xã hội đương thời được bộc lộ qua tình huống truyện độc đáo này

A. DÀN BÀI

1. Mở bài

Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân đã thể hiện thành công hình tượng những con người Việt Nam lương thiện, trong tai họa đói kém khủng khiếp do thực dân, phát xít gây ra, đã cưu mang đùm bọc nhau và hi vọng, trông chờ vào sức mạnh giải phóng dân tộc của cuộc cách mạng do giai cấp công - nông lãnh đạo.

Trong truyện ngắn này nhà văn đã xây dựng được một tình huống truyện rất độc đáo. Đó là tình huống “nhặt” vợ.

2. Thân bài

a. Tóm tắt tình huống “nhặt" vợ

Tràng là một chàng trai sống ở xóm ngụ cư nghèo, mà lại xấu xí, dở hơi, tưởng không thể nào lấy được vợ. Thế mà Tràng lại “nhặt” được vợ nhờ mấy câu bông đùa “tầm phơ tầm phào”, nhờ mấy bát bánh đúc ngoài chợ tỉnh.

Tình huống truyện diễn ra ở một khoảnh khắc đặc biệt: nạn đói khủng khiếp năm 1945 đang đe dọa cuộc sống từng con người trong mỗi gia đình, mỗi làng xóm.

Tình huống Tràng “nhặt” được vợ đã làm cho mọi người vô cùng ngạc nhiên:

+ Trẻ con xóm ngụ cư ngạc nhiên;

+ Người lớn cũng ngạc nhiên;

+ Mẹ của anh cũng ngạc nhiên;

+ Bản thân anh Tràng cũng không ngờ được, cứ “ngỡ ngàng như không phải”.

Thật đúng là một tình huống éo le, giàu kịch tính, rất độc đáo.

b. Nhận xét về thái độ của nhà văn

* Đối với con người

Nhà văn Kim Lân rất thông cảm với nỗi đau của người lao động. Ông thực sự xót xa ái ngại trước cảnh con người bị đói khổ, rẻ rúng và bị cái chết vây giăng, đồng thời hết lòng khẳng định, đề cao con người; thể hiện niềm tin mãnh liệt vào người lao động.

Như vậy, đối với con người, nhà văn Kim Lân có một cái nhìn nhân đạo sâu sắc. Ở đây, cái nhìn nhân đạo có sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng nhân đạo cổ truyền và tư tưởng nhân đạo hiện đại (tư tưởng nhân đạo cộng sản cao đẹp).

* Đối với xã hội đương thời

- Kim Lân phê phán, lên án, tố cáo mạnh mẽ xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời đã đưa nhân dân ta lâm vào cảnh mất nước, một cổ hai tròng, đói khổ cùng cực.

- Nhà văn chỉ đưa ra một tình huống: nạn đói đã hạ thấp giá trị con người, chỉ cần mấy bát bánh đúc mà người ta cũng có thể “nhặt” được vợ ngay giữa đường giữa chợ! Đây chính là cái nhìn hiện thực của Kim Lân, một nhà văn hiện thực từ những năm 40 của thê kỉ XX.

3. Kết bài

Qua tình huống “nhặt” vợ trong truyện Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã thể hiện cái nhìn chan chứa tinh thần nhân đạo và rất hiện thực của mình đối với con người và thực trạng xã hội đương thời.

Thực trạng xã hội đương thời

B. BÀI LÀM

Kim Lân là một nhà văn tài năng, quê ở Bắc Ninh - một quê hương có truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Ông có sở trường về truyện ngắn và thường tập trung vào khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. Ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và nỗi lòng của những người nông dân nghèo. Chính vì vậy mà truyện ngắn Vợ nhặt một tác phẩm xuất sắc của ông (rút từ tập Con chó xấu xí) đã thế hiện thành công hình tượng những con người Việt Nam lương thiện, trong tai họa đói kém khủng khiếp do thực dân, phát xít gây ra, đã cưu mang đùm bọc nhau và hi vọng, trông chờ vào sức mạnh giải phóng dân tộc của cuộc cách mạng do giai cấp công - nông lãnh đạo.

Đặc biệt trong truyện ngắn này, nhà văn đã xây dựng được một tình huống truyện rất độc đáo, đó là tình huống “nhặt” vợ. Tràng là một chàng trai sống ở xóm ngụ cư nghèo, mà lại xấu xí, dở hơi, tưởng không thế nào lấy được vợ. Thế mà Tràng lại “nhặt” được vợ nhờ mấy câu bông đùa “tầm phơ tầm phào”, nhờ mấy bát bánh đúc ngoài chợ tỉnh.

Tình huống truyện diễn ra ở một khoảnh khắc đặc biệt khi nạn đói khủng khiếp năm 1945 đang đe dọa cuộc sống từng con người trong mỗi gia đình, mỗi làng xóm: “Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Trong đêm tân hôn “mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt... Giữa sự im lặng của đôi vợ chồng mới, có tiếng ai hờ khóc ngoài xóm lọt vào tỉ tê lúc to lúc nhỏ”.

Bản thân Tràng làm lụng nuôi thân mình và mẹ già đã khó, nay lại “đèo bòng” thêm một người vợ “nhặt”. Tình huống Tràng “nhặt” được vợ đã làm cho mọi người vô cùng ngạc nhiên. Trẻ con trong xóm ngụ cư ngạc nhiên: “Anh Tràng ơi bế em mấy”...; “Anh Tràng ơi!... Chông vợ hài”; “Anh Tràng ơi đã uống rượu chưa?”. Người lớn cũng ngạc nhiên: “Ai đấy nhỉ?”; “Quái nhỉ?”; “Hay là vợ anh cu Tràng?”; “Ôi chao! Giời đât này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nhau sống qua được cái thì này không?”. Mẹ của anh cũng ngạc nhiên: “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u?... Ai thế nhỉ?”. Nhưng khi hiểu ra cơ sự, tâm trạng của bà mẹ nghèo nàn, lam lũ, cơ cực một đời, giàu đức hi sinh lại ngổn ngang những mâu thuẫn: vừa mừng vui, vừa tủi cực, vừa lo lắng, vừa ngao ngán:

“Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”. Còn bản thân anh Tràng cũng không ngờ được, cứ “ngỡ ngàng như không phải”.

Tóm tắt tình huống “nhặt” vợ trong truyện Vợ nhặt

Thật đúng là một tình huống éo le, giàu kịch tính, rất độc đáo.

Qua tình huống này nhà văn đã bày tỏ hai thái độ tích cực của mình.

Thứ nhất là thái độ của nhà văn đối với con người. Nhà văn Kim Lân rất thông cảm với nỗi đau của người lao động. Ông thực sự xót xa ái ngại trước cảnh con người bị đói khổ, rẻ rúng và bị cái chết vây giăng. Kim Lân hết lòng khẳng định, đề cao con người. Nhà văn đề cao tinh thần “vươn lên cái chết” quyết phải sống, hi vọng vào tương lai của các nhân vật trong bất kì nghịch cảnh nào. Nhà văn đề cao tình yêu tuổi trẻ, hạnh phúc lứa đôi, mái ấm gia đình của người lao động, trân trọng và yêu mến, ủng hộ hành động kết hôn liều lĩnh của họ. Nhà văn khẳng định tình yêu sẽ chiến thắng được cái chết, trong đói, sự sống mới sẽ nảy nở sinh sôi. Vả lại, Kim Lân có niềm tin mãnh liệt vào người lao động. Một mặt nhà văn tin vào bản chất Người của con người ở đây, tình mẹ con cao đẹp, tình cảm giữa những người cùng khổ ấm áp đã xua tan đi cái lạnh lẽo, cái lay lắt của đêm tối mông mênh. Mặt khác, nhà văn rất tin vào khả năng cách mạng của con người. Thiên truyện mở đầu tại thời điểm chiều muộn, nhìn không rõ mặt người, trong bối cảnh thê lương, nồng nặc mùi tử khí nhưng kết thúc lại mở ra một ngày sáng lớn, có ánh hồng của mặt trời, có sắc đỏ bừng bừng của lá cờ cách mạng: “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Đó là tiếng gọi thôi thúc của Việt Minh, của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc có sức thôi thúc, giục giã những người lao động đi tới cứu lấy non sông cũng là tự cứu lấy cuộc đời mình. Nói một cách khác, nhà văn đã phát hiện ra mối quan hệ giữa nhu cầu sống còn của mỗi cá nhân lao khổ với công cuộc cách mạng xã hội. Đây là một tư tưởng nhân đạo mới mẻ, có tính chiến đấu. Như vậy, đối với con người, nhà văn Kim Lân có một cái nhìn nhân đạo sâu sắc. Ớ đây, cái nhìn nhân đạo có sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng nhân đạo cổ truyền và tư tưởng nhân đạo hiện đại (tư tưởng nhân đạo cộng sản cao đẹp).

Thứ hai là thái độ của nhà văn đối với thực trạng xã hội đương thời. Kim Lân phê phán, lên án, tố cáo mạnh mẽ xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời đã đưa nhân dân ta lâm vào cảnh mất nước, một cổ hai tròng, đói khổ cùng cực. Đó là lúc Nhật - Pháp câu kết chặt chẽ với nhau để ra sức vơ vét, bóc lột nhân dân ta, dùng nhiều thủ đoạn, trong đó có thủ đoạn tàn ác là thu mua lúa gạo theo lối cưỡng bức với giá rẻ mạt tích trữ gây ra nạn khan hiếm thực phẩm nghiêm trọng trên thị trường, làm cho hơn hai triệu đồng bào miền Bắc nước ta bị chết đói trong mấy tháng đầu năm 1945. Vì vậy, trong bước đường cùng, thân phận những người khốn khổ rẻ mạt như rơm, như rạ, họ phải ăn cám để tồn tại. Ở đây, chỉ đưa ra một tình huống: nạn đói đã hạ thấp giá trị con người, chỉ cần mấy bát bánh đúc mà người ta cũng có thể “nhặt” được vợ ngay giữa đường giữa chợ! Đây chính là cái nhìn hiện thực của Kim Lân, một nhà văn hiện thực từ những năm 40 của thế kỉ XX.

Tóm lại, qua tình huống “nhặt” vợ trong truyện Vợ nhặt, nhà văn

Kim Lân đã thể hiện cái nhìn chan chứa tinh thần nhân đạo và rất hiện thực của mình đối với con người và thực trạng xã hội đương thời.

Viết bình luận