Phân tích bài thơ "Lửa đèn” của Phạm Tiến Duật
Phạm Tiến Duật xuất hiện trên thi đàn Việt Nam thời chống Mỹ, được bạn đọc đón chào hết sức nồng nhiệt. Những bài thơ của anh như: Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Lửa đèn, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Gửi em cô thanh niên xung phong... in đậm chất văn xuôi, rất hào hùng, trẻ trung, đáng yêu và đáng nhớ.
“Lửa đèn” được anh viết vào năm 1967, in trong tập thơ “Vầng trăng quầng lửa” (1970). “Lửa đèn” là ẩn dụ, biểu tượng nói lên sức sống mãnh liệt, tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân và dân ta trong bom đạn dữ dội, ác liêt của giặc Mỹ xâm lược.
Bài thơ có ba phần, mỗi phần là một ẩn dụ, mang nhiều ý nghĩa của bài ca sự sống, bài ca chiến đấu và bài ca hi vọng: Đèn - Tắt lửa – Thắp lên.
1. Đèn
Mở đầu mỗi bài ca là điệp khúc cất lên ngọt ngào như tiếng hát giao duyên của lứa đôi trong mùa lễ hội:
"Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả”.
“Những miền quê yên ả” ấy là quê hương đất nước ta, nơi có những vườn cây sum sê hoa trái. Nơi có nhiều quả chín “đỏ hoe” như “những ngọn đèn thắp trong kẽ lá”. Là trái nhót, là quả cà chua, là quả ớt... Nhà thơ đã vận dụng lối ví von so sánh dân gian để viết nên những vần thơ “ngon lành” về hoa trái trong vườn quê:
“Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè,
Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu
Thắp mùa đông ấm những đêm thâu,
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng…”
Chỉ có bờ xôi ruộng mật mới cho ta những hoa trái - ngọn đèn, ngọn lửa - ấy. Những “ngọn đèn, ngọn lửa” hoa trái ấy cho thấy sức sống dồi dào, mãnh liệt của quê hương đất nước ta:
“Mảnh đất ta dồi dào sức sống
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương
Một ý tưởng rất đẹp được biểu hiện bằng một hình ảnh rất đẹp. Chữ “thắp sáng” dùng rất sáng tạo thể hiện sâu sắc lòng yêu nước tự hào.
Lũ xâm lược đã tràn tới đất nước ta. Chúng như “lũ ma trơi” bay trên trời cao, gieo chết chóc: “Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa”. Phạm Tiến Duật đã gợi lại những tháng ngày dữ dội và khốc liệt khi giặc Mỹ đưa hàng trăm hàng ngàn Thần Sấm, B.52, Con Ma... đánh phá điên cuồng, dội hàng vạn tấn bom lên miền Bắc nước ta. Cầu cống, đường sá bị tàn phá nặng nề. Nhiều nhà máy, xóm làng, thành phố ngập trong máu lửa. Nhưng“Không có gì quý hơn độc lập tự do”, cả dân tộc ta nhất tề đứng dậy. Hàng triệu trai tráng đã lên đường ra trận. Hậu phương lớn ra sức chi viện cho tiền tuyến lớn, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược với sức mạnh truyền thống yêu nước bốn nghìn năm:
“Trên đất nước đêm đêm
Sáng những ngọn đèn
Mang lửa tự nghìn năm về trước”.
Giặc ác độc và tham tàn, muốn đưa đất nước ta, dân tộc ta trở lại thời kì đồ đá, phải quỵ gối sống nhục nhã trong đêm trường nô lệ. Nhưng trên nước ta đêm đêm vẫn “sáng những ngọn đèn” - ngọn đèn với ánh lửa bất diệt của tinh thần bất khuất, của truyền thống yêu nước chống xâm lăng. Ánh lửa của những ngọn đèn đó đã soi sáng dáng đứng Việt Nam:
“Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm".
“Việt Nam máu và hoa"- Tố Hữu
Phạm Tiến Duật đã xúc động nói về những “ngọn lửa " của quê hương đất nước ta. Hình ảnh ẩn dụ - hoán dụ “lửa tim” đã the hiện thật sâu sắc sức mạnh nhân nghĩa Việt Nam, được hun đúc bằng lửa và máu của bốn nghìn lớp người:
“Ôi ngọn lửa đèn
Có nửa cuộc đời ta trong ấy!
Giặc muốn cướp đi
Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy“.
Có thể nói, hình tượng “những ngọn đèn trong thắp trong kẽ lá ", những ngọn đèn “mang lửa tự nghìn năm về trước ", và “lửa tim" là những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của nhà thơ - chiến sĩ Phạm Tiến Duật.
2. Tắt lửa
“Anh cùng em sang bên kia cầu - Nơi có những miền quê yên ả” để đến những “nơi tắt lửa...”. Không phải “lũ ma trơi" và bom từ trường, bom tọa độ của giặc Mỹ đã gây ra cảnh tắt lửa, tối đèn. Ta phải lấy đêm làm ngày, ta chủ động tắt lửa để đánh địch, để “Bóng tối phủ dày - Che mắt địch”.
Chàng lính trẻ hào hoa phong tình nói về chuyện “làm duyên ” của trúc, của cô gái, của bông hoa trong bóng tối màn đêm. Tác giả đã vận dụng nghê thuật dân gian trong biện pháp nhân hóa và điệp ngữ khá hay và hóm hỉnh:
“Không nhìn thấy gì đâu
Bóng tối che rồi
Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi
Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói
Bông hoa duyên phải lụy hương bay…”
Thời chống Mỹ, quân và dân ta chủ động “tắt lửa” để đánh giặc, để “che mắt địch", để kéo pháo lên trận địa dội bão lửa xuống đầu quân xâm lược:
“Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích
Kéo pháo lên trận địa đồng cao ”.
“Tắt lửa" để hành quân ra tiền tuyến:
"Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ô tô
Những đoàn xe xích đi như không bao giờ hết
Chiếc sau nối chiếc trước ì ầm”
“Tắt lửa” để đoàn thanh niên xung phong ngân dài “tiếng hát” để "phá đá sửa đường”, để “những đoàn quân xung kích đi qua”, ào ào ra trận.
Theo ý chúng tôi, hình ảnh hoán dụ "bào thai” trong câu thơ "Bóng tối dâng đầy tỏa ngợp bao la - Thành những màn đen che bào thai chiến dịch” chưa hợp lí. Những so sánh: "Chiếc sau nối chiếc trước ì ầm – Như đàn con trẻ chơi u chơi âm”, "Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát ”, đặc biệt hoán dụ “Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương” bên những hố bom đầy mùi khét là những hình ảnh, những câu thơ tuyệt đẹp thể hiện tâm hồn và cốt cách Việt Nam: lạc quan và yêu đời.
3. Thắp đèn
Trong chiến đấu, có lúc có nơi, ta "tắt lửa" nhưng cũng có khi ta "thắp đèn”. Dù "giặc điên cuồng bắn phá” suốt đêm ngày, trẻ em vẫn thắp đèn đi học, để “xưởng máy thay cavời vợi”, để các trai làng "đọc những lá thư thăm”. Điệp ngữ “chui vào” thật hóm hỉnh khi nhân hóa chiếc đèn:
-Chiếc đèn chui vào ống nước
- Chiếc đèn chui vào lòng trái núi
- Chiếc đèn chui vào chiếu vào chăn
Có lúc, ta mưu trí "thắp đèn” để đánh lừa giặc:
"Ta thắp đèn lên trên đỉnh núi
Gọi quân thù đem bom đến dội
Cho đá lở đá lăn
Lấy đá kê cầu, lấy đá sửa đường tàu”
Có lúc, ta mưu trí "bật đèn”rồi "tắt đèn” quay xe để “đánh lạc hướng giặc!”. Đúng là kì mưu, là thiên biến vạn hóa. Là người lính đã chiến đấu trên con đường chiến lược Trường Sơn thời đánh Mỹ, nên Phạm Tiến Duật mới có thể nói thật hay, thật sâu sắc mọi chuyện "tắt đèn ”và "thắp đèn” giữa thời máu lửa của quân và dân ta như thế.
Mười câu trong đoạn cuối bài thơ, tác giả nói về “ngày mai”, một tương lai “hoàn toàn chiến thắng”. Cả đất nước và dân tộc sẽ được sống yên vui trong hòa bình, ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Ta sẽ được sống trong niềm vui hạnh phúc:
"Anh dắt tay em, trời chi chít sao giăng
Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm
Ta thắp đèn lồng, thắp cả đèn sao năm cánh
Ta dẫn nhau đến ngôi nhà đèn hoa lấp lánh
Nơi ấy là phòng cưới chúng mình
Ta sẽ làm cây đèn kéo quân thật đẹp”…
Các điệp ngữ: “ngày mai ”, “ta thắp đèn lồng”, “ta dẫn nhau... ” rộn ràng vang lên, nhịp thơ, giọng thơ trở nên ấm áp, vui tươi, ngọt ngào. “Thắp đèn”là khúc tráng ca rất lạc quan, yêu đời.
“Lửa đèn” là một bài thơ hay. Cảm hứng anh hùng và cảm hứng trữ tình lãng mạn được kết hợp một cách hài hòa, đầy chất thơ. Tác giả đã vận dụng nghệ thuật dân gian rất sáng tạo thể hiện một bút pháp tài hoa.
“Lửa đèn ” bài thơ sáng ngời trí tuệ, nhân nghĩa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Viết bình luận