Phân tích bài thơ “Trở về quê nội” của Lê Anh Xuân

Lê Anh Xuân (1940-1968) là nhà thơ miền Nam thuộc thế hệ thi sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Anh đã ngã xuống trên chiến trường Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. “Tiếng gà gáy”, “Hoa dừa”, “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi” là ba tập thơ của Lê Anh Xuân gửi lại cho đất nước quê hương.

Năm 1954, Lê Anh Xuân tập kết ra miền Bắc. Cuối năm 1964, anh trở lại miền Nam, trở lại Bến Tre quê nội, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Xa cách quê nội, đã “Mười một năm rồi ta nhớ, ta thương”.. Với 58 câu tự do, tác giả nói lên niém xúc động và tự hào vẻ quê nội Bên Tre thân yêu của mình.

1. Mở đầu là tiếng gọi quê hương cất lên thiết tha; giọng thơ tâm tình đằm thắm, lay động:

“Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa

Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại“.

Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa

Gặp lại quê hương, nhìn bóng dừa xanh biếc thân thuộc, đứa con bồi hồi xúc động. “Có ngờ đâu”... vì niềm xúc động gặp lại quê cha đất mẹ thật quá lớn, như trong mơ. Nhà thơ tự hào vì trong bom đạn của giặc Mỹ, tuy có nhiều mất mát đau thương, nhưng quê hương “vẫn còn ”, vẫn hiên ngang trong “dáng đứng Bến Tre” anh hùng:

“Quê hương ta tất cả vẫm còn đây

Dù người thân đã ngã xuống đất này”

Cảm xúc chất chứa trong lòng bấy nay như tràn ra câu chữ, vần thơ. Sau bao năm dài xa cách, nay gặp lại quê hương, đứa con vô cùng xúc động: “ta gặp lại”, “ta yêu biết mấy”,“ta nhìn”, “ta ngắm ”, “ta say”, “ta run run lắm... ”, “ta thương nhớ dồn trong tay ta nóng bỏng”. Chữ “ta” được điệp lại nhiều lần, liên kết với hàng loạt động từ - vị ngữ (gặp lại, yêu, nhìn, ngắm, say... )đã cực tả niềm xúc động lớn lao, mãnh liệt dâng lên trong lòng của đứa con đi xa, nay được trở về gặp lại quê hương. Thương nhớ, xúc động, tự hào dâng lên dào dạt tưởng như tát mãi không bao giờ vơi:

“Ta gặp lại những mặt người ta yêu biết mấy

Ta nhìn, ta ngắm, ta say

Ta run run nắm những bàn tay

Thương nhớ dồn trong tay ta nóng bỏng”

Mười câu mơ tiếp theo diễn tả thật hay niềm vui gặp gỡ quê hương sau những năm dài xa cách. Gặp lại con đường xưa, con đường tuổi thơ; "thương nhớ lắm” khi nghe tiếng võng đưa "kẽo kẹt ”, khi nghe tiếng mẹ “ầu ơ…” ru con. Ngắm nhìn hoa cỏ quê nhà, bông trang trắng, bông trang hồng, hoa lục bình tím biếc mà tự hào về tấm lòng trong trắng thuỷ chung của người con gái Bến Tre, mà bồi hồi nhớ về hoài niệm tuổi thơ. Đây là những so sánh liên tưởng hay nhất, xúc động nhất trong thơ Lê Anh Xuân khi nói về tình yêu và niềm tự hào đối với cảnh sắc thiên nhiên và con người quê hương. Chữ “ơi ”cất lên như một tiếng tâm tình với bao trìu mến:

“Ơi! những bông trang trắng, những bông trang hồng Như tấm lòng em trong trắng thủy chung

Như trái tim em đẹp màu đỏ thắm

Con sông nhỏ tuổi thơ ta tắm

Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng

Hoa lục bình tím cả bờ sông”.

Hình tượng thơ, ngôn ngữ thơ đầy màu sắc đẹp: “bông trang trắng”, “bông trang hồng”, “tấm lòng em trong trắng”, “trái tim em… đỏ thắm”, “hoa lục bình tím…”, cùng với hình ảnh con sông tuổi thơ “Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng” mang hàm nghĩa nói lên vẻ đẹp và sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của quê hương. Câu “Hoa lục bình tím cả bờ sông” là một câu thơ hay, nhiều thi vị. Chữ “tím” là tính từ, trong văn cảnh được chuyển đổi từ loại thành động từ - vị ngữ diễn tả tình cảm thủy chung dào dạt đối với quê nội.

2. Phần thứ hai bài “Trở về quê nội” nói thật xúc động về con người quê hương. Bà mẹ và người em gái là hai nét vẽ đẹp nhất về quê nội thân yêu. Sự kết hợp yếu tố tự sự và trữ tình, kết hợp giữa bút pháp hiện thực với bút pháp lãng mạn đã tạo nên những vần thơ đằm thắm nhất thể hiện một cách sinh động cho sức sống và vẻ đẹp quê hương.

Giọng thơ bùi ngùi qua lời mẹ kể về những đau thương mất mát của quê nhà:  “Tám em bé chết vì bom xăng đặc – Trên đường đi học trở về - Giặc giết chết mười người trong một ấp...”. Trong bom đạn giặc Mỹ, quê nội nhà thơ tang tóc, điêu tàn. Với Vũ Cao: “Bỗng cuối mùa chiêm, quân giặc tới - Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau ” (Núi đôi). Với Hoàng Cầm: “Quê hương ta từ ngày khủng khiếp – Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn - Ruộng ta khô - Nhà ta cháy...” (Bên kia sông Đuống). Với Tố Hữu: “Làng ta giặc đốt mấy lần qua... ”(Quê mẹ),v.v... Và Bến Tre, quê nội Lê Anh Xuân:

“Làng ta mấy lần bom gội nát

Dừa ngã ngổn ngang, xơ xác bờ tre”,

Cây dừa, cây tre mang nỗi đau, nỗi câm giận cùng quê hương, khi quê hội “đường trắng khăn tang” trong những năm dài đánh Mỹ xâm lược!

Hình ảnh bà mẹ là biểu tượng cho chí khí bất khuất hiên ngang, cho tinh thần kiên cường cách mạng. Mẹ đào hầm bí mật, nuôi giấu chở che cán bộ “nằm vùng”. Nhà thơ xúc động tự hào:

"Ta có ngờ đâu mái lều của mẹ,

Dưới lớp đất kia ngọn lửa vẫn còn

Mẹ ta tần tảo sớm hôm

Nuôi các anh dưới hầm bí mật”.

Hình tượng "ngọn lửa" là một sáng tạo thi ca giàu cảm xúc thẩm mĩ. Đó là ngọn lửa thiêng của lòng yêu nước, là ngọn lửa tình thương của lòng mẹ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Bà mẹ Bến Tre, bà mẹ quê nội là bà mẹ Việt Nam anh hùng đã "hi sinh gan gốc ”, đã 20 năm trời “giữ đất giữ làng”. Đây là những câu thơ hay dựng lên tượng đài bà mẹ miền Nam anh hùng với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ, kính phục và biết ơn vô hạn:

"Cả đời mẹ hi sinh gan góc

Hai mươi năm giữ đất, giữ làng

Ôi mẹ là bà mẹ miền Nam”.

Tiếp theo hình ảnh bà mẹ là hình ảnh em gái quê hương. Những nét vẽ đẹp mang màu sắc lãng mạn đầy chất thơ làm hiện lên một “dáng đứng Bến Tre” xinh đẹp, duyên dáng, trong sáng, hồn nhiên, anh hùng. Với khẩu súng trên vai “Em đẹp lắm như mùa xuân bừng dậy", Mái tóc em mang hương vị hoa trái miệt vườn. Giọng cười của em trong trẻo ngọt ngào. Hương sầu riêng, nước dừa xiêm là tâm hồn trinh nữ. So sánh nào cũng độc đáo, thi vị:

Cô gái Bến Tre

"Em ơi! Sao tóc em thơm vậy

Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng

Ta yêu giọng em cười trong trẻo

Ngọt ngào như nước dừa xiêm

Yêu dáng em đi qua cầu tre lắt lẻo

Dịu dàng như những nàng tiên”.

Nàng tiên mà biết cầm súng đánh giặc, dáng điệu lại “dịu dàng” đáng yêu. Rõ ràng đó là những nét vẽ lãng mạn. Hồn thơ Lê Anh Xuân là hồn thơ chiến sĩ nên mới viết rất hay bằng cảm hứng làng mạn về cô gái Bến Tre biểu tượng cho vẻ đẹp và sức sống quê hương:

"Em là du kích, em là giao liên

Em chính là quê hương ta đó

Mười một năm rồi ta nhớ ta thương ",

Cô gái quê hương được Hoàng Cầm nói đến trong bài thơ "Bên kia sông Đuống” là cô gái Kinh Bắc có "khuôn mặt búp sen ”, có nụ cười rạng rỡ “như mùa thu toả nắng”. Còn cô gái Bến Tre trong thơ Lê Anh Xuân là cô gái miệt vườn dũng cảm cầm súng đánh giặc, mà "Dịu dàng như những nàng tiên". Một nét rất mới trong thơ Lê Anh Xuân là hình ảnh em gái quê hương, cô du lích, cô giao liên thời đánh Mỹ. Thơ ca kháng chiến chống Pháp chưa có hình tượng về người con gái Việt Nam mang tầm vóc và vẻ đẹp như thế!

3. Mười bốn câu trong đoạn ba, nhà thơ nói lên những cảm xúc, ý nghĩ trực tiếp của mình đối với quê hương. Lòng vui sướng biết bao, hạnh phúc biết bao! Đứa con bồi hồi xúc động: “sao thấy lòng ấm lạ” được trở về, “Đêm đầu tiên ta ngủ giữa quê hương”. Đó là niềm hạnh phúc tái ngộ của đứa con li hương đã “Mười một năm rồi..." xa cách. Vả lại, “Hạnh phúc nào không hạnh phúc đầu tiên” như Chế Lan Viên đã nói.

Hàng loạt hình ảnh vừa hiện thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng nối tiếp xuất hiện: “trời tầm tã mưa tuôn”, “tiếng đại bác gầm rung”, những “hố bom” trên đường, “áo em vẫn còn mảnh vá”, tất cả đều cho thấy quê hương Bến Tre, miền Nam thân yêu đang đứng trước những thử thách nặng nề, cuộc chiến đấu đang diễn ra vô cùng ác liệt. Điệp từ “dù”, cấu trúc câu thơ “dù...vẫn ” để khẳng định một niềm tin, niềm tự hào:

“Ôi quê hương ta đẹp quá!”

“Đẹp quá” vì màu xanh biếc bóng dừa, vì màu trắng màu hồng của bông trang, đẹp vì lòng mẹ, vì tình em, “đẹp quá ” vì “dáng đứng Bến Tre” của quê nội:

“Dù ngoài trời tầm tã mưa tuôn

Tiếng đại bác gầm rung vách lá

Ôi quê hương ta đẹp quá

Dù trên đường còn những hố bom

Dù áo em vẫn còn mảnh vá”

Câu cảm thán rung ngân cảm xúc dâng trào. Điệp từ làm cho giọng thơ vang lên hào hùng, đĩnh đạc.

Trở về quê nội là để dấn thân vào cuộc chiến đấu sinh tử với quân thù, để giải phóng miền Nam. Hành trang chỉ có “trái tim chung thủy, sắc son”, chỉ có “khẩu súng... cháy bỏng căm hờn”. Tiếng thơ hùng tráng vang lên như một lời thề chiến đấu cao cả và thiêng liêng:

“Ta về đây, chẳng mang gì cho em cả

Chỉ có trái tim chung thủy, sắt son

Và khẩu súng trong tay cháy bỏng căm hờn”.

Lê Anh Xuân đã trở về quê nội với trái tim và tấm lòng “chung thủy sắt son” của đứa con đối với quê hương; với tư thế chiến đấu “cháy bỏng căm hờn” của người chiến sĩ. Và anh đã ngã xuống trên chiến trường trong tư thế người anh hùng.

“Trở về quê nội” là một trong những bài thơ hay và xúc động viết về cảm hứng quê hương thời đánh Mỹ. Hàng loạt câu thơ cảm thán nối tiếp xuất hiện (”Ôi quê hương”...,“Ôi những bông trang trắng,..”,”Ôi bà mẹ là bà mẹ miền Nam”…,”Em ơi!”…,“Ôi quê hương ta đẹp quá!”) diễn tả một cái nhìn vô cùng say mê và xúc động của nhà thơ đối với quê hương. Từ cảnh vật đến con người, từ hoài niệm đến hiện tại đau thương, hình bóng quê hương đồng hiện trong không gian - thời gian - trong tâm tưởng nhà thơ. Tình yêu quê hương sâu nặng, cảm xúc thiết tha say mê, ngôn ngữ hình tượng giàu chất lãng mạn đã tạo nên cốt cách thi sĩ - chiến sĩ của Lê Anh Xuân. “Trở về quê nội” là bài thơ viết về tình yêu quê hương đất nước xuất hiện trong thời kháng chiến chống Mỹ đã cho ta nhiều bồi hồi xúc động.

Viết bình luận