Phân tích hình tượng người ở ẩn trong bài thơ Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Thời phong kiến, khi Công danh đã được hợp về nhàn (Thuật hứng, bài số 24 - Nguyễn Trãi), hoặc khi bất mãn với chốn quan trường đầy bon chen, danh lợi, nhiều vị quan đã lui về chôn quê, mai danh ẩn tích. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một trong số đó và người ở ẩn trong bài thơ Nhàn là sự phản chiếu hình ảnh của chính ông.

Ao cạn vớt bèo cấy muống

Xưa nay, thiên nhiên là người bạn muôn đời của con người. Đặc biệt, với những cư sĩ, thiên nhiên càng gắn bó, thân thiết hơn hết. Nhân vật trữ tình trong bài thơ Nhàn cũng là một con người yêu thiên nhiên sâu sắc. Tấm lòng đó được thể hiện ở ngay những câu thơ đầu tiên:

Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Chẳng có hình ảnh thiên nhiên nào trong câu thơ trên nhưng người đọc vẫn cảm nhận rất rõ sự gắn bó, hoà hợp với thiên nhiên của ẩn sĩ. Mai, cuốc, câu kia để làm gì nếu không phải để con người ấy vui vầy với công việc nhà nông: cuốc xới đất, câu. cá? Và những công việc ấy lẽ nào không khiến con người gắn mình với thiên nhiên? Cách đếm một... một... một thể hiện tinh thần sẵn sàng nhập cuộc của ẩn sĩ. Ý thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có sự tương đồng với ý thơ Nguyễn Trãi:

Ao cạn vớt bèo cấy muống,

Đìa thanh phát cỏ ương sen.

Những hình ảnh này khiến ta khó có thể nghĩ rằng trước đây họ từng là những vị quan đầu triều, chỉ quen với việc triều chính đại sự. Công việc chốn quê mùa khiến họ trở thành những “lão nông tri điền” và chắc chắn điều đó càng tôn thêm vẻ đẹp trong nhân cách Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tinh thần gắn bó, hoà hợp với thiên nhiên đó đạt đến độ giữa thiên nhiên và con người không còn khoảng cách:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Hai câu thơ là bức tranh tứ quí, có cảnh, người, mùi vị, hương sắc. Mùa nào con người cũng thảnh thơi vui thú với thiên nhiên, cũng được tận hưởng niềm vui mà thiên nhiên mang lại. Bậc đại ẩn trở về với cuộc sống chất phác, nguyên sơ của cái thời “tạc tỉnh canh điền” hết sức giản dị. Ông ăn những thức ăn quê mùa, dân dã và cũng tắm ao như bao người dân quê khác. Đạm bạc nhưng không khắc khổ. Vì đạm đi với thanh: xuân tắm hồ sen hạ tắm ao. Thiên nhiên đã sẵn nước xanh trong và hương thơm thanh quí để dâng tặng con người. Lời thơ giản dị nhưng lại biểu hiện sự cảm nhận tinh tế về thiên nhiên của tác giả.

Thiên nhiên chốn quê mùa không khiến con người phải mệt mỏi, lo toan nên lúc nào con người cũng được sống trong thư thái. Điều đó khiến tâm hồn con người giản dị, chất phác. Và hơn đâu hết, chính chốn này, nhân cách cao đẹp của con người được lộ hiện:

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao...

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

Ân sĩ tìm về với thiên nhiên, sống hoà thuận theo thiên nhiên để được thoát ra ngoài vòng ganh đua của thói tục, để không bị lôi cuốn bởi tiền tài, địa vị, để tâm hồn an nhiên khoáng đạt. Nơi vắng vẻ là nơi không người cầu cạnh, là nơi tĩnh tại của thiên nhiên, nơi thảnh thơi của tâm hồn. Chốn lao xao là chốn cửa quyền, ngựa xe tấp nập. Nơi đó cũng chính là nơi đầy rẫy những thủ đoạn bon chen, luồn lọt, sát phạt nhau. Tự ý thức là mình dại, nhưng ẩn sĩ không có ý định khắc phục cái dại đó mà lại chủ động tìm đến nơi vắng vẻ. Nơi đây, ẩn sĩ không được ai cầu cạnh, cũng chẳng cầu cạnh ai. Nơi đầy, ẩn sĩ không được sống trong nhung lụa, vàng son... Nhưng đổi lại tất cả những thứ đó, ẩn sĩ nhận được sự thư thái của tâm hồn. Đó mới là thứ quí giá nhất, không dễ dàng có được, tìm được. Cách nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm rõ ràng là cách nói ngược nghĩa, đùa vui. Nó còn cho ta thấy sự tỉnh táo, hay. cao hơn là trí tuệ của bậc đại ẩn. Ai dại, ai khôn chắc chắn người đọc có thể trả lờí được.

Nhãn quan thời cuộc của ẩn sĩ thật tỉnh táo. Và chính sự tỉnh táo ấy là nguồn gốc, căn nguyên dẫn đến thái độ coi thường danh lợi, phú quý:

Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Đứng cao hơn phú quý là tư thế mà con người đã lựa chọn. Sự lựa chọn này không phải dễ dàng. ít ai trong vòng trần này lại thờ ơ với lợi danh, phú quý. Phải mang trong mình nhân cách rất mực thanh cao, bản lĩnh thực sự cứng cỏi, con người đó mới có thể hành động như thế. Ngay cả với Cao Bá Quát, khi đã nhận thức được sức cám dỗ khủng khiếp của danh lợi và chán ghét nó cực độ, khi đã nhận thức rất rõ sự lạc lõng, cô độc của mình trên con đường (kiếm tìm công danh) mờ mịt, ông vẫn băn khoăn nên đi tiếp theo phường danh lợi hay quay về ở ẩn giữ riêng mình trong sạch giữa cuộc đời ô trọc? Câu hỏi cuối bài Sa hành đoản ca thể hiện rõ điều đó:

Quân hồ vi hồ sa thượng lập?

Tất nhiên, Cao Bá Quát có lí do của riêng ông khi vẫn còn băn khoăn như thế. Nói như vậy để một lần nữa chúng ta thấy rằng vòng danh lợi, phú quý là một thứ bả có sức cám dỗ mãnh liệt đối với những kẻ tầm thường. Nhưng đối với những nhân cách thanh cao, nó lại chỉ là thứ phù du, không đáng bận tâm.

Nhàn là một lời tâm sự thâm trầm, sâu sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm về quan niệm sống của nhà thơ và người ở ẩn chính là người thực hiện quan niệm đó một cách triệt để. Có thể nói người ở ẩn là hình tượng nhân vật lí tưởng tuyệt đẹp, là hiện thân của con người, nhân cách Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Viết bình luận