Phân tích tình huống truyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Nguyễn Minh Châu quê ở Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Trước năm 1975, với những tác phẩm như Cửa sông (1967), Dấu chân người lính (1975),... ông đã đem đến cho bạn đọc một bức tranh rộng lớn về chiến tranh. Ông như hòa được không khí chung của đất nước những năm tháng sôi động, ngòi bút của nhà văn trở nên linh hoạt, gợi được không khí của dân tộc trong những giai đoạn lịch sử vẻ vang của dân tộc. Thời kì sau năm 1975, sáng tác của ông phong phú và đa dạng về thể loại lẫn số lượng và chất lượng, ông được coi là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Đặc biệt, Nguyễn Minh Châu từ đề tài chiến tranh đã dần chuyển sang tính chất triết luận và rất quan tâm tiếp cận đời sống ở góc độ thế sự. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được viết tháng 3 - 1983, in trong tập truyện cùng tên xuất bản năm 1983. Tác phẩm in đậm phong cách của Nguyễn Minh Cháu: tự sự - triết lí nhân sinh. Trong tác phẩm này, nhà văn đã xây dựng một tình huống truyện mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống.

Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

Để có tấm lịch nghệ thuật về thuyền và biển theo yêu cầu của trưởng phòng, Phùng đã tới một vùng biển từng là chiến trường cũ mà anh từng tham gia chiến đấu. Anh đã dự tính bố cục, phục kích mấy buổi sáng. Cuối cùng thì giây phút ấy đã tới, đôi mắt nhà nghề của người nghệ sĩ đã phát hiện ra một vẻ đẹp trời cho trên .mặt biển sớm mờ sương, một cảnh đẹp mà cả đời bấm máy có lẽ anh chỉ bắt gặp được một lần. Nó đẹp như một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ và từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thật đơn giản và toàn bích. Cảnh đẹp đó đã khiến trái tim anh bối rối, rung động, hạnh phúc tràn ngập tột đỉnh, vẻ đẹp của hóa công đã giúp anh khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện và bản thân cái đẹp chính là đạo đức. Cái đẹp toàn thiện, toàn mĩ đó có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người, khiến anh cảm thấy mình như được gột rửa, trở nên trong trẻo, tinh khôi hơn. Trong lúc tâm hồn anh đang bay bổng với những cảm xúc thẩm mĩ tột đỉnh thì cũng là lúc anh chứng kiến từ chiếc thuyền đẹp như mơ ấy lại bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi và người đàn ông to lớn, dữ dằn cùng cảnh tượng lão đang đánh đập vợ một cách thô bạo, tàn nhẫn kèm theo những lời chửi rủa phũ phàng. Đứa con trai vì muốn bênh vực mẹ nên đã giằng chiếc thắt lưng từ tay cha rồi cuối cùng nhận lấy hai cái tát của cha,... Chứng kiến cảnh đó Phùng đã hết sức kinh ngạc, ngỡ ngàng đến hụt hẫng. Anh như không tin vào mắt mình, dường như tạo hóa đã tạo ra một trò đùa quái ác. Ba ngày sau, anh lại tiếp tục chứng kiến cảnh tương tự và lần này người chị gái đã tước đoạt con dao găm từ tay thằng Phác, không để nó làm việc dại dột. Nếu lúc trước Phùng còn cảm thấy bản thân cái đẹp là đạo đức thì bây giờ chẳng còn gì là đạo đức, là toàn thiện toàn mĩ. Qua đây, Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm một triết lí: cuộc đời không đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng nhiều nghịch lí. Cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập, chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa còn chiếc thuyền cuộc đời lại ở rất gần. Người nghệ sĩ đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời, trước khi biết rung động trước cái đẹp nghệ thuật thì hãy biết rung động trước nỗi đau của con người vì nghệ thuật chân chính là nghệ thuật phục vụ con người, phục vụ cuộc đời.

Tình huống truyện được tạo nên bởi nghịch cảnh giữa vẻ đẹp chiếc thuyền ngoài xa với cái thật gần là sự ngang trái trong gia đình thuyền chài. Gánh nặng mưu sinh đè trĩu trên vai cặp vợ chồng: mỗi khi ông trời làm biển động suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối và đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật,... Có lẽ, đây là nguyên nhân đã biến người chồng thành một kẻ vũ phu, độc ác. Mỗi khi lão thấy khổ quá là xách tôi ra đánh, ông ta muốn tìm nơi giải tỏa và trút bỏ sự bế tắc thì không đâu khác đó chính là người vợ: lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà. Trong đời vẫn có những kẻ như thế, nói như Nam Cao là chỉ để thỏa mãn lòng ích kỉ, chúng tự cho mình cái quyền được hành hạ mọi người. Lão đàn ông với mái tóc tổ quạ, chân chữ bát, hai con mắt đầy vẻ độc dữ vừa là nạn nhân của cuộc sống khốn khổ vừa là thủ phạm gây nên bao đau khổ cho chính những người thân của mình. Còn người vợ vì thương con nên nhẫn nhục chịu đựng sự ngược đãi của chồng: không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách chạy trốn bởi vì bà coi đó là lẽ đương nhiên trong cuộc sống mưu sinh. Trên chiếc thuyền kiếm sống ngoài biển xa cần phải có một người đàn ông khỏe mạnh, biết nghề và những đứa con cần được sống, được lớn lên. Nguồn gốc của sự chịu đựng, hi sinh của bà là tình thương vô bờ với những đứa con: đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi [...] phải sống cho con chứ không thể cho mình. Mặc dù, bà đã hết. sức che chắn nhưng những đứa con vẫn biết được sự thực đau lòng ấy. Lúc đó, bà cảm thấy nhục nhã và xấu hổ vô cùng: ôm chầm lấy thằng Phác rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy. Hành động này là hành động của một người mẹ vô cùng đau đớn, xót xa. Bà đã không sao tránh được cho con khỏi bị tổn thương do bạo lực gia đình. Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh. Thằng Phác thương mẹ theo kiểu của một đứa bé chưa đủ khôn lớn. Khi bị bố* tát ngã dúi xuống cát khi đã giằng được chiếc thắt lưng từ tay cha, nó lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt của mẹ nó. Thằng bé đã bảo vệ mẹ theo cách riêng của mình, điều đó đã làm cho người đọc cảm động trước tình thương mẹ dạt dào.

Một bức tranh rộng lớn về chiến tranh

Tình huống truyện tiếp tục được đẩy lên cao trào và ngày càng xoáy sâu hơn nữa khi người đàn bà được Đẩu mời lên tòa án huyện. Là người thực thi pháp luật, Đẩu cũng cố gắng giúp con người vượt ra khỏi sự đau khổ: sau nhiều lần răn đe và giáo dục nhưng không thành công thì Đẩu đã khuyên người đàn bà li hôn và anh tin đó là một giải pháp đúng đắn, hợp lí vì cả nước không có một người chồng nào như hắn. Nhưng dù có nói gì đi chăng nữa thì người đàn bà vẫn kiên quyết không chịu bỏ người chồng vũ phu vì các chú đâu phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc và chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông,... Hóa ra, với những người đàn bà vùng biển, người đàn ông là chỗ dựa duy nhất, quan trọng nhất của họ để chèo chống khi phong ba, dù đó* là người đàn ông độc ác, tàn bạo. Sau khi nghe lời giãi bày của người đàn bà lam lũ, chất phác ấy thì trong đầu anh như vừa có một cái gì đó vỡ ra. Có lẽ, Đẩu cũng ngộ ra rằng trong cuộc chiến chống đói nghèo, đau khổ thì cần phải có những biện pháp tích cực chứ không phải là những thiện chí xa rời thực tế. Đôi khi cuộc chiến đó còn gian nan hơn cả cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.

Đây là một tình huống độc đáo, mang ý nghĩa khám phá và phát hiện về sự thật đời sống. Ở tình huống truyện này, cái nhìn và cảm nhận của nghệ sĩ Phùng, chánh án Đẩu là sự khám phá, phát hiện sâu sắc về đời sống và con người. Sau mấy ngày phục kích vất vả, Phùng đã chụp được một bức ảnh trời cho, nó đẹp với một vẻ đẹp đơn giản và toàn bích. Anh tưởng như khám phá được chân lí của sự toàn thiện và anh cảm thấy thăng hoa nhưng rồi chính anh cũng bất ngờ nhận ra sự trật khớp giữa cái đẹp của ngoại cảnh với số phận cực nhọc, tăm tối của con người sống ngay giữa vẻ đẹp đó. Khi được mời lên tòa án huyện, sau khi được nghe những lời giãi bày của người đàn bà thì Đẩu đã vỡ lẽ ra một nghịch lí của cuộc sống: chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông. Đẩu hiểu ra được nguyên nhân người đàn bà không thể bỏ chồng là vì những đứa con. Hai người đã ngộ ra những nghịch lí của cuộc đời, những điều tưởng là vô lí nhưng lại rất có lí. Không thể nhìn sự vật, hiện tượng một cách đơn giản, xuôi chiều mà phải nhìn từ nhiều chiều hướng, phát hiện ra bản chất thật sự đằng sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng. Và muốn giúp họ thoát khỏi cảnh sống khổ đau, tăm tối thì cần phải có những biện pháp thiết thực chứ không chỉ có lòng tốt và lí thuyết sách vở. Có thể nói, truyện được xây dựng trong một tình huống khá đặc biệt, trong sự vỡ lẽ của người phóng viên là vị thẩm phán. Phùng như thấy chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa còn sự thật cuộc đời lại ở rất gần. Câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện giúp anh hiểu rõ hơn cái có lí tưởng chừng như nghịch lí ở gia đình thuyền chài. Anh thấy rõ những cái ngang trái trong gia đình thuyền chài ấy, hiểu sâu thêm tính cách của Đẩu và hiểu thêm chính mình.

Nguyễn Minh Châu đã xây dựng một tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn, mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về sự thật đời sống, một tình huống nhận thức. Tình huống truyện này đã nhấn mạnh thêm mối quan hệ gắn bó giữa nghệ thuật và cuộc đời, khẳng định cái nhìn đa diện, nhiều chiều về đời sống, gợi mở những vấn đề mới cho sáng tạo nghệ thuật. Dường như nhà văn muốn kéo hiện thực cuộc sống từ xa lại thật gần để nhìn nhận, đánh giá một cách rõ nét hơn, từ đó mà khám phá ra những bất ngờ thú vị - đó là những hạt ngọc ẩn khuất sau vẻ đẹp lam lũ, khổ đau, khó nhọc của con người.

Viết bình luận