Sách Lịch sử văn học Việt Nam tập 3, viết về “Truyện Kiều” như sau: “Nguyễn Du đã vạch ra cho mọi người thấy những thủ phạm hung ác của cuộc đời nhưng liền sau đó, ông lại lấy số kiếp, nghiệp chướng để che lấp tội ác của chúng”. Hãy giải thích ý kiến trên

Dàn ý

I. MỞ BÀI

- Với tinh thần nhân đạo cao quý, Nguyễn Du đã miêu tả thực trạng xã hội phong kiến thối nát trong Truyện Kiều, tố cáo mạnh mẽ bọn thống trị đương thời và tỏ lòng thương yêu sâu sắc con người bị chà đạp. Nhưng do hạn chế về tư tưởng của thời đại. Nguyễn Du đã không đề ra được hướng giải quyết những mâu thuẫn, bế tắc trong xã hội. Hạn chế đó thể hiện rõ khi Nguyễn Du giải thích cuộc đời đau khổ của Thuý Kiều là do số kiếp, nghiệp chướng, mà thật ra là do chế độ mục nát đầy áp bức bất công.

- Cho nên sách Lịch sử văn học Việt Nam, Tập 3 của Trường Đại học Sư Phạm có viết:

Nguyễn Du đã vạch ra cho mọi người thấy những thủ phạm hung ác của cuộc đời nhưng liền sau đó, ông lại lấy số kiếp, nghiệp chướng để che lấp tội ác của chúng.

Ta hãy giải thích ý kiến trên.

Nguyễn Du lấy số kiếp, nghiệp chướng để che lấp tội ác của chúng

II. THÂN BÀI

A. Nguyễn Du đã vạch ra cho mọi người thấy những thủ phạm hung ác của cuộc đời

Truyện Kiều thuật lại cuộc đời của một người con gái tài sắc vẹn toàn, giàu lòng thương người, xuất thân từ một gia đình lương thiện. Nhưng cuộc đời Thuý Kiều đành bỏ đi, bị đắm chìm suốt mười lầm năm trong chốn bùn nhơ, cuối cùng phải tự trầm trên sông Tiền Đường. Ai đã gây ra số kiếp đoạn trường của nàng? Đó chính là bọn thủ phạm hung ác sau đây.

1. Trước hết là bọn quan lại. Một viên quan nhỏ ở Bắc Kinh mượn cớ thằng bán tơ vu cáo, cho sai nha đến vét sạch sành sanh tài sản của nhà họ Vương, tra khảo cha con họ Vương để đòi ba trăm lạng, đẩy Thuý Kiều vào bước đường lưu lạc. Một viên tổng đốc bất tài, hèn hạ lừa gạt giết người chồng, lại ép người vợ làm trò mua vui một cách đê tiện.

2. Kế đó là bọn tổ chức thanh lâu mua người, đánh đập, ép buộc những cô gái lương thiện vào con đường ô nhục: Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh.

3. Sau hết là bọn lưu manh, tay sai của những kẻ có thế lực, sẵn sàng thực hiện bất cứ hành động tàn ác nào, miễn có tiền: Ưng, Khuyển, Sở Khanh.

B. Nguyễn Du lại lấy số kiếp, nghiệp chướng để che lấp tội ác của chúng

Thay vì giải thích nguyên nhân gây ra nỗi khổ đau của Thuý Kiều là do xã hội mục nát với những thủ phạm hung ác nói trên, Nguyễn Du lại lí giải bằng những tư tưởng duy tâm: số kiếp, nghiệp chướng.

1. Vào đầu truyện, Nguyễn Du đã nêu luận đề của tác phẩm:

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Thuý Kiều chịu gian truân khổ nhục vì cái mệnh khắc nghiệt đã không dung thứ cho kẻ hồng nhan:

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Tất cả là do số mệnh:

Ngẫm hay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

2. Để củng cố thêm nguyên nhân gây bao nỗi khổ đau cho Kiều, Nguyễn Du còn viện dẫn tư tưởng nghiệp chướng của nhà Phật, Thuý Kiều mắc vào vòng nghiệp chướng nặng nề, cho nên:

Làm cho sống đoạ, thác đày,

Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi.

Rồi Nguyễn Du khẳng định:

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.

3. Do giải thích bằng số mệnh và nghiệp chướng, Nguyễn Du đã vô tình che lấp tội ác của bọn thủ phạm: chúng chẳng qua là những phương tiện do số mệnh, nghiệp chướng của Thuý Kiều tác động. Từ chính phạm, chúng trở thành kẻ tòng phạm.

III. KẾT BÀI

Truyện Kiều là một bức tranh hiện thực rộng lớn về những đau khổ của con người dưới chế độ phong kiến suy tàn. Đồng thời tác phẩm cũng là tiếng kêu đoạn trường của những người bị áp bức, thể hiện tấm lòng nhân đạo cao quý của Nguyễn Du. Cho nên, những hạn chế tư tưởng số mệnh, nghiệp chướng vẫn không hề làm giảm lòng rung động xót thương con người của một tâm hồn cao cả.

Viết bình luận