Suy nghĩ của anh (chị) về câu nói của người xưa: “Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình"

Trong những cuộc họp với các đồng chí cán bộ đứng trong hàng ngũ của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở mỗi cá nhân cần biết phê bình và tự phê bình. Nói rộng ra thì có lẽ việc nhận thức được khuyết điểm của mình để sửa chữa, rút kinh nghiệm là vô cùng quan trọng. Người xưa có câu: “Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình”. Đối với mỗi chúng ta, đó thực sự là một bài học quý giá.

không chịu sửa mình

Trong cuộc sống, mỗi con người khó thể tránh khỏi những cái “hại”. Hiểu một cách tổng quát thì “cái hại” là những điều làm ảnh hưởng không tốt đến quyền lợi, cuộc sống của cá nhân. Có cái “hại” do yếu tố ngoại cảnh tác động, gây nên nhưng cũng có “cái hại” do con người tự gây ra cho mình. Trong câu nói trên, “cái hại” lớn nhất được người xưa chỉ rõ là cái hại do chính con người gây ra cho mình: cái hại do “không chịu sửa mình”.

Bản thân mỗi con người không ai sinh ra đã hoàn hảo. Tạo hóa ban cho mỗi người những giá trị nhất định. Mỗi người có thể yếu về mặt này nhưng mạnh về mặt khác. Vấn đề là chúng ta phải ý thức được những mặt mạnh cũng như mặt yếu của mình để cố gắng “sửa mình”, tự hoàn thiện. “Không chịu sửa mình” biểu hiện ở chỗ con người nhận thấy được khuyết điểm của mình nhưng không chịu sửa lỗi.

Cần phải “sửa đổi” chính mình từ những việc làm, thói quen nhỏ nhất bởi đó chính là con đường tất yếu mà nhân loại cần phải đi trong quá trình tiến hóa và tự hoàn thiện. Ngạn ngữ Hi Lạp có câu: “Thói quen xấu ban đầu chỉ là người khách qua đường, sau thành người bạn thân ở cùng nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính”. Những thói quen, những tật xấu của bạn, nhiều khi bạn nghĩ rằng nó chẳng làm ảnh hưởng tới ai vì nếu có sao thì chỉ mình bạn gánh chịu nhưng chỉ khi trở thành một tế bào tốt của xã hội thì lúc đó, cuộc sống của bạn mới thực sự có ý nghĩa. Khi xưa, thấy nét chữ của mình quá xấu, Cao Bá Quát đã quyết tâm luyện chữ, kiên trì, bền bỉ và cuối cùng đã có được nét chữ rất đẹp. Khi biết tự sửa chữa những khiếm khuyết của bản thân, bạn sẽ thấy mình đạt được nhiều điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống, bạn được mọi người yêu quý, tôn trọng.

Có một ông bố đã viết thư cho thầy hiệu trưởng của con trai mình và nói rằng: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết cảm thấy vinh dự khi thi rớt còn hơn là gian lận trong khi thi”. Trong đời sống học đường hiện nay, có rất nhiều học sinh quay cóp trong các kì thi, kiểm tra. Lười học, lại chạy theo thành tích, những học sinh này chỉ vì điểm số mà tự hình thành cho mình một thói quen xấu. Nếu những học sinh đó không chịu sửa đổi, từ bỏ thói quen này thì chắc chắn họ sẽ đánh mất tương lai của chính mình. Người xưa cũng đã có câu: “Thất bại với chính bản thân mình là thất bại thảm hại nhất”, vậy nên nếu không tự đấu tranh để sửa đổi và hoàn thiện bản thân thì có lẽ con người sẽ tự chuốc lấy cho mình “cái hại” lớn nhất.

Những thói quen xấu, những tật xấu mà bạn mắc phải như những cái ung, cái nhọt trong nhân cách của bạn. Nếu không chịu đau mà loại bỏ nó đi thì tới một lúc nào đó nó sẽ tích tụ và đủ sức đánh gục bạn. Con người sống trên đời cần phải nhận thức được chính minh, phải chịu khó “sửa mình” - tức là trừ được cái hại lớn nhất, cũng là nguồn gốc sinh ra những cái hại khác — thì mới mong tránh được những “cái hại” trong cuộc sống.

Hoàn thiện bản thân không phải là chuyện dễ dàng nhưng không có nghĩa là không thể làm được. Có rất nhiều người đã làm và họ đã thành công. Bác Hồ vĩ đại của chúng ta chính là một tấm gương lớn. Cuộc sống vốn được tạo nên từ những điều rất nhỏ, vậy nên mỗi người hãy cố gắng sửa đổi chính mình để không bao giờ phải hối tiếc về những việc đã qua; không phải tự hỏi tại sao ngày ấy không chịu sửa đổi bản thân... Hi vọng rằng trong chúng ta ngày càng ít người phải tự hỏi mình như thế!

Viết bình luận