Tài tả cảnh và tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi trong bài “Cảnh mùa hè”

Rất nhiều tác phẩm thể hiện tài năng đa dạng, phong phú của Nguyễn Trãi, trong đó tập thơ chữ Nôm Quốc âm thi tập là một tập thơ đáng chú ý. Được sáng tác không liên tục từ thời trẻ, hồi chưa đỗ đạt, lưu lạc cho đến lúc làm quan to, công thành danh toại và khi về già, bị biếm trích, ở ẩn Côn Sơn. Có thể nói rằng, tập thơ là một tập đại thành mang chứa không biết bao nhiêu nỗi lòng, tâm sự của Nguyễn Trãi. Dẫu vậy, khép lại Quốc âm thi tập nổi bật hơn cả, đó vẫn là một tình yêu nồng đượm, tha thiết với thiên nhiên, đất nước, thể hiện triết lí sống mà suốt đời tác giả luôn theo đuổi. Triết lí sống vì sự ấm no, hạnh phúc của người dân.

sen hồng - một loại hoa tiêu biểu của mùa hè

Bài thơ 43 trong chùm đề tài Bảo kính cảnh giới được sách giáo khoa lớp 10 (tập 1) đặt đầu đề là Cảnh tình mùa hè chính là một bài thơ tiêu biểu cho chủ đề này:

Rỗi, bóng mát thuở ngày trường,

Hoè lục đùn đùn tán rợp trương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tin mùi hương.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dồi cầm ve lầu tịch dương.

Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương.

Điểm đáng chú ý ở bài thơ trước hết thể hiện sự sáng tác của tác giả trong việc sử dụng và cách tân thể thơ thất ngôn bát cú của Trung Quốc. Việc giữ lại số lượng câu, chữ của thể thơ này nhưng xen câu thơ 6 chữ ở câu 1 và câu 8 thể hiện sự sáng tạo. Và ý thức trân trọng đối với ngôn ngữ và văn hoá dân tộc. Sự phá cách cộng với ngôn ngữ tiếng Việt được sử dụng trong tập thơ, bài thơ, suy cho cùng đó cũng chính là tấm lòng với đất nước, quê hương. Rõ ràng, điều đó với Nguyễn Trãi không chỉ thể hiện bằng những hành động thiết thực nhằm bảo vệ Tổ quốc của thời kì Lam Sơn khởi nghĩa hào hùng. Ông ý thức điều này cả khi sáng tác thơ, sáng tạo văn chương. Chính vì vậy, tiếp cận với Cảnh tình mùa hè nói riêng và Quốc âm thi tập nói chung, điều trên đây chính là một trong những điểm sáng đầu tiên mà người đọc cần phải hướng đến trước khi đi vào hệ thống hình ảnh thiên nhiên, vẽ lên một bức tranh mùa hè hết sức sắc sảo của bài thơ.

Mở đầu, như thường lệ của kết cấu thể thơ thất ngôn bát cú, Nguyễn Trãi giới thiệu tâm cảnh sáng tác của mình:

Rỗi, bóng mát thuở ngày trường,

Hòe lục đùn đùn tán rợp trường.

Tức là, trong trường hợp này, ông vẫn khẳng định mối tiên ưu canh cánh bên lòng. Thế mà ở đây, Nguyễn Trãi làm kẻ nhàn tản. Rõ ràng, với con người ông, bài thơ chắc chắn ra đời trong hoàn cảnh đau đớn nhất của Nguyễn Trãi, hoàn cảnh của một giai đoạn mà Nguyễn Trãi bắt buộc phải báo quan về ở ẩn ở Côn Sơn. Khác với Nguyễn Du về sau, Nguyễn Trãi là con người sinh ra để hành động Thế mà, lúc này, con hành động ấy phải nói: Rỗi, bóng mát thuở ngày trường... Câu thơ chỉ hoàn cảnh sáng tác mà ngấm ngầm một tấc lòng, một tâm sự. Thế nhưng, nhìn ở khía cạnh tinh thần, Nguyễn Trãi không phải là kẻ bi quan, yếu thế. Nghị lực, niềm tin, những nghị lực. Những niềm tin đã được mai dũa của thời kì nếm mật nằm gai - đã giúp ông vượt lên hoàn cảnh số phận. Ông vẫn nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, vẻ đẹp của cuộc sống người dân đáng lẽ sẽ là sung túc, no ấm hơn nữa trong buổi thái bình. Vẻ đẹp ấy giúp chúng ta khẳng định rằng, ông không chỉ là một nhà quân sư, một bậc khai quốc công thần, ông còn là một nghệ sĩ lớn. Người nghệ sĩ ấy đã vượt lên những nỗi buồn để tái dựng một bức tranh mùa hè đầy sắc màu, đầy những thức vị điển hình. Hình ảnh cây hoè tán rợp trương, hình ảnh lửa lựu lập lòe đơm bông (Kiều) trong:

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.

Hình ảnh sen hồng - một loại hoa tiêu biểu của mùa hè - toả hương... Tất cả tạo nên một bức tranh mùa hè đầy sắc màu, thể hiện khả năng cảm nhận, thấu đáo của một nghệ sĩ khi hoạ bút. Ở đây, khi hoạ bút rất nhiều giác quan được vận dụng. Từ thị giác (sắc màu, hình ảnh) đến khứu giác (hương hoa) thính giác (âm thanh):

Lao xao chợ cá làng ngư phủ

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ

Tất cả làm nên một khúc cầm đầy những cung bậc về một mùa hè trong cảm nhận của người nghệ sĩ. Thế nhưng, riêng đối với nhân cách của Nguyễn Trãi, sẽ rất phiến diện khi ta chỉ dừng lại ở đó trong Cảnh tình mùa hè. Vượt lên trên tất cả là tấm lòng thơ lẫn tình đời tha thiết của ông. Cảnh đẹp đã mở ra trong lòng Nguyễn Trãi một nỗi day dứt, một ước vọng:

Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương.

Ứớc vọng đủ khắp cho người dân mọi nơi có thể thực hiện trong cảnh thanh bình một cách khá thuận lợi thì ở đây... Nguyễn Trãi không nói tiếp nhưng ta hiểu được nỗi lòng của ông trong chữ lẽ có. Đáng lẽ điều ấy sẽ là hiện thực nếu triều đình nhà Lê bấy giờ cùng một mối đồng tâm. Đằng này, việc tranh giành quyền lợi, tham quyền cố vị. Lục đục... của họ đã khiến điều ấy - sự ấm no, sung túc, của người dân - còn rất mờ mịt.

Cảm động, nhân văn biết bao tấm lòng của Nguyễn Trãi. Tấm lòng thân dân, Dân di bản (lấy dân làm gốc) gốc canh cánh mãi bên lòng ông, theo đuổi ông trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi lúc. Tấm lòng ấy hiện hữu cả khi Nguyễn Trãi làm kẻ thưởng ngoạn thiên nhiên. Đọc hết Cảnh tình mùa hè không thể nghi ngờ gì nữa khi khẳng định rằng: Nguyễn Trãi không chỉ là một nghệ sĩ tài hoa, ông còn là một nhân cách lớn của kẻ suốt đời vì dân, vì nước.

Viết bình luận