Trình bày những nét chính về tiểu sử và con người nhà văn Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân (1910 - 1987) quê ở làng Nhân Mục (thường gọi là làng Mọc), nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. ông xuất thân trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn. Nguyễn Tuân tuy quê ở Hà Nội nhưng từ nhỏ ông đã theo gia đình sống nhiều năm ở các tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng,... Những vùng đất ấy, đặc biệt là Thanh Hóa đã để lại nhiều dấu ấn trong sáng tác của ông. Tuổi thơ, Nguyễn Tuân được nuôi dưỡng trong nền văn hóa cổ truyền của dân tộc với những phong tục, nề nếp, cách ăn ở vui chơi đang tàn dần do thời thế thay đổi. ông học đến cuối bậc Thành chung thì bị đuổi vì tham gia một cuộc bãi khóa phản đối mấy giáo viên người Pháp nói xấu người Việt Nam (năm 1929). Sau đó ít lâu, ông bị đi tù vì xê dịch qua biên giới không có giấy phép (vượt biên giới sang Thái Lan). Khi ra tù, ông bắt đầu viết văn, viết báo.
Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm ba mươi của thế kỉ XX nhưng ông thật sự nổi tiếng từ năm 1938 với những tác phẩm mang phong cách độc đáo như Một chuyến đi, Vang bóng một thời,... Năm 1941, ông bị bắt giam một lần nữa vì giao du với những người hoạt động chính trị. Khi cách mạng tháng Tám bùng nổ, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến. Sau cách mạng, ông trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Từ năm 1948 đến năm 1958, ông giữ chức Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông mất năm 1987 tại Hà Nội.
Nguyễn Tuân để lại một sự nghiệp phong phú với những trang viết độc đáo và đầy tài hoa. ông là một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn và được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật năm 1996. Ngoài văn học, ông còn say mê diễn kịch. Ông là một trong những diễn viên điện ảnh đầu tiên của nước ta (đóng phim Cánh đồng ma, 1937).
Nguyễn Tuân là một trí thức có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần dân tộc sâu sắc. Lòng yêu nước của Nguyễn Tuân có một nét nổi trội là sự gắn bó đầy tự hào với những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc: yêu tiếng mẹ đẻ, những nhạc điệu dân ca như ca trù, giọng hò Quảng Trị, Thừa Thiên, Nam Bộ; những kiệt tác văn chương của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Tản Đà,...; những phong cảnh đẹp của quê hương; những thú chơi tao nhã như uống trà, nhâm rượu, chơi hoa, chơi chữ đẹp, đánh cờ, thả thơ; những món ăn truyền thống của dân tộc thể hiện khẩu vị tinh tế của người Việt,...
Ở Nguyễn Tuân có sự phát triển rất cao, rất sâu sắc về ý thức cá nhân. Vì thế trong sáng tác văn học, ông luôn luôn có ý thức phát huy cá tính, khẳng định phong cách độc đáo của mình. Ông thích đi du lịch nên tự gán cho mình một chứng bệnh gọi là chủ nghĩa xê dịch. Lối sống tự do phóng túng của ông không phù hợp với chế độ thuộc địa (tuy không hoạt động cách mạng mà hai lần ông bị đi tù).
Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ hoạt động trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, rất mực tài hoa và uyên bác, suốt đời tìm tòi, học hỏi: học trong đời, học trong sách vở. Ngoài văn chương, ông còn am hiểu nhiều ngành nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh,... và luôn có ý thức vận dụng những tri thức đó để làm phong phú và giàu có thêm khả năng diễn tả của nghệ thuật văn chương.
Nguyễn Tuân cũng là nhà văn biết quý trọng thật sự nghề nghiệp của mình. Trước cách mạng tháng Tám, ông đã quan niệm nghề văn là một cái gì đối lập với tính vụ lợi và ở đâu có đồng tiền phàm tục thì ở đó không có cái đẹp. Đối với ông, nghệ thuật là một hình thái lao động nghiêm túc, thậm chí khổ hạnh và ông đã lấy chính cuộc đời cầm bút hơn nửa thế kỉ của mình để chứng minh cho quan niệm ấy. ông dường như sinh ra để làm nghệ thuật. Cuộc đời cầm bút của ông là một quá trình săn tìm và diễn tả cái đẹp.
Viết bình luận