Tường thuật một sự việc đã gây cho em một cảm xúc khó quên

Chủ nhật vừa rồi em và gia đình đi nghỉ mát ở Vũng Tàu. Trong chuyến đi thủ vị đó, em đã chứng kiến một sự việc thật đau lòng khó mà quên được.

Tạm biệt biển xanh sóng vỗ, em cùng gia đình trở về nhà. Trên đường về, gia đình em ghé vào một quán cơm. Khách ra vào nườm nượp. Toàn những người sang trọng giàu có. Trước quán không ai ngờ có hai em bé nép mình trong xó cửa. Hai em ngồi bên nhau, giương đôi mắt ngây thơ nhìn dòng người qua lại.

Hai đứa bé nghèo

Em nhìn thấy trong đôi mắt hai đứa nhỏ một nỗi buồn xa xăm vô tận, phải chăng đó là sự cô đơn, buồn tủi, mặc cảm vì số phận thấp hèn trước những người cao sang kia, em cảm thấy nao nao trước hai đứa nhỏ. Thế nhưng dòng suy nghĩ ấy dễ dàng loãng đi khi em cùng mọi người bước chân vào quán. Mùi vị quyến rũ của thức ăn hấp dẫn em. Em đưa mắt nhìn về phía một bàn trống. Khách đã ra về, những người phục vụ đang, tất bật với việc tiếp đãi, nên thức ăn dư thừa vẫn còn giữa chén dĩa ngổn ngang. Bỗng... một bóng nhỏ len lỏi vượt qua dòng người, đến bên chiếc bàn trống nọ. Em nhận ra ngay đó là một trong hai đứa nhỏ khi nãy.. Thằng bé sợ sệt đưa mắt nhìn xung quanh. Run rẩy như đang làm một việc xấu xa, nó vừa vội vã trút vội thức ăn vào chiếc bọc ni lông cũ kỹ. Vài người gườm nhìn nó. Họ ném vào nó những nụ cười và câu nói đầy vẻ khinh bỉ. Một cô bé xinh xắn mặc chiếc váy màu hồng loại đắt tiền, trề môi mỉa: “Xem thằng bé dơ chưa kìa! Nhặt đồ ăn thừa của người khác”. Rồi cô rụt cổ lại, ra ý ghê tởm. Người chủ đã để ý thái độ của khách đối với đứa bé nghèo, nên quay lại, lớn tiếng quát: “Cút đi đồ xó chợ đầu đường! Để cho người ta bán hàng chứ! Đi mau!”

Mặt thằng bé biến sắc. Uất ức, nó trả lời giọng nghẹn ngào: “Tôi không ăn xin. Chỉ vì em tôi đói quá nên tôi phải làm thế này. Mẹ tôi cũng dạy thà chết chứ không chịu nhục. Tôi không ăn xin, trả lại mấy người nè”. Thằng bé ném bọc thức ăn lên bàn rồi cắm đầu chạy biến, sau lưng nó vài người phá lên cười, cất giọng khinh bỉ: “Bọn ăn xin bây giờ là thế đấy, nghèo mà cứ lên mặt”. Nói xong, họ quay về chỗ của mình, bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Ba tôi nhìn thấy cảnh ấy, ông chỉ biết lắc đầu rồi đăm chiêu suy nghĩ. Bữa ăn chiều trở nên nặng nề khó tả. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng, nhưng tôi biết tất cả đều hướng về đứa bé khổ nghèo kia.

Sự việc thoáng xảy ra rồi lại nhanh chóng kết thúc. Thế nhưng trong tôi, hình ảnh hai đứa bé nghèo trong bộ quần áo rách tươm và câu nói: “Thà chết chứ không chịu nhục” vẫn không phai nhòa. Bất giác tôi nghĩ bây giờ, rải rác khắp nơi trên đất nước, có bao nhiêu trẻ đồng cảnh ngộ như thế. Tháng năm dần trôi, bên sự phát triển vươn lên không ngừng của đất nước, chúng vẫn âm thầm sống với cảnh đời thiếu thốn, cơ cực. Mắt tôi cay cay, lòng trĩu nặng nỗi buồn...

Viết bình luận