Văn nghị luận: Công ơn, trách nhiệm của cha mẹ

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, loài người đã dùng không biết bao nhiêu từ của mọi ngôn ngữ, sử dụng không biết bao nhiêu giấy mực để diễn tả, ghi chép công ơn của cha mẹ đối với con cái.

Che chở cho con

Khi thì coi công ơn cha mẹ là cực kì to lớn, hơn cả biển trời, không thể đo lường được:

... Ba năm bú mớm còn thơ

Kể công cha mẹ biết cơ ngần nào

Chữ rằng: "Sinh ngã cù lao"

Biển sâu khôn ví, trời cao không bì".

(Gia huấn ca — Nguyễn Trãi)

Khi thì coi cha mẹ ngang tầm Thượng Đế

"Thượng Đế không thể có mặt khắp nơi, vì thế Ngài đã tạo ra các bà mẹ"

(Ngạn ngữ Do Thái)

Khi thì mượn hình tượng núi Thái Sơn cao vời vợi, nước chảy lai láng không bao giờ cạn của dòng nước đầu nguồn để so sánh công cha nghĩa mẹ:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong Nguồn chảy ra

(Ca dao Việt Nam)

Chung cuộc, so sánh thì không đạt vì không có đối tượng diễn tả và không đủ từ nên một bài thơ đã viết:

Lòng mẹ bao la hơn biển khơi

Con yêu quý mẹ nhất trên đời

Con gom hết chữ trong thiên hạ

Chẳng đủ cho con tả hết lời

Quả thật, công ơn cha mẹ to lớn vô cùng, không thể lấy gì đo lường được, không giấy mực nào viết hết cho được. Không lời lẽ nào tả cho xiết được. Bảo cha mẹ là trời - biển ư? Nhưng biển nào sâu bằng, trời nào cao bằng! Bảo cha mẹ là vũ trụ ư? Nhưng vũ trụ thiên nhiên còn xảy ra tai họa, gây bão tố, lụt lội, tai ương. Còn cha mẹ chỉ lo cho con êm đềm, ấm no hạnh phúc. Cha mẹ sinh con chăm lo ấp ủ nuôi dưỡng, rồi dạy dỗ, rồi chăm sóc về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần, từ học hành thi cử đến hướng nghiệp lập thân, cho đến lúc trưởng thành. Sau đó lo công ăn việc làm, gây dựng gia đình. Và cho đến mãi mãi về sau cho đến khi cha mẹ già yếu, thậm chí cho đến lúc chết. Từ khi con còn thơ dại đến khi con khôn lớn, cả hai song thân không lúc nào nghỉ ngơi lo toan, mẹ thì lo bú mớm, cha thì lo săn sóc thuốc men, mẹ thì lo ấp ủ. Cha thì lo che chở, mẹ lo nuôi, cha lo dạy, mẹ lo về mặt tình cảm, cha lo về mặt lí trí, mẹ lo hướng nội về phía gia đình, cha lo hướng ngoại về mặt xã hội, mẹ thiên về đức dục, cha thiên về trí dục...

Trách nhiệm của cha mẹ nuôi dạy con

a) Công sinh thành

Cha mẹ là bậc sinh ra ta, không phải bỗng dưng mà ta có mặt trên đời này, có sự sống này. Ta hiện hữu là do khí huyết của cha mẹ tạo thành. Mẹ mang nặng đẻ đau, cha chăm sóc lo lắng, cưu mang suốt hơn chín tháng trời, lúc sinh ra lại chịu bao nguy hiểm:

Nặng nề chín tháng cưu mang

Công sinh bằng vượt biển sang nước ngoài.

(Gia Huấn Ca - Nguyễn Trãi)

b) Công nuôi nấng

Nuôi nấng con cái từ khi con cái mới sinh đến khi khôn lớn thật là vô cùng vất vả, tốn kém về của cải, hao tổn về tinh thần, thật không sao tả xiết. Nhỏ thì nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, chăm lo bú mớm, cơm cháo thuốc men, thức khuya dậy sớm, chăm sóc dỗ dành... Khi lớn lên thì lo cơm áo mặc, đồ dùng, sách vở, giấy bút, học hành thi cử, lớp này trường nọ, lo lắng từ sinh hoạt đến học tập... Còn sống ngày nào là chăm lo con ngày ấy với tất cả tấm lòng tận tụy hi sinh vô bờ bến.

Đúng là công đức cha mẹ vô cùng to lớn! Không có cha mẹ nuôi nấng ta làm sao sông và khôn lớn như ngày hôm nay? Đây là một ân nhân lớn nhất đời ta, ta phải ghi tâm khắc cốt rồi làm sao có thể đền đáp được phần nào ơn sâu nghĩa nặng ấy. Vậy người hiếu thảo với cha mẹ là người trọng nghĩa. Thọ ơn là phải báo đáp. Ơn càng sâu thì nghĩa càng nặng, và phải báo đền cho xứng, đó là đạo lí trên đời. Từ Hiếu phát sinh ra Nghĩa, có Hiếu ắt có Nghĩa vậy? Người ơn lớn nhất mà không tôn kính, không đền đáp thì đúng là kẻ vô ơn bạc nghĩa, sao xứng đáng làm người. Kẻ bất Hiếu ắt bất Nghĩa.

Giáo dục từ nhỏ

c) Công ơn dạy dỗ:

Trong suốt hành trình của cuộc đời, cha mẹ luôn luôn là thầy giáo dạy dỗ con cái về mọi mặt từ thơ ấu đến lúc trưởng thành và cho đến chừng nào cha mẹ còn tại thế. Từ lúc sơ sinh cha mẹ dạy ta tập đứng tập đi, tập ăn tập nói... rồi dạy tiếp xúc với giới tự nhiên để thích nghi với môi trường sống, sau đó dạy cách ăn ở trong gia đình, cư xử ngoài xã hội, rồi đến học vấn, luân lí đạo đức, đến điều hơn lẽ thiệt, tránh sai lầm lỗi đạo...

Cha mẹ dốc hết mọi sở học, mang hết mọi kinh nghiệm để dạy con với tình thương bao la, với nỗ lực triền miên, chỉ mong sao con trẻ nên tài giỏi, sao cho "Con hơn cha, nhà có phúc". Có thể nói rằng cha mẹ là thầy cô giáo tuyệt vời và toàn diện.

Lĩnh hội được các điều dạy bảo quý báu của cha mẹ mới là người khôn, mới là kẻ trí. Do đó người có hiếu ắt có trí tuệ. Chữ Trí đi đôi với chữ Hiếu là vậy. Làm con mà không nghe lời cha mẹ dạy chính là kẻ bất hiếu, là ngu độn, không biết lẽ phải trái, rõ ràng là Kẻ bất Trí. Kẻ bất Trí còn mong gì thành đạt trên đời này nữa. Cách ngôn có câu:

Cá không ăn muối cá ươn

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư

d) Công ơn che chở bảo vệ:

Với tình cốt nhục và theo tập tính nuôi dạy con từ nhỏ, nên bậc cha mẹ luôn nghĩ rằng phải có bổn phận bảo vệ con như bảo vệ chính bản thân mình, chấp nhận hi sinh mọi thứ cho con kể cả sinh mạng mình. Lúc con nhỏ thì che nắng chắn mưa, quạt mát khi nóng, ấp ủ khi lạnh, nâng dậy khi con té ngã, hỗ trợ khi con gặp khó khăn, tháo gỡ cho con các vướng mắc, sửa chữa cho con các lỗi lầm... Chỉ mong sao cho con được thành công, hạnh phúc. Tóm lại trước những bất trắc, đe dọa của cuộc sống cũng như các lỗi lầm sai trái của con cái, cha mẹ luôn xả thân che chở bảo vệ cho con với tất cả lòng hi sinh khoan thứ và độ lượng.

e) Lòng tin và ước vọng kế thừa sự nghiệp tương lai

Với mối liên hệ huyết thống, cha mẹ luôn coi con cái như là "hậu thân", là phần nốì tiếp của chính cuộc đời mình sau này. Vì vậy, cha mẹ lấy lòng yêu thương chân thật, dồn hết tâm lực để khuyên răn dạy bảo, đặt trọn niềm tin yêu nơi con mình, truyền lại mọi tài sản, mọi sự nghiệp, chỉ mong sao cho con kế thừa và phát huy cao hơn sự nghiệp này, đạt được những thành tựu mong muốn của mình.

Ngoài các mối quan hệ giữa HIẾU với NHÂN - NGHĨA - LỄ - TRÍ - TÍN, ta còn thấy Hiếu có mốì liên hệ chặt chẽ với TRUNG (Trung với dân, với nước). Thật vậy, gia đình là cái nôi, là trường học đầu đời, là xã hội tiền khởi của con người. Con người tiếp nhận sự giáo dục đầu tiên qua cha mẹ, ý thức cộng đồng xã hội cũng qua cha mẹ rồi cảm nhận được Tổ quốc, quê hương, ngôn ngữ dân tộc cũng qua cha mẹ, qua ngôi nhà mảnh đất ở của cha mẹ, qua lời kể, qua câu hát điệu ru của cha mẹ... ngay từ khi còn nằm đu đưa trên võng. Người nào có biết tôn kính cha mẹ, yêu thương các người thân cùng chung một mái nhà thì sau này mới biết kính trọng thầy cô giáo, quý mến bạn bè, yêu thương nòi và mới ý thức được trách nhiệm đối với quốc gia xã hội. Như vậy HIẾU ắt có TRUNG, cổ nhân từ ngàn xưa đã khẳng định "Hiếu tử ắt trung thần" (con hiếu ắt tôi trung). Có hiếu mới có trung là một chân lí vì lòng yêu nước xuất phát từ lòng yêu kính cha mẹ: nơi cha mẹ ở là đất Tổ quốc, tiếng cha mẹ nói là tiếng Tổ quốc... và biết bao người đã đồng hóa cha mẹ với Tổ quốc, là hiện thân cụ thể của Tổ quốc. Cách đây năm thế kỉ, một bậc danh nho, một nhà giáo uy tín - tiến sĩ Đàm Thận Huy, đã từng phát biểu "Trung hiếu không tách rời" đã khẳng định chân lí trên. Một nhà thơ hiện đại đã viết:

Kiếp này xin được làm người

Để nghe non nước vọng lời mẹ ru.

Trách nhiệm cha mẹ cho tới khi con lập gia đình

Sau khi đã phân tích như trên, ta thấy lòng hiếu thảo đỗì với cha mẹ quan trọng thế nào! Đó là xuất phát của mọi đức tính mà nền lí luận truyền thông đã xếp vào "Năm đạo luân thường" (ngũ thường): Nhân - Nghĩa - Lễ- Trí - Tín, dùng để làm mẫu mực của nhân cách. Sách có câu "Thiên kinh vạn điển, hiếu vi tiên" (trăm nết tốt của con người thì hiếu đứng đầu). Kinh Phật cũng viết: "Tột cùng thiện không gì bằng hiếu, tột cùng ác không gì bằng bất hiếu". Lòng hiếu thảo là bổn phận, là nghĩa vụ cơ bản nhất của con người, là thước đo chính xác về chuẩn mực đạo đức. Ca dao có câu:

Làm trai nết đủ trăm đường

Trước tiên điều hiếu, đạo thường xưa nay.

Để khuyến khích và đề cao lòng hiếu thảo, ca dao cũng đã có câu:

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

Thật là giản dị và chí lí!

Và cũng suy từ nhận thức trên, ta sẽ thấy kẻ bất hiếu ắt sẽ bất nhân, bất nghĩa, bất trí, bất tín và bất trung, nghĩa là không còn luân thường đạo lí, mất hết cả nhân tính.

Viết bình luận