Vị tha và ích kỉ

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Cần hiểu rõ hai khái niệm: Vị tha là vì người khác, còn ích kỉ là chỉ lo cho chính mình. Từ đó mà bàn luận về lối sống hiện nay cần phải có của con người trong gia đình và xã hội.

BÀI VĂN THAM KHẢO

Con người là một sinh thể lưỡng tính vừa là sản phẩm tự nhiên, vừa là sản phẩm xã hội, vừa có tính cá thể, vừa có tính cộng đồng (con người tồn tại với tư cách một cá thể tương đối độc lập nhưng lại là một thành viên của cộng đồng), do đó trong cuộc sống của mình, con người luôn phải giải quyết mối quan hệ giữa cá thể và cộng đồng, giữa cá nhân và tập thể, giữa mình và những người khác và từ đó, giữa vị tha và ích kỉ.

Từ ích kỉ đến hại nhân chỉ là một bước

Con người theo bản năng sinh tồn, bao giờ cũng lo cho mình trước nhất. Vin vào bản năng này, một số người đã tuyên bố một câu ngạn ngữ “Ai cũng chỉ lo cho mình, chỉ chúa Trời mới lo cho mọi người”. Tính ích kỉ bắt đầu từ đó và phát triển đến mức có nhiều người chỉ biết, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mình, không nghĩ, không biết đến lợi ích người khác. “Chỉ có con thú mới chỉ biết chăm cho bộ da của nó”. Từ ích kỉ đến hại nhân chỉ là một bước. Kẻ ích kỉ thường vô cảm trước nỗi đau người khác. Trái tim hắn băng giá như là đã chết. N. Ôtơrôpxki nói: “Kẻ ích kỉ chết sớm hơn mọi người”. Từ ích kỉ đến với hại nhân chỉ là một bước. Ích kỉ mà hại nhân thì sẽ bị pháp luật trừng trị, bị dư luận xã hội lên án “hại nhân nhân hại sự nào tại ai”. Nhưng có nhiều người nghĩ khác. Họ biết rằng loài người sở dĩ tồn tại phát triển đến ngày nay trong cuộc đấu tranh chống cái đói, cái rét, thiên tai và bệnh tật là nhờ có sự hợp quần, tức là có sự yêu thương giúp đỡ người khác, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Tính vị tha đã là phẩm chất quý của đa số người trong cộng đồng, nhất là ở những người tiêu biểu cho cộng đồng - chúa Giêsu, đức Phật hi sinh cuộc sống riêng vì muốn cứu loài người bằng sự truyền bá lòng nhân ái tức lòng vị tha. Vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng đi tu cũng là để nêu một tấm gương không tham phú quý mà chỉ nghĩ đến chúng sinh. Trong thời hiện đại, các anh hùng cứu nước tiêu biểu là Bác Hồ cũng đã vì yêu nước thương dân mà chịu đựng gian khổ hi sinh để đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Đó cũng là tấm gương sáng ngời về đức vị tha.

Có vị tha thì mới có hạnh phúc, hạnh phúc cho mọi người có tấm lòng vị tha, một hạnh phúc tinh thần không gì so sánh được, nó sẽ là nguồn động viên tinh thần vô giá cho người có hành động vị tha như Các Mác nói: “Người hạnh phúc nhất là người đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất”. Xưa cũng có một câu chuyện ngụ ngôn như thế này: một người cho một người ăn mày một ít tiền, người ăn mày cảm ơn người cho thì người cho lại nói: “Chính tôi mới là người cảm ơn anh, vì anh đã cho tôi một món quà vô giá”. Món quà đó là gì, các bạn biết không, đó chính là sự thanh thản, sự sung sướng về tinh thần.

Mặt khác, khi mình giúp cho mọi người, mọi người mạnh lên thì mình cùng ảnh hưởng tốt tới mình như các cụ ta xưa nói “Nước nổi thì bèo nổi” - Hơn thế, mình giúp người khác, người khác lại giúp mình, trong đó có người mà mình đã giúp, mặc dù mình không nghĩ, không cần điều đó (Bắt cơm Xiêu mẫu nghìn vàng không quên).

Như trên đã nói, con người tồn tại như một cá thể nên ai cũng có lợi ích riêng, thậm chí như một nghĩa vụ đối với bản thân. Tự chăm lo cho lợi ích cá nhân chính đáng không phải là ích kỉ. Ngược lại có chăm lo cho lợi ích cá nhân chính đáng của mình thì mới có điều kiện hơn chăm lo một cách thiết thực cho người khác. Xuân Quỳnh từng viết “Tình thương chỉ nói bằng lời / Lấy đâu cơm gạo cho người được no”. Nhưng ngạn ngữ phương Tây lại có câu “Của cho không quan trọng bằng cách cho”. Cho nên hành động giúp người khác phải xuất phát từ tình cảm và thể hiện cùng với tình cảm.

Có vị tha thì mới có hạnh phúc

Lợi ích chính đáng của bản thân, chúng ta có quyền, có nghĩa vụ chăm lo nhưng song song với việc này, chúng ta phải quan tâm đến cộng đồng, đến những người chung quanh.

Tục ngữ có câu “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, “Lá lành đùm lá rách”.
Nhưng một vấn đề đặt ra: Có khi nào lợi ích cá nhân chính đáng của ta lại mâu thuẫn với lợi ích của người khác, của tập thể không? Khi đó ta sẽ xử lý như thế nào để không mang tiếng là người ích kỉ và vẫn thực thi được đạo lí vị tha? Đây là điều đó nhưng không thể không giải quyết và cách giải quyết chỉ có thể là bằng hai cách - cách thứ nhất: điều hòa lợi ích cá nhân chính đáng của ta và lợi ích chính đáng của người khác. Cách thứ hai: hi sinh lợi ích cá nhân chính đáng của mình, đặt lợi ích chính đáng của người khác, của tập thể lên trên.

Nếu giải quyết mâu thuẫn theo phương thức thứ nhất không được thì phải giải quyết theo phương thức thứ hai, chứ tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân (dù chính đáng của mình), mà gạt sang bên lợi ích chính đáng của người khác, của tập thể. Nếu thế, lợi ích cá nhân không còn chính đáng nữa và ta lại trở thành người ích kỉ. Hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của người khác là đạo đức cao cả, là hạnh phúc thiêng liêng của con người.

Vị tha và ích kỉ, hai phạm trù đạo đức trái ngược cũng là biểu hiện và thước đo phẩm cách của con người. Hãy tu dưỡng phấn đấu trở thành những con người vị tha, hãy loại trừ tính ích kỉ và những biểu hiện của tính ích kỉ nơi con người mình. Chỉ có như thế thì chúng ta mới xứng đáng là những con người chân chính và mới có hạnh phúc chân chính. Trong sự tu dưỡng đó, hướng chính của chúng ta là trau dồi lòng vị tha, nâng cao lòng vị tha từ trong tình cảm đến hành động và một khi lòng vị tha đã trở thành bản tính thì sự ích kỉ sẽ trở nên xa lạ, thậm chí là kinh tởm. Và khi đó, ta sẽ tự có cách xử lí những vấn đề phức tạp giữa mình và người khác, giữa cá nhân và tập thể một cách tế nhị và tốt đẹp.

Viết bình luận