Anh/ chị hãy phân tích bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí

HƯỚNG DẪN

1. Đặc điểm về nội dung

Nhà thơ thể hiện chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc qua sự bày tỏ thái độ đồng cảm với người con gái tài hoa nhưng bất hạnh. Tác giả không đứng bên ngoài hay bên trên nhìn vào, nhìn xuống thân phận của đối tượng để cảm thông, thương xót, mà gắn kết số phận của bản thân với tính cách là người cũng có nỗi đau khổ vì tài văn chương (Phong vận kì oan ngã tự cư). Như vậy, bài thơ này còn thuộc loại thơ gửi gắm tâm sự. Nhà thơ nhìn thấy có sự tương đồng rõ rệt về thân phận của những người tài năng văn chương mà bất hạnh như Tiểu Thanh và bản thân mình.

Cổ kim hận sự thiên nan vấn

a. Những khái niệm cần chú ý

Bản dịch thơ đã cố gắng diễn đạt nội dung của nguyên tác nhưng không thể truyền đạt đầy đủ tinh thần của bài thơ bằng chữ Hán. Do đó, cần nắm vững một số từ ngữ chữ Hán trong bài thơ này, như : “vô mệnh”, “thiên nan vấn”, “phong vận”.

- “Vô mệnh” (không có số mệnh) trong câu thơ thứ tư (nguyên tác): Ý nói tự thân văn chương không biết đến số mệnh, chỉ con người mới có số mệnh. Thế nhưng điều vô lí là văn chương cũng bị đem đốt cháy dở dang.

- “Thiên nan vấn” (khó mà hỏi trời được) trong câu thơ thứ năm (nguyên tác): Người xưa hay kêu trời, hỏi trời mỗi khi có điều gì uất ức, đau đớn (Ví dụ: Truyện Kiều có câu “Trời làm chi cực bấy trời”). Khi nhà thơ viết “Cổ kim hận sự thiên nan vấn” (Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được), tức là những mối hận đó quá lớn, trời cũng không giải đáp được. Câu thơ thể hiện sự đau đớn, phẫn uất cao độ trước một thực tế vô lí: người có tài lại bất hạnh.

- “Phong vận” (chỉ văn chương). Cả câu thơ thứ sáu có thể hiểu là Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì có tài văn chương (Bản dịch trong SGK có mấy chữ cuôì là vì nết phong nhã cũng đồng nghĩa).

b) Hình tượng tác giả

Có hai dấu hiệu cho thấy “cái tôi” trữ tình trong bài thơ thể hiện rất rõ. Trước hết đó là sự xuất hiện của đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “ngã” (ta, tôi) trong câu thơ thứ sáu. Sau nữa là việc tác giả nêu tên chữ Tố Như. Nhưng đây mới chỉ là hai dấu hiệu hình thức. Điều đáng chú ý là nội dung các cảm xúc, suy nghĩ trong bài thơ cho thây tác giả trọng tình cảm.

Câu thơ đầu phác họa không gian điêu tàn của Tây Hồ, tạo nền cảnh cho tư thế trầm ngâm, suy tưởng của “cái tôi” tác giả trong câu thứ hai. Một dáng vẻ trầm tư trước một tập giấy kể thân thế, tâm sự của nàng Tiểu Thanh. Giữa hai người, tác giả và nhân vật Tiểu Thanh, không có sự liên hệ về xứ sở, về thời đại (sinh không cùng thời, ở không cùng xứ), vậy điều gì đã tạo nên sự đồng cảm của tác giả? Những câu thơ tiếp theo từng bước trả lời cho câu hỏi này. Số phận bất hạnh của một người con gái có tài văn chương đã dây lên trong ông sự đồng cảm sâu sắc.

Những suy tư của tác giả không dừng lại ở chỗ than thở cho Tiểu Thanh. Nhà thơ mở rộng suy nghĩ về sự vô lí mà người tài năng văn chương phải gánh chịu, vì ông tự xem mình cũng là người có tài văn chương. Một mốì đồng cảm, một sự tiên liệu cho thân phận chính bản thân mình đã bùng lên không ngăn cản được. Chữ “khấp” (khóc) mà Nguyễn Du dùng ở câu cuối cùng rất tinh tế. Nó thừa tiếp và cụ thể hóa chữ “điếu” (viếng) ở câu thơ thứ hai. Nhà thơ viết về Tiểu Thanh không chỉ bằng câu chữ mà bằng cả tấm lòng thương người, thương thân sâu sắc. ông không viếng đơn thuần mà là khóc thương cho Tiểu Thanh. Ông băn khoăn không biết hậu thế ai là người sẽ khóc ông, nghĩa là bây giờ đây ông đang khóc nàng Tiểu Thanh. Tác giả không lạnh lùng kìm nén mà để bật ra tiếng khóc - dấu hiệu mãnh liệt nhất của tình cảm. Bộc lộ tình cảm, cảm xúc mãnh liệt là nét chung trong sáng tác của Nguyễn Du, cả trong thơ chữ Hán lẫn trong Truyện Kiều.

Không đợi đến hơn ba trăm năm, ngày hôm nay chúng ta đã phần nào hiểu được tâm sự của Nguyễn Du, hiểu được tấm lòng thương người cao cả, vô bờ bến của ông, nâng niu di sản tinh thần quý báu mà ông để lại, đã lau dòng lệ nhân tình cho Tố Như: Tố Như thuộc về nhân dân, thuộc về nhân loại.

Hỡi người xưa của ta nay

Khúc vui xin lại so dây cùng Người!

(Tố Hữu, Kính gửi cụ Nguyễn Du)

2. Đặc điểm nghệ thuật

a) Kết cấu của bài thơ

Câu thơ mở đầu tả cảnh:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,

(Vườn hoa bên Tây Hồ đã thành bãi hoang rồi)

Để tả cảnh như thế, nhà thơ có thể thực tế đã đến Tây Hồ mà cũng có thể cảm khái sau khi đọc những trang sách viết về cô Phùng Tiểu Thanh đã từng sông cô đơn và chết trên Cô Sơn, cạnh Tây Hồ. Cảnh này sẽ gợi xúc cảm mạnh vì có tính chất hoài cổ: Cảnh đã thay đổi, người ở đâu?

Câu thơ thứ hai:

Đọc điếu song tiền nhất chỉ thư.

(Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ)

đã chuyển sang sự (sự việc): tác giả ngồi trước cửa sổ đọc tập sách viết về Tiểu Thanh như hành động viếng nàng.

Cảm xúc, suy nghĩ (gọi chung là tình) được triển khai trong các câu thơ tiếp theo đó.

Bất tri tam bách dư niên hậu

Các câu 3 và 4 (thực) dành cho những cảm xúc, suy nghĩ về thân phận của nàng Tiểu Thanh tài hoa mà bạc mệnh:

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh lụy phần dư.

(Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết,

Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở)

Suy nghĩ cứ mở rộng hơn, từ Tiểu Thanh nhà thơ liên hệ sang bản thân (hai câu luận: 5 và 6) để cho thấy tính chất phổ biến của thân phận những người tài năng:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kì oan ngã tự cư.

(Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được,

Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã.)

Hai câu thơ cuối cùng (kết):

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

(Không biết hơn ba trăm năm sau,

Thiên hạ ai người khóc Tố Như?)

như một tiếng khóc đầy đau đớn, uất hận cho số phận bản thân. Mộng Liên Đường chủ nhân từng có lời bình luận Truyện Kiều: “Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm Truyện Thúy Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì một, người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông lụy của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy”. Có thể mượn mô hình diễn đạt này mà nói về việc Nguyễn Du khóc Tiểu Thanh và việc Nguyễn Du viết Truyện Kiều.

Như vậy, xét về kết cấu, bài thơ có các tầng bậc khác nhau. Các phần đề, thực, luận, kết đảm nhiệm những chức năng khác nhau, theo trật tự tăng tiến, từ một trường hợp cụ thể đi đến tư tưởng khái quát về thân phận chung của những người tài sắc. Khái quát đó thực hiện một cách tự nhiên, không gượng ép nên có sức thuyết phục. Nguyễn Du đã nêu vấn đề về thân phận của những người làm ra các giá trị văn học nghệ thuật, trong đó có Tiểu Thanh, Thúy Kiều và chính ông, cũng tức là nói đến sự gửi gắm tâm sự qua những nhân vật mà ông đồng cảm.

b) Ngôn ngữ

Với HS lớp 10, không nhất thiết phải hiểu thật thấu đáo chữ Hán mà chỉ cần so sánh với bản dịch để nắm phần nào nghĩa của các câu thơ. SGK có dẫn hai bản dịch thơ của Quách Tấn và Vũ Hoàng Chương để thấy rằng một bài thơ chữ Hán có thể được hiểu và dịch không hoàn toàn như nhau.

Viết bình luận