Hãy dựa vào nội dung bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên để giải thích ý nghĩa nhan đề đó của bài thơ. Bình giảng khổ thơ được lấy làm đề từ cho bài thơ: Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc... Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu?

I. Rút trong tập Ánh sáng và phù sa (1960), Tiếng hát con tàu lấy sự kiện cuộc vận động nhân dân miền xuôi lên xây dựng Tây Bắc làm điểm xuất phát khơi gợi cảm hứng, từ đó gọi về trong tâm hồn nhà thơ những tình cảm thắm thiết, những kỉ niệm sâu nặng đối với đất nước và nhân dân. Cuối cùng chuyển thành lời mời gọi lên đường. Đó là mạch cảm hứng chung của toàn bài. Nhưng tại sao lại gọi bài thơ là Tiếng hát con tàu? Bốn câu đề từ có gì đặc sắc và có quan hệ với toàn bài thơ?

II.

1) Nhan đề bài thơ Tiếng hát con tàu mang ý nghĩa chung của toàn bài:

a) Ý nghĩa biểu tượng

"Con tàu": Sự thật những năm này chưa có đường tàu và con tàu lên Tây Bắc. Vì vậy hình tượng con tàu ở nhan đề và xuyên suốt bài thơ là hình ảnh lãng mạn mang ý nghĩa biểu tượng. Con tàu biểu tượng cho những cuộc lên đường, cho khát vọng đi xa, vượt ra ngoài những gì chật hẹp, quẩn quanh, đến với cuộc sống rộng lớn của nhân dân.

Đất nước mênh mông

Ở phần đầu bài thơ, tác giả đã nói rõ điều này:

Đất nước mênh mông đời anh nhỏ hẹp

Tàu gọi anh đi sao chửa ra đi?

"Đời nhỏ hẹp" là tình trạng chung của văn nghệ sĩ trước Cách mạng tháng Tám. Chế Lan Viên từng viết:

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con.

(Người đi tìm hình của nước)

Giờ này trở về với nhân dân, mượn con tàu vượt lên cuộc sống hiện tại nhỏ hẹp để vươn đến những tầm cao, tầm xa.

Ý nghĩa biểu tượng của Tiếng hát con tàu:

Như vậy Tiếng hát con tàu sẽ là lời mời gọi, giục giã mà cũng chính là khúc hát lên đường, say mê, lôi cuốn, bay bổng. Vậy nên cuối bài thơ tác giả viết:

"Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng. Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng".

b) Dựa trên ý nghĩa biểu tượng ấy nhà tha bộc lộ cảm xúc của mình

Tiếng hát con tàu đồng nhất với khúc hát tâm hồn khi nhà thơ tìm thấy con suối nguồn vn tận của niềm vui cuộc đời. Sự đồng nhất này được nhà thơ lặp lại nhiều lần:

Khi lòng ta đã hóa những con tàu

hoặc:

Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống

Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân.

Như vậy nhan đề Tiếng hát con tàu vừa có ý nghĩa biểu tượng, vừa có ý nghĩa bộc lộ cảm xúc. Nó khái quát được cảm hứng chung của bài thơ, đó là nỗi khát vọng vượt bỏ bản thân, rộng mở tâm hồn mình đến với cuộc sống cần lao của nhân dân.

Từ một vấn đề thời sự, bài thơ đã mở ra được một chân trời suy tưởng sâu rộng về cuộc sống và nghệ thuật. Riêng khổ thơ đề từ cũng nhấn mạnh điều đó.

Đoàn thuyền ra khơi

2. Bình giảng khổ thơ đề tư

a) Hình thức hỏi và tự trả lời

Bốn câu thơ như một cuộc đối thoại, một lời hỏi đáp mà người hỏi và người đáp đều chính là nhà thơ. Có lẽ tác giả mượn bốn dòng thơ này để giải tỏa nỗi băn khoăn của lòng mình:

Tây Bắc ư?... còn đâu?

Hai tiếng Tây Bắc vừa như ngỡ ngàng, vừa như quen thuộc, Tây Bắc không chỉ là Tây Bắc mà còn có nghĩa là những miền xa, miền sâu, miền cao của đất nước. Là những nơi thắm đượm ân nghĩa và thật nhiều kỉ niệm cao đẹp trong cuộc sống lao động và chiến đấu, nơi mà cuộc sống cần lao của nhân dân mong chờ những cánh tay, những tấm lòng chung sức dựng xây.

Khái quát sâu rộng hơn khi nhà thơ viết:

Khi lòng ta đã hóa những con tàu

hay Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu?

Lời thơ còn có nghĩa nói lên niềm suy tư về đời sống và khái quát thành chân lí nghệ thuật:

+ Đất nước đã hồi sinh sau kháng chiến, nơi nơi cất lên khúc hát xây dựng: "Bốn bề lên tiếng hát". Cuộc sống lớn ấy là ngọn nguồn sáng tạo nghệ thuật, thơ ca.

+ Nhưng nghệ thuật và thơ ca không tự nó đến:

Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép

Nghệ thuật chỉ có thể nảy sinh khi nghệ sĩ mở lòng mình đón nhận và hòa nhập vào cuộc đời rộng lớn của đất nước, nhân dân.

+ Khi lòng nhà thơ đã hóa những con tàu và tiếng hát hòa chung với khúc hát bốn bề Tổ quốc, thì lúc ấy chỉ cần soi vào lòng mình, nhà thơ cũng thấy cả Tổ quốc và nhân dân.

Tâm hồn ta là "Tây Bắc chứ còn đâu"

Ý này đã được Chế Lan Viên nói đến nhiều lần. Trong một bài thơ khác, ông viết:

Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào

Thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ

Con ngọc trai đêm hè đáy bể

Uống thủy triều bỗng sáng hạt châu.

(Chim lượn trăm vòng)

Như vậy, cùng với ý nghĩa biểu tượng của "con tàu", những lời hỏi đáp về Tây Bắc, hỏi và tự đáp, đáp bằng câu hỏi, nhà thơ như muốn tự nhắc nhở, tự giải tỏa, tự củng cố niềm tin của mình.

b) Bốn câu đề từ có hai lần đồng nhất: Lần đầu nhà thơ đồng nhất "lòng ta" với những "con tàu", lần thứ hai, lại đồng nhất "tâm hồn ta" với "Tây Bắc". Điều này có gì mâu thuẫn?

+ Khi đồng nhất tâm hồn với con tàu, sự đồng nhất ấy nhằm nhấn mạnh khát vọng to lớn, khả năng chiếm lĩnh hiện thực và sự rộng mở hồn thơ. Còn khi đồng nhất tâm hồn với Tây Bắc, là một cách hình tượng hóa kết quả sự trau luyện tâm hồn, kết quả của quá trình hòa nhập vào nhân dân.

+ Như vậy, con tàu là hiện thân của phương tiện, của con đường vươn tới chân lí đời sống, còn Tây Bắc là hiện thân cho mục đích đã đạt được, cho tầm cao đã vươn tới. Hai hình ảnh có tác dụng khơi sâu niềm suy tưởng của nhà thơ, đẩy niềm suy tưởng ấy đến tận cùng.

III. Tiếng hát con tàu là một lời giục giã thiết tha, Tổ quốc đang cần, nhân dân đang cần, cuộc sống đang cao tay vẫy gọi. Lời giục giã thiết tha ấy đã được thâu tóm ngay trong nhan đề bài thơ và cũng bộc lộ rõ qua bốn cẩu đề từ.

Viết bình luận