1. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ; 2. Nêu những ý chính về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Tây Tiến

1. Bài thơ được viết rất nhanh và được hoan nghênh nhiệt liệt tại một cuộc hội nghị toàn quốc ở làng Phù Lưu Chanh năm 1948. Quang Dũng có kể lại rằng, hồi ấy tấm lòng, cảm xúc của mình ra sao thì viết vậy, cũng chẳng có chút lí luận gì về thơ cả. Dẫu sao nó có cái hào khí lãng mạn của một thời, gắn với một giai đoạn lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc.

Bài thơ là một nỗi nhớ (bài thơ lúc đầu có tên là Nhớ Tây Tiến). Tây Tiến là tên một đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn dọc biên giới Thượng Lào, có nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Quang Dũng từng là chiến sĩ trong đơn vị đó. Lính của đại đội Tây Tiến chủ yếu là trí thức ra đi từ Hà Nội. Sau này chia tay với đơn vị, Quang Dũng đã viết bài thơ Tây Tiến.

Mường Hịch

2. Nêu những ý chính về nội dung và nghệ thuật của bài Tây Tiến

Bài thơ là một nỗi nhớ dài. Trước hết là nhớ hình ảnh của đoàn quân thời ấy, những nẻo đường họ đã đi qua, đường số 6 rồi Hòa Bình, Suối Rút và cứ thế tiếp tục tiến về phía Tây. Những câu thơ giàu chất tạo hình, như vẽ lại được cả chặng đường hành quân đầy gian khổ.

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống...

Và cái chết luôn luôn rình rập, đe dọa, bởi mưa ngàn, suối lũ, bởi thú dữ.

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhiều câu thơ mà những năm trước đây bị coi là "buồn rớt tiểu tư sản", là sự phản ánh sai lệch hình ảnh người chiến sĩ mới, thực ra là những câu thơ nhìn thẳng vào cái khắc nghiệt của thực tế chiến đấu lúc bấy giờ.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm...

Ấy là hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn của người lính: thiếu ăn, thiếu thuốc, những cơn sốt rét rừng ác tính hành hạ. Bao đồng đội của ông đã ngã xuống và mỗi lần tiễn đưa người về với đất, theo lệ, những tiếng cồng của trạm quân y lại nổi lên nghe nẫu ruột. Khi nằm xuống, nhiều người không cố đến manh chiếu để liệm xác ("Áo bào thay chiếu anh về đất").

Tây Tiến tuy nhìn thẳng vào sự thật khắc nghiệt, nhưng có bi mà không có lụy. Bài thơ mang âm hưởng đặc biệt bi tráng, ơ đây tính chất anh hùng có một màu sắc riêng thể hiện đặc điểm con người Quang Dũng và một thế hệ của những người như ông trong đoàn quân Tây Tiến: những chàng trai Hà Nội, phần lớn là những thanh niên học sinh, có tri thức, nguyện dấn thân vào cuộc kháng chiến với tất cả nỗi dam mê, ý thức trách nhiệm công dân, không tính toán chi li, không so bì hơn thiệt, nhưng pha vào đấy là chất hào hoa nghệ sĩ, một quan niệm lãng mạn về người anh hùng, tráng sĩ thời xa xưa, một đi không về, coi cái chết nhẹ như lông hồng:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ...

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Đó cũng chính là hào khí của cuộc kháng chiến của dân tộc vang vọng vào thơ, đương nhiên qua cách cảm nhận riêng của Quang Dũng.

Sông Mã

Tây Tiến không chỉ mang màu sắc dữ dội của rừng thiêng và cuộc đời chiến binh đầy gian khổ. vẫn thấy ẩn hiện trong toàn bài, những nét tươi mát của núi rừng Tây Bắc trong cuộc sống đời thường trong trẻo, lạc quan và đầy chất thơ:

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi...

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ...

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa...

Cái bối cảnh hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng thật mĩ lệ và thơ mộng ấy rất phù hợp với những "tráng sĩ" Tây Tiến vừa oai phong lẫm liệt vừa rất đỗi lãng mạn và hào hoa.

Tây Tiến là cuộc sống, là tấc lòng, là con người rất thật của Quang Dũng. Cùng với cảm xúc mãnh liệt và chân thực, thơ ông còn có cả nhạc, cả họa. Một ngọn bút đầy tài hoa vừa khắc họa được cái dữ dội, hào hùng vừa diễn tả được cái tươi mát, sâu lắng, đau thương mà không hề bi lụy.

Viết bình luận