Bàn về những thứ “rỗng”

Trong cuộc sống, con người luôn có xu hướng hướng đến những điều hoàn thiện, trọn vẹn. Nhưng một thực tế không thể tránh khỏi là dù vô tình hay hữu tình, vẫn có lúc người ta để mình rơi vào những khoảng rỗng. Đó là khoảng rỗng luôn khiến cho con người phải suy nghĩ một cách thật nghiêm túc.

Sự rỗng của một trái tim, một tâm hồn

Rỗng là một trạng thái tồn tại dùng để chỉ về một sự vật nào đó không có gì ở bên trong: cái bao rỗng, cái hộp rỗng, cái túi rỗng... Nếu như giá trị của một thứ đồ vật nào đó được thể hiện bằng những gì chứ đựng trong nó thì khi ở trạng thái rỗng, nó trở thành vô nghĩa. Đó là một trạng thái tồn tại tiêu cực. Từ nghĩa gốc ban đầu của từ này, người ta liên tưởng đến nhiều thứ khác nữa, khi “rỗng” cũng trở nên vô nghĩa. Đó có thể là sự rỗng tếch của một cái đầu, sự rỗng của một tâm hồn, một trái tim... những sự rỗng ấy mới thực sự là điều cần phải bàn đến, điều phải quan tâm nhiều nhất.

Trong một xã hội đang ngày càng phát triển như hiện nay, tình trạng rỗng về mặt tri thức là không hề hiếm. Việc học tập một cách chưa bài bản cùng những hạn chế về nhận thức khiến cho hiện tượng thiếu hụt nghiêm trọng về kiến thức mà trước hết là những kiến thức cơ bản vẫn còn đang phổ biến. Một học sinh đã học lên tới bậc học THCS trong khi thành thạo sử dụng máy tính, vi tính lại không thể thực hiện bằng tay một phép tính đơn giản, một học sinh thi trình độ Đại học lại có những nhận thức sai lầm, xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc tác phẩm văn học... Đó chính là những biểu hiện tiêu biểu cho tình trạng thiếu hụt về mặt tri thức, một trạng thái rỗng trong nhận thức và hiểu biết của con người, nó tồn tại trong một vài cá nhân riêng biệt nhưng cũng đủ cho ta thấy những đe dọa trong thiếu sót về mặt nhận thức của con người. Bởi bản thân mỗi người, nếu không có ý thức tự rèn luyện và bồi dưỡng tri thức cho mình sẽ không thể tránh khỏi nguy cơ tụt hậu, tức vô hình chung trở thành một cái đầu rỗng trong một xã hội đang đầy ắp và luôn cập nhật những tri thức mới mẻ. Không chỉ dừng lại ở đó, trạng thái “rỗng” của một cái đầu, một bộ óc còn thể hiện ở việc tự huyễn hoặc rằng mình không có gì thiếu hụt. Có một thứ rỗng mà không thể chứa một cái gì cả: đó chính là một cái đầu rỗng mà lại tưởng là không rỗng, bởi thế nên nó không chấp nhận tiếp thu thêm bất cứ thứ gì ngoài những cái đã có trong đầu. Tự huyễn hoặc và hài lòng với những gì mình có, người ta tự ru ngủ mình trong một thế giới không có thực, tụt hậu, không thể bắt kịp sự phát triển với tốc độ chóng mặt trên thế giới. Trường hợp này cũng phần nào giống như nhân vật AQ trong “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn với “phép thắng lợi tinh thần”, AQ không bao giờ thấy rằng mình thất bại, rằng mình lạc hậu, rằng mình đáng thương... Một AQ của thời hiện đại cũng luôn tự hài lòng với những gì mình có - mặc dù những cái đang có ấy là không nhiều và không có gì đáng kể - mà không bao giờ nhận thấy những thiếu hụt trong nhận thức, trong hiểu biết của bản thân mình. Bên cạnh đó, rất thú vị, cũng có một cái “rỗng” mà chứa được tất cả. Đó là cái đầu rỗng tuếch cái gì cũng nhét hết vào đó, một cách không có chọn lọc. Trường hợp này đúng vởi những kẻ học đòi, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế nhưng lại bày đặt học đòi những cái cao siêu, khiến cho các kiến thức có được một cách máy móc, miệng nói những lời hoa mĩ, cao siêu nhưng đầu óc trống rỗng. Cả hai trường hợp này đều mang đến người khác sự phản cảm nếu không muốn nói là coi thường, giống như thứ “thùng rỗng kêu to” mà xưa kia ông cha ta đã từng mỉa mai.

Vẫn có lúc người ta để mình rơi vào những khoảng rỗng

Rỗng về tri thức đã là điều đáng báo động nhưng còn một thứ “rỗng” nữa khiến người ta phải băn khoăn, trăn trở nhiều hơn: sự rỗng của một trái tim, một tâm hồn. Một trái tim rỗng là một trái tim không đủ chỗ cho tình yêu thương, không đủ chỗ thêm cho bất cứ một người nào khác. Trái tim đó nhỏ bé và vô cảm trước những số phận, kiếp người. Tình yêu giữa con người với con người đang trống rỗng, chờ nhận vào nhưng không có và lương tri của con người đã có khi cảm thấy trống rỗng đến độ không còn thấy thiếu để mà cho vào. Đó chính là độ rỗng của nhân phẩm và đạo đức. Nhìn thấy một người ăn mày nghèo khổ rách rưới nhưng ta không có một chút xót thương, chứng kiến cảnh chia ly tang tóc mà không hề thấy mủi lòng, làm người khác đau lòng mà không hề cảm thấy có lỗi... Những sự vô cảm ấy đang khiến cho mỗi người trong chúng ta phải giật mình lo lắng.

Xã hội phát triển với tốc độ nhanh kéo theo đó là khối lượng công việc và những đòi hỏi trong cồng việc rất nhiều. Nó khiến cho con người phải đôi mặt với nhiều áp lực. Hệ quả là những căn bệnh của thời hiện đại xuất hiện: Con người dễ bị rơi vào trạng thái căng thẳng, có nguy cơ dẫn đến trầm cảm. Hàng loạt các hành vi phạm tội, hàng loạt các vụ tự tử trong giới trẻ đang diễn ra và trở thành vấn đề nhức nhối. Căn nguyên sâu xa của rất nhiều trong số đó chính là ở cảm giác trống rỗng của mỗi con người đã biến cuộc đời trở thành vô nghĩa, không tìm được lối thoát, họ đi đến những phản ứng tiêu cực. Đó là khoảng rỗng mà như lời của Hoàng Vũ Thuật trong “Khoảng rỗng” tâm sự:

“dồn nén vào đây

hết thảy

chật

dễ gì len qua được

người ta có những khoảng rỗng

không tên gọi

chẳng nguyên cớ

những khoảng rỗng

bờ

ngày ngày

di dời trên đất

khoảng rỗng

siêu

hình

những khoảng rỗng giấu mình

những khoảng trống xây tổ

những khoảng trống liêu trai”.

Là khoảng rỗng, là khoảng chông chênh mà bất cứ ai trong cuộc đời cũng đôi lần vướng phải nhưng không phải ai cũng là người vượt lên nó, lấp đầy được nó.

Nếu cuộc sống của bạn có những khoảng rỗng về tri thức: Hãy học hỏi và phấn đấu thật nhiều. Nếu cuộc sống của bạn còn những khoảng trống trong trái tim: Hãy lấp đầy nó bằng tình yêu thương. Nếu bạn còn những khoảng rỗng về tâm hồn, hãy lấp đầy nó bằng những niềm tin và niềm vui tìm ra từ trong cuộc sống muôn màu. Vì bạn là riêng bạn nhưng bạn cũng là một phần của thế giới xung quanh bạn nữa.

Viết bình luận