Bình giảng đoạn thơ sau trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm: "Bao giờ về bên kia sông Đuống... Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh"

A. DÀN BÀI

1. Mở bài

Đối với những con người Việt Nam, hình ảnh quê hương luôn hiện lên trong tâm hồn với nhiều nét đẹp, gợi nhớ, gợi thương và quê hương ai cũng thường có một dòng sông. Đối với nhà thơ Hoàng Cầm, con sông Đuống “Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì” là hình ảnh khó mờ phai trong kí ức thi nhân trong những chuỗi ngày cách xa vì khói lửa chiến tranh.

2. Thân bài

a. Ước vọng thầm kín nhưng cháy bỏng của Hoàng Cầm mong được trở về quê hương Kinh Bắc trăm quý ngàn yêu

“Bao giờ về” là sự mong chờ khắc khoải, cháy bỏng để trở về quê hương Kinh Bắc của đứa con thân yêu sau bao ngày li biệt. Đây là một ước muốn giản dị, chân thành. Cùng với cách nói trực tiếp, câu văn xuôi “Bao giờ về bên kia sông Đuống” bỗng trở thành câu thơ có sức vang vọng nội tâm.

b. Ước vọng hạnh phúc, hòa bình sẽ trở lại quê hương trong cõi sâu hun hút nơi tâm hồn thi nhân

- Ở đây cả “anh” và “em” vừa là từ phiếm chỉ, vừa cụ thể, vừa da diết, tình tứ, keo sơn. Đặc biệt, “anh” nối với “em” bằng hành động “tìm” còn diễn tả mối tình son sắt, thủy chung của thi nhân với con người và mảnh đất quê hương bé nhỏ.

- Bức tranh quê hương được nhà thơ tái hiện trong tâm tưởng rất lộng lẫy, trẻ trung, thi vị:

Em mặc yếm thắm

Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông.

- Tiếng cười trong câu thơ cuối cùng: “Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh” là bóng dáng mĩ miều của hạnh phúc, là biểu tượng của hạnh phúc.

c. Đánh giá

Đây là một đoạn thơ đặc sắc gắn liền với hồn thơ tài hoa của Hoàng Cầm, nhất là tình yêu quê hương sâu nặng nơi cõi sâu của lòng ông.

3. Kết bài

Bằng cách xưng hô đa nghĩa, bằng nghệ thuật điệp từ - điệp cấu trúc cú pháp, ẩn dụ tu từ, bằng các hình ảnh thơ vừa sinh động, vừa cụ thể, vừa mang ý nghĩa biểu tượng; bằng giọng thơ trữ tình, da diết, đoạn thơ trên đã thể hiện tình yêu quê hương sâu nặng của nhà thơ Hoàng Cầm.

Em mặc yếm thắm

B. BÀI LÀM

Đối với những con người Việt Nam, hình ảnh quê hương luôn hiện lên trong tâm hồn với nhiều nét đẹp, gợi nhớ, gợi thương và quê hương ai cũng thường có một dòng sông. Đối với nhà thơ Hoàng Cầm, con sông Đuống “Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì” là hình ảnh khó mờ phai trong kí ức thi nhân trong những chuỗi ngày cách xa vì khói lửa chiến tranh. Thời gian ấy, nhà thơ khôn nguôi nuôi ước vọng thanh bình cho quê hương Kinh Bắc, nằm bên kia sông Đuống:

Bao giờ về bên kia sông Đuống

Anh lại tìm em

Em mặc yếm thắm

Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

Đây là 6 câu thơ cuối cùng trong bài thơ Bên kia sông Đuống. Bài thơ (dài 134 câu được chia làm hai phần lớn. Phần một nói về quê hương nhà thơ bên kia sông Đuống bị giặc dày xéo. Phần hai là cảnh bộ đội trở về cùng nhân dân đánh giặc.

Câu đầu tiên của trích đoạn trên là ước mộng thầm kín nhưng cháy bỏng của Hoàng Cầm, mong được trở về quê hương Kinh Bắc trăm quý ngàn yêu:

Bao giờ về bên kia sông Đuống.

Sông Đuống tên chữ là sông Thiên Đức, một nhánh của sông Hồng, chia tỉnh Bắc Ninh ra làm hai phần: nam (hữu ngạn) và bắc (tả ngạn). Thôn Lạc Thổ - quê Hoàng Cầm ở nam phần tỉnh Bắc Ninh, ngay bên kia bờ sông Đuống. Tin giặc Pháp chiếm nam phần Bắc Ninh đến với Hoàng Cầm một đêm tháng 4 năm 1948. Ông rất đau đớn, căm hận. “Bên kia” là vùng đất đang bị giặc tàn phá, giày xéo. Từ Việt Bắc, nhà thơ đưa điểm nhìn về “bên kia sông Đuống”. uBao giờ về” là sự mong chờ khắc khoải, cháy bỏng để trở về quê hương Kinh Bắc của đứa con thân yêu sau bao ngày li biệt. Đây là một ước muốn giản dị, chân thành. Cùng với cách nói trực tiếp, câu văn xuôi uBao giờ về bên kia sông Đuống” bỗng trớ thành câu thơ có sức vang vọng nội tâm.

Câu tiếp theo là ước vọng hạnh phúc, hòa bình sẽ trở lại quê hương trong cõi sâu hun hút nơi tâm hồn thi nhân:

Anh lại tìm em.

“Anh" là tiếng xưng hô trìu mến, thân mật, đa nghĩa. Anh có thể là tác giả, là người yêu, là người xa nhà đi chinh chiến, là người con của xứ sở Kinh Bắc. “Em” là ai? Là một nhân vật trữ tình trong sự hình dung tưởng tượng của thi nhân - một nhân vật trữ tình thường gặp trong thơ Hoàng Cầm. “Em” có thể là: sự phân thân của nhà thơ để dễ dàng bộc lộ tâm sự riêng tư của mình, là em gái quê hương, là người yêu cụ thể, là hậu phương hay còn là biểu tượng cao đẹp của quê hương Kinh Bắc. Như vậy, ở đây cả “anh” và “em” vừa là từ phiếm chỉ, vừa cụ thể, vừa da diết, tình tứ, keo sơn. Đặc biệt, “anh” nối với “em” bằng hành động “tìm” còn diễn tả mối tình son sắt, thủy chung của thi nhân với con người và mảnh đất quê hương bé nhỏ.

Anh lại tìm em

Bức tranh quê hương được nhà thơ tái hiện trong tâm tương rất lộng lẫy, trẻ trung, thi vị:

Em mặc yếm thắm

Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông

Kinh Bắc là quê hương cổ kính, có truyền thống văn hóa nghệ thuật đa dạng, phong phú, phát triển mạnh mẽ qua các triều đại Lí, Trần, Lê. Kinh Bắc là quê hương của những vương phi, hoàng hậu, công chúa., là nơi sản sinh ra nhiều trạng nguyên, tiến sĩ, thám hoa, bảng nhãn của dân tộc ta: “Một bồ ông Cống, một đống ông Nghè, một bè Tiến sĩ, một bị Trạng Nguyên, một thuyền Bảng nhãn...“; là một vùng quê có nhiều danh lam, thắng cảnh, chùa chiền như núi Thiên Thai, chùa Bút Tháp, Bãi Trám Chỉ. Kinh Bắc là quê hương của văn nghệ dân gian: hội Lim, tranh Đông Hồ nổi tiếng (tranh gà lợn, tranh đám cưới chuột, tranh hứng dừa, tranh đánh ghen, tranh các anh hùng thuở xưa... nét vẽ vui nhộn, hóm hỉnh, màu sắc tươi tắn, trong sáng); các làng nghề phát triển: (chợ Hồ, chợ Sủi, Bãi Trầm Chỉ, Đồng Tỉnh. Huê Cầu). Đặc biệt, Kinh Bắc còn là quê hương của những hội hè, đình đám: “Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dậu - mồng chín đầu đâu cũng về hội Gióng” - mà trong hội hè thì không thể thiếu những câu hát dân ca quan họ ngọt ngào, tình tứ. Do đó, cũng không thể thiếu dáng em “nặc yếm thắm”, “thắt lụa hồng”. Vậy nên, với Hoàng Cầm, hội quê hương cũng là hội của đất nước: “Em đi trẩy hội non sông”. Tiếng cười trong câu thơ cuối cùng: “Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh” đã đột ngột phá tan cái không khí của tang thương, chết chóc và trả lại vẻ đẹp cổ kính, yên ả, thanh bình, hạnh phúc cho quê hương Kinh Bắc. “Cười mê” là nụ cười đắm say, hứng khởi, lãng mạn, thi vị, của cô em gái đất quan họ. Nụ “cười mê ánh sáng” của em gái như một nguồn ánh sáng lung linh, lấp lánh lan tỏa mang đến cho lòng muôn triệu con người trẻ mãi. Đó là nụ cười thần tiên, nụ cười của độc lập, tự do. Đó là nụ cười thôi thúc, giục giã, nụ cười thắp lên niềm tin mãnh liệt trong lòng thi nhân. Xét cho cùng, nụ cười ấy là bóng dáng mĩ miều của hạnh phúc, là biểu tượng của hạnh phúc. Câu lục bát “Em đi trẩy hội non sông; Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh” đã khép lại đoạn thơ tự do, khép lại nỗi lòng thương nhớ lâng lâng của thi nhân nhưng giai điệu ngọt ngào, du dương, êm ái của nó hãy còn vang vọng tiếng lòng tha thiết của một nhà thơ yêu hạnh phúc, yêu hòa bình, yêu cái đẹp.

Tóm lại, bằng cách xưng hô đa nghĩa, bằng nghệ thuật điệp từ - điệp cấu trúc cú pháp, ẩn dụ tu từ, bằng các hình ảnh thơ vừa sinh động, vừa cụ thể, vừa mang ý nghĩa biểu tượng; bằng giọng thơ trữ tình, da diết, đoạn thơ trên đã thể hiện tình yêu quê hương sâu nặng nơi cõi sâu tấm lòng của nhà thơ Hoàng Cầm. Đằng sau ước vọng thanh bình cho quê hương Kinh Bắc, đoạn thơ còn thể hiện niềm khắc khoải khát vọng hòa bình của nhà thơ cho cả đất nước Việt Nam.

Viết bình luận