Có ý kiến cho rằng, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đậm chất lãng mạn. Qua bài thơ, em hãy làm rõ điều này

A. DÀN BÀI

1. Mở bài

Tây Tiến là bài thơ xuất sắc của Quang Dũng. Bài thơ Tây tiến thể hiện nỗi nhớ sâu sắc, cồn cào của tác giả về một thời kì lịch sử hào hùng, về một đoàn quân kiêu dũng và hào hoa.

Không chỉ thế, Tây Tiến còn thể hiện vẻ đẹp thấm đầy chất lãng mạn.

2. Thân bài

a. Vẻ đẹp lãng mạn của Tây Tiến:

- Trước hết hiện ra qua bức tranh đầy ấn tượng bởi đèo cao, vực thẳm, tiếng gầm của thác và những cảnh tượng hoang vu.

- Vẻ đẹp của Tây Tiến còn thể hiện ở những đường nét mềm mại, đầy chất thơ.

b. Tác giả đã xây dựng thành công hình ảnh một đoàn quân dũng cảm, coi thường cái chết.

c. Lính Tây Tiến không những kiêu dũng, can trường, sẵn sàng chấp nhận mọi hi sinh, họ còn là “những thi sĩ mà không làm thơ”.

d. Đánh giá

- Chất lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến là một phương diện quan trọng tạo nên vẻ đẹp của bài thơ.

- Đôi cánh lí tưởng, men say của cảm hứng đã đem đến cho bài thơ một âm hưởng khỏe khoắn tràn đầy niềm tin. Trên nền của cái “bi”, cái “tráng” vẫn hiện như là yếu tố chủ đạo, giữa hiện thực đầy thử thách gian lao, chất lãng mạn đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho người lính, khiến họ vẫn vững vàng đi về phía trước.

3. Kết bài

Tây Tiến với cái chất lãng mạn tràn đầy sẽ còn sống mãi đến mai sau.

B. BÀI LÀM

Tây Tiến là bài thơ xuất sắc của Quang Dũng. Toàn bộ Tây tiến là nỗi nhớ sâu sắc, cồn cào của tác giả về một thời kì lịch sử hào hùng, về một đoàn quân kiêu dũng và hào hoa.

Không những thế, Tây Tiến còn là vẻ đẹp thấm đầy chất lãng mạn. Trên cái nền hiện thực khốc liệt của chiến tranh, chính chất lãng mạn, men say của lí tưởng đã nâng đỡ những chàng vệ quốc, giúp họ “ cứng đá mềm” bước vào cuộc chiến đấu trường kì với quyết tâm: “ra đi, thề cùng sông núi; ra đi, ra đi thà chết chớ lui...”.

Đoàn quân Tây tiến kiêu dũng và hào hoa

Đã có lúc người ta hiểu không thật đúng hai chữ “lãng mạn” với những người này, lãng mạn là viễn vông, xa rời thực tế, u buồn, yếu đuối... Bởi vậy, khi nói đến văn học lãng mạn người ta coi đó là tiếng “thở dài” ngao ngán.

Thực ra, bên cạnh lãng mạn “tiêu cực” còn có cả lãng mạn “tích cực”. Ở bài thơ Tây Tiến “lãng mạn” được hiểu như là sự rung động về những lí tưởng cao đẹp, là khát vọng được sống một cách mạnh mẽ, khác thường. Con người mang trong mình những ước vọng lãng mạn thường là những con người cao cả, ôm ấp chí nhớn, mang hoài bão của “chim bằng bạc gió”.. Chính chất lãng mạn cao cả này đã đem đến cho Tây Tiến một vẻ đẹp riêng khó trộn lẫn với các bài thơ khác cùng thời.

Cảm hứng lãng mạn thường hướng về những vẻ đẹp khác thường. Nhà thơ thường sử dụng một cách rộng rãi thủ pháp đối lập nhằm tạo ra những ấn tượng mạnh, khơi gợi óc tưởng tượng của người đọc. Vẻ đẹp lãng mạn của Tây Tiến, vì thế, trước hết hiện ra qua bức tranh hoang vu, dữ dội, đầy “bí mật” về rừng núi Tây Bắc.

Đó là một bức tranh đầy ấn tượng bởi đèo cao vực thẳm:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Đó là tiếng gầm của thác, những cảnh tượng hoang vu:

Chiều chiều oai linh thác thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Vẻ đẹp của Tây Tiến còn thể hiện ở những đường nét mềm mại đầy chất thơ: ấy là một “chiều sương” bảng lảng, là “ người trên độc mộc”, là nhưng “hồn lau” phất phơ như vẫy gọi ... Sự tương phản giữa nét “ vĩ” và “thơ mộng” làm hiện lên vẻ đẹp chân thực của một miền đất “chơi vơi” trong nỗi nhớ của nhà thơ.

Tác giả đã xây dựng thành công hình ảnh một đoàn quân dũng cảm, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Hiện thực chiến tranh hết sức khóc liệt nhưng trong muôn vàn gian khó, hiểm nguy, người chiến sĩ Tây Tiến hiện lên thật oai hùng:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới.

Trong thực tế người lính Tây Tiến, do khó khăn, gian khổ, ăn uống sinh hoạt thiếu thốn đến nỗi nhiều người da xanh tóc rụng. Nhưng vân đề là đoàn quân ấy “ốm” chứ không thể “yếu”. Ngòi bút lãng mạn của Quang Dũng biến họ thành những trang nam nhi dám ra đi xả thân vì nghĩa lớn. Hơi thơ cổ điển đã góp phần tô đậm thêm vẻ hiên ngang, oai hùng của họ:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc trời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Lính Tây Tiến là những chàng trai sẵn sàng lên đường vì lí tưởng, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc

Họ sống thật cao đẹp mà chết thật vinh quang. Hai chữ áo bào là một cách nói để làm sang, nhằm át đi hiện thực đau buồn của chiến tranh “về đất” là sự hóa thân vào đất nước quê hương, các anh đã trở về với dất Mẹ bước vào cõi bất tử...

Lính Tây Tiến không chỉ kiêu dũng, can trường, sẵn sàng chấp nhận mọi hi sinh, họ còn là “những thi sĩ mà không làm thơ”. Băng bút pháp lãng mạn, Quang Dũng đã hé cho ta thấy thế giới tâm hồn phong phú của những chàng trai ra đi từ đất kinh kỳ. Đó là sự tinh tế khi cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” đó còn là sự đa tình, mộng mơ của họ: “ Kia em xiêm áo tự bao giờ”, “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Cũng như những anh vệ quốc trong Đồng chí của Chính Hữu, lính Tây Tiến là những chàng trai sẵn sàng lên đường vì lí tưởng, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Nhưng vẫn là những người trai của đất kinh kì thanh lịch, họ có những nét riêng không thể lẫn. Đó là cái chất hào hoa, đa tình rất mực. Chính cái hào hoa, đa tình ấy đả giúp họ vươn lên, sống đẹp hơn và cao thượng hơn.

Chất lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến là một phương diện quan trọng tạo nên vẻ đẹp của bài thơ. Trong bao nhiêu gian lao, thiếu thôn, vẻ đẹp lí tưởng, chí lớn của những chàng trai trẻ hiện lên thật rực rỡ. Họ đã đến những nơi biên cương xa xôi kia, dấn thân vào chốn hiểm nguy kia bằng sức mạnh của lí tưởng, của lòng yêu nước vô bờ. Lí tưởng cao đẹp dã khiến họ dám nhìn vào cuộc chiến tàn khóc bằng cái nhìn nhạo nghễ, ngang tàng, dầu dài, hiên ngang. Đây không phải là thứ “iêng hùng” vặt vãnh mà là những nét đẹp cao cả của những anh hùng vệ quốc: “Quyết tử cho Tố quốc quyết sinh!”

Đôi cánh lí tưởng, men say của cảm hứng đã đem đến cho bài thơ một âm hưởng khỏe khoắn tràn đầy niềm tin. Trên nền của cái “bi”, cái “tráng” vẫn hiện lên như là yếu tố chủ đạo, giữa hiện thực đầy thử thách gian lao, chất lãng mạn đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho người lính, khiến họ vẫn vững vàng đi về phía trước: “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. ., không một gian khó nào có thế cản nổi ý chí của họ.

Nếu như với Đồng chí, Chính Hữu đã góp vào thơ ca chống pháp một vẻ đẹp mộc mạc, chân chất thì với Tây tiến của Quang Dũng đã góp vào thơ ca Việt Nam một vẻ đẹp đầy chất lãng mạn.

Ngày nay, khi nhìn về thời “Tây tiến”, quả có lúc ta thấy còn nhiều thô sơ ấu trĩ trong đời sống: nhưng không vì thế mà ta không nhận thấy cái vẻ đẹp lí tưởng, cái tâm hồn lâng mạn của con người - hiện lên thật lộng lẫy. Với cái lộng lẫy ấy, cái chất lãng mạn tràn đầy ấy, thơ ca cất cánh và sống mãi đến hôm nay. Tây Tiến chính là một trường hợp như thế.

Viết bình luận