“Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. (Lỗ Tấn - Cố hương). Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào

Đã bao giờ bạn tự thả hồn mình vào một khoảng lặng bình yên - nơi không có những bụi bặm, những xô bồ của cuộc sống hối hả ngoài kia, để đặt cho mình một câu hỏi về lâu đài bí ẩn mà bấy lâu nay bạn ngỡ rằng mình đã hoàn toàn ngự trị nó - cuộc sống? Câu hỏi tưởng chừng quá giản đơn của những thiên thần bé bỏng lần đầu tiên nhìn thây cuộc đời “Tại sao con đường tồn tại?” dường như lại mang một ẩn số mông lung về tòa lâu đài cuộc sống. Trả lời câu hỏi này, nhà văn Lỗ Tấn đã đem đến một đáp án gợi mở và cũng rất sâu xa khi khẳng định: “Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi...”.

Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường

Đó là những suy nghĩ chợt đến trong tâm hồn nhân vật “tôi”, khép lại tác phẩm Cố hương khi “ngôi nhà cũ xa dần, phong cảnh làng cũ cũng mờ dần”, con đường cũ nhạt dần, xóa nhòa bóng dáng của cuộc sống khốn khổ, trì trệ. Chiếc thuyền đang đưa “tôi” đi trên một con đường mới - con đường chứa đầy niềm tin của “tôi”, của gia đình, của những người dân Trung Hoa đầu thế kỉ XX về một sự đổi thay của xã hội, một tương lai tươi sáng.

“Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường” và “Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Con đường thứ nhất xuất hiện trên thế giới này là gì nếu không phải là những bước chân đầu tiên của tổ tiên loài người khi xuất hiện trên Trái Đất? Con đường sự nghiệp, con đường ước mơ - những con đường biểu tượng ấy là gì nếu không phải được vẽ nên từ những suy nghĩ, hành động, những ước mơ và hoài bão của con người? Hãy thử để ý mà xem, có thể tại giây phút này, hàng chục con người đang cùng đi trên một con đường của Hà Nội, nhưng chỉ một vài phút sau, có thể mỗi người đã rẽ sang một hướng đi khác, vì điểm đến của họ là không giốhg nhau. Cứ như thế, họ đan nhập rồi tách rời, chung mà riêng, và rõ ràng, không ai đi lại trên bước chân của ai cả bởi một lẽ đơn giản: mỗi người đều đi trên con đường của họ, con đường do chính họ tạo ra.

Mỗi con người sinh ra đều có một con đường của riêng mình - con đường mang tên cuộc đời họ. Từ khi còn chập chững những bước chân đầu tiên trong tiếng vỗ tay động viên của cha mẹ, mỗi đứa trẻ đã bắt đầu tạo cho mình một con đường riêng. Đến khi trưởng thành, mỗi con người chúng ta đi là một sự lựa chọn, một quyết định cho tương lai. Đôi khi tôi tự hỏi rằng liệu bến đỗ của cuộc đời Bill Gate có phải là sự thành công hay không nếu ngày xưa cậu bé Bill Gate tiếp tục theo học Đại học Harvard như một đứa con ngoan và từ bỏ những giấc mơ về công nghệ thông tin cậu hàng theo đuổi? Liệu chúng ta có được mỉm cười và rơi nước mắt theo những trang văn hay đến nghẹt thở Thời thơ ấu nếu chú bé A-li-ô-sa (tên gọi thân mật của Mác- xim Go-rơ-ki hồi nhỏ) không quyết tâm theo đuổi đến cùng hoài bão văn chương của mình chỉ vì những tủi nhục, đắng cay của một tuổi thơ bất hạnh và hoàn cảnh sống đầy chật vật? Tưởng tượng như vậy để thấy rằng việc chọn lựa con đường đời của bản thân mỗi người không hề đơn giản. Cuộc sống không phải lãnh địa của riêng bạn, càng không phải là một bức tranh màu hồng chỉ có những ước vọng và đam mê. Một con chim với đôi cánh dang rộng đến mấy trên bầu trời tự do rồi cũng sẽ có lúc gặp khó khăn bởi mưa dông bão tố. Một mầm sống dù mãnh liệt đến đâu cũng có thể lụi tàn bởi mảnh đất cằn cỗi xác xơ. Có thể nói, những tác động của hoàn cảnh sống, của gia đình, của thời đại đều có ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành con đường đời của mỗi cá nhân. Điều đó càng đòi hỏi bản thân mỗi chúng ta phải có nhận thức đúng đắn trong từng hành động, từng quyết định, từng bước đi của cuộc đời mình. Song dù thế nào thì yếu tố quan trọng hơn cả vẫn là tiếng gọi từ trong sâu thẳm con người bạn. Bởi bạn chỉ có thể trở thành người do chính bạn tạo ra, và bạn chỉ có thể đi trên con đường do chính bạn lựa chọn!

Mỗi con người sinh ra đều có một con đường của riêng mình

Không chỉ dừng lại ở vâh đề nhận thức, nhận định của nhà văn Lỗ Tấn còn có một tầng ý nghĩa nữa liên quan đến thói quen của con người trong cuộc sống hằng ngày: “người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Đôi khi trong dòng chảy cuộc đời, con người ta thường quên đi những việc làm rất đỗi bình thường mà chỉ quan tâm đến những điều lớn lao mà không biết rằng chính những hành động tưởng chừng rất nhỏ nhưng lặp đi lặp lại đó sẽ tạo thành một cái bóng đi theo bạn suốt con đường đời, làm nên chính cuộc đời bạn. Theo năm tháng, những thói quen ấy rồi sẽ trở thành chất men say đốì với bạn — thứ men do chính bạn tạo nên.

Con đường của bạn và tôi sẽ bằng phẳng hay mấp mô, phía cuối chân trời kia sẽ là thiên đường hay địa ngục? Câu trả lời nằm trong chính nhận thức và hành động của mỗi chúng ta. Số phận của một người do chính người đó tạo nên.

Cuộc sống này không có ngõ cụt, chỉ có những con đường. Con đường này khép lại sẽ có con đường khác mở ra, giống như mọi dòng chảy đều có mạch ngầm và đại dương phải bắt đầu từ những dòng suối nhỏ. vấn đề là ở chỗ chúng ta sẽ chọn con đường nào và chính con đường đó sẽ dẫn ta đến đâu.

Cuộc sống này thật là thú vị! Có những điều quá đỗi giản dị, thân quen đến mức nhiều khi ta không để ý như con đường lại mang trong nó những vẻ đẹp tiềm ẩn của thế giới. Mỗi chúng ta đều đang đi trên con đường riêng của mình. Hãy vững bước trên con đường mà bạn lựa chọn bởi “không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do cuộc sống viết nên” (An-đéc-xen)!

Viết bình luận