Hình ảnh người mẹ qua ca dao

Nói đến người mẹ là nói đến nguồn suối mát của tình thương. Mẹ là tiếng gọi thiêng liêng từ muôn thuở và muôn nơi của muôn triệu trái tim con người. Mẹ là ánh nắng ban mai rọi vào căn nhà ấm áp. Mẹ là dòng nước mát chảy tháng năm. Mẹ là những bông hoa tươi hồng rực rỡ. Mẹ là ánh trăng hiền dịu đêm rằm.

Ai trong đời cũng có một người mẹ và người mẹ nào mà chẳng thương con. Lòng thương con của người mẹ thì thật là vô bờ. Ôi! Hạnh phúc thay cho những ai còn mẹ và bất hạnh thay cho những ai mất mẹ.

Lòng thương con của người mẹ thì thật là vô bờ

Mẹ đi vào đời chúng ta bằng những lời ru ngọt hiện lên môi, bằng những nâng niu, chiều chuộng, bằng những hi sinh, nhẫn nhục và lo lắng ở đời... để cho chúng ta khôn lớn, nên người. Công ơn của mẹ có thể ví như trời, như biển, như suối nguồn không bao giờ cạn:

Ơn cha nặng lắm ai ơi

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

Hay:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Lòng thương con đầy ân tình, mật ngọt của người mẹ đối với con qua đôi mắt của người thi sĩ bình dân được thể hiện bằng những hình ảnh thật cụ thể, quen thuộc, nhưng rất sinh động và đậm đà màu sắc dân tộc:

Lòng mẹ như chuối ba hương

Như xôi nếp mật như đường mía lau.

Ai đã từng ăn chuối ba hương, ăn xôi nếp mật, ăn đường mía lau thì mới thấy hết được cái thơm, cái ngon, cái ngọt ngào ý vị của nó và nhất là mới thấy hết được sự so sánh thật độc đáo này.

Người mẹ nuôi con đâu có kể tháng, kể ngày, mà dẫu có kể đi chăng nữa thì cũng chẳng bao giờ kể hết, như chim trời nào ai đếm hết được lông:

Chim trời ai dễ đếm long

Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày.

Người mẹ nuôi con bằng tất cả lòng vị tha của mình không bao giờ màng đến sự báo đáp của con cái sau này:

Mẹ nuôi con bấy lâu rồi

Nuôi con khôn lớn thành người mới nghe.

Mẹ nhìn thấy một nụ cười nở trên môi, thấy một lời nói bi bô ở miệng con, thấy con ăn ngon, ngủ yên... là lòng mẹ vui sướng và tràn đầy hạnh phúc. Người mẹ quí con hơn quí vàng:

Có vàng, vàng chẳng hay phô

Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe.

Những đêm trường trở gió con đau, một tiếng khóc, một cái giật mình, một tiếng ú ớ, một hơi thở không đều của con cũng đủ làm cho mẹ đau đớn, xốn xang, băn khoăn và lo lắng.

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn.

Người mẹ rất ý thức về vai trò giáo dục của mình đối với con cái. Mẹ luôn luôn răn dạy con cái những điều hay lẽ phải, sống cho phù hợp với đạo lí ở đời:

Con ơi mẹ bảo câu này

Học buôn, học bán cho tày người ta

Con đừng học thói chua ngoa

Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.

Người mẹ cũng không quên răn dạy con từ cách ăn, cách mặc phải cho kín đáo, đừng có hở hang loã lồ, mất nết:

Cá lên khỏi nước cá khô

Làm thân con gái loã lồ ai khen.

Và mẹ lo cho con từng bước đi, dáng đứng nữa:

Ra đi mẹ có dặn dò

Sông sâu đừng lội, đò đầy đừng qua.

Nuôi con càng lớn, người mẹ càng lo

Nuôi con càng lớn, người mẹ càng lo, lo cho tương lai của con, lo cho sự nghiệp của con, lo ăn, lo mặc, lo học, lo hành và lo cho việc dựng vợ, gả chồng cho con cái nữa. Nỗi lo thì trăm mối mà khem nỗi người mẹ lại nghèo cho nên:

Miệng ru mắt nhỏ hai hàng

Nuôi con khôn lớn mẹ càng thêm lo.

Đọc hai câu này mỗi một chúng ta đều cảm thấy xót xa, đau đớn và thương yêu, kính trọng tấm lòng của người mẹ ấy biết bao!

Người mẹ biết rằng nuôi con tuy rất cực, rất khổ nhưng vẫn thấy con là niềm vui, là nguồn an ủi, là niềm hạnh phúc vô biên của mẹ. Tình thương của mẹ cho con là tất cả. Lúc chưa chồng, chưa con thì người mẹ có chú tâm đến việc trang điểm, chưng diện nhưng khi có chồng con rồi thì con là duy nhất:

Chửa chồng nón thúng, quai thao

Chồng rồi nón rách quai nào thì quai

Chửa chồng yếm thắm, đeo hoa

Chồng rồi hai vú bỏ ra tành dành.

Người mẹ hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả để nuôi con. Hình ảnh người mẹ nghèo nhưng giàu lòng thương con đó được nhân dân ta ví như hình ảnh: “Con cò lặn lội bờ sông” nay thác, mai ghềnh chịu đựng tất cả sự hiểm nguy, cơ cực vì con:

Cái cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi, ông với tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước măng

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con...

Nuôi con cực khổ là thế, nhưng người mẹ Việt Nam nào mà chẳng muốn có con, người phụ nữ Việt Nam đã nói rằng:

Có chồng mà chẳng có con

Khác gì hoa nở trên non một mình...

Câu ca dao này rất đúng với tâm trạng của người phụ nữ: Có chồng mà chẳng có con. Có chồng mà chẳng có con quả là một điều bất hạnh lớn cho người phụ nữ. Cuộc đời người phụ nữ sẽ cô đơn buồn chán và thật trống vắng, chẳng khác nào như một bông hoa nở lẻ loi trên rừng xanh núi thẳm.

Càng cao càng đẹp, người mẹ Việt Nam không những chỉ yêu chồng và yêu con mà còn có một tấm lòng nồng nàn yêu nước. Yêu nước gắn liền với tình thương yêu giai cấp và lòng căm thù bọn cướp nước và bọn áp bức bóc lột. Người mẹ đã dạy cho con biết đâu là kẻ thù:

Con ơi mẹ bảo câu này

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.

Người mẹ đã bằng lòng những hành động cụ thể, dù là hành động đơn giản nhất để góp công, góp sức vào việc chống quân thù:

Con ơi! Con ngủ cho lành

Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi

Muốn coi lên núi mà coi

Coi bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng.

Hình ảnh những bà mẹ Việt Nam cao đẹp ấy được phát huy cao độ làm nổi bật chủ nghĩa yêu nước anh hùng cách mạng Việt Nam sau này.

Hình ảnh những bà mẹ Việt Nam cao đẹp

Những bà mẹ ấy đã trở thành những tấm gương soi sáng cho thời đại và nghiễm nhiên đi vào thơ văn cách mạng Việt Nam với muôn hình muôn vẻ.

Đó là hình ảnh của bà má Hậu Giang, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt, Bà Bủ, Bà Bầm... trong thơ Tố Hữu, bà mẹ đi đấu tranh trong thơ Lê Anh Xuân, Bà mẹ đào hầm trong thơ Dương Hương Li, Mẹ Sáu, Chị Sứ trong Hòn đất của Anh Đức, Chị út Tịch trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi... và còn biết bao bà mẹ anh hùng khác không bút mực nào kể hết.

Tình yêu đối với con thật là bao la sâu nặng thật là cao cả và đẹp đẽ lạ thường! Cho nên mỗi chúng ta ai vào đời cũng mang những hình ảnh thân thương của người mẹ.

Người nông dân chúng ta họ có một tình cảm sôi nổi, bộc trực và bằng những hành động cụ thể, cảm động. Họ có thể nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn đói, nhịn khát để nuôi dưỡng mẹ già.

Đói lòng ăn đọt chà là

Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.

Có được một miếng ngon vật lạ họ cũng để dành cho mẹ.

Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi

Gạo lúa ghe An Cựu mà nuôi mẹ già.

Bởi họ thấy rằng nếu mất cha, mất mẹ là mất đi một thứ tình yêu thiêng liêng cao quí và cuộc đời họ sẽ trống vắng và rối rắm biết bao.

Có cha có mẹ thì hơn

Không cha, không mẹ như đờn đứt dây

Đờn đứt dây, đờn còn kẻ nối

Cha mẹ chết rồi, nó rối như tơ...

Nửa đêm đêm họ cầu nguyện cho cha mẹ được sống đời với con cái để mà giữ mãi nguồn hạnh phúc ấy:

Mỗi đềm mỗi thắp đèn trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Họ hiểu một cách sâu sắc rằng: cha mẹ rất cực, rất khổ vì con. Cực khổ vì con nên đầu xanh sớm bạc:

Cây khô chưa dễ mọc chồi

Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta

Non xanh bao tuổi mà già

Bởi vì sương tuyết hoá ra bạc đầu.

Nhân dân ta coi việc phụng dưỡng mẹ cha là một trách nhiệm, một bổn phận của một con người con có hiếu:

Mẹ già ở túp lều tranh

Sớm thăm, tối viếng mới đành dụ con.

Đó là một cách tu hơn bất cứ một cách tu nào khác, vì nó rất cụ thể, rất hợp với đạo lí ở đời:

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

Họ phê phán rất nhẹ nhàng, nhưng cũng rất quyết liệt đối với những ai vô tình với mẹ, mải vui chơi mà quen đi nỗi cơ cực của người:

Mẹ già hết gạo treo niêu

Mà anh khăn đỏ, khăn điều vắt vai.

Hoặc đó là những con người khi cha mẹ còn sống thì không lo phụng dưỡng mà khi cha mẹ chết rồi thì lại làm mâm cao cỗ đầy để cúng tế:

Sống thi con chẳng cho ăn

Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi.

Nhân dân ta luôn luôn nhắc nhở nhau hãy gần gũi và chăm sóc mẹ già từ chiếc gối, chén trà:

Đi đâu mà bỏ mẹ già

Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai nâng.

Mẹ già ở túp lều tranh, Sớm thăm, tối viếng mới đành dụ con

Chúng ta hãy nghe một anh con trai chưa vợ nói với một cô gái hàng xóm chưa chồng bằng những lời thật hóm hỉnh, nhưng cũng thật nặng tình, nặng nghĩa với cha mẹ:

Con cá đối nằm trong cối đá

Con chim đa đa đậu nhánh đa đa

Anh bảo êm có chồng gần đừng có chồng xa

Mai sau cha yếu, mẹ già

Chén cơm, đôi đũa kỉ trà ai nâng?

Điều đó cũng có nghĩa là: Thôi thì em hãy lấy anh để được gần gũi mẹ cha mà phụng dưỡng. Người con trai ấy lại vẽ ra cho người con gái thấy một cuộc sống lao động chân thật là chân chính, tuy khổ cực nhưng thật đầm ấm, tươi vui.

Em thời đi cấy ruộng bông

Anh đi cắt lúa để chung một nhà

Đem về phụng dưỡng mẹ cha

Muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền.

Và người con gái ấy cũng đã trả lời người con trai một cách rất tự nhiên, rất tình cảm nhưng không sỗ sàng. Tình yêu của họ gắn liền với tình yêu mẹ, yêu cha:

Ai về đợi với em cùng

Thân em nay Bắc, mai Đông một mình

Chi bằng lúa tốt đồng xanh

Vui cha, vui mẹ, vui anh em nhà.

Họ yêu nhau, họ lấy được nhau nhưng không bao giờ quên công ơn của mẹ:

Lục bình chừng trước tam sơn

Đôi ta quì xuống dội ơn mẫu từ.

Dẫu duyên phận có lỡ làng, họ không lấy được nhau đi nữa, người con trai vẫn giữ một thái độ tôn kính với cha mẹ của người con gái:

Tới đây thủ lễ nghiêng mình

Dẫu không đặng vợ cũng tình mẹ cha.

Khi đã nên vợ, nên chồng và có con cái nhân dân ta mới thấy hết được tấm lòng và công ơn trời biển của mẹ:

Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.

Công lao mẫu từ thì như nước, như non, như gương Hồ Thuỷ, như hòn Thái Sơn có bao giờ trả hết được:

Bao giờ cá lí hoá long

Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.

Cá lí hoá long là điều không bao giờ có được, cũng có nghĩa là đền ơn cha mẹ có mấy ai vẹn toàn.

Sông giữa cuộc đời với trăm nỗi lo âu, giữa những bất công ngang trái của xã hội cũ, nhân dân ta đã phải vất vả với những miếng cơm, manh áo trong cuộc sống đời thường, có khi do hoàn cảnh họ đã phải xa cha, xa mẹ. Mỗi lần xa cha, xa mẹ là họ cảm thấy bất an, cảm thấy buồn chán, ăn không ngon, ngủ không yên và thấy lòng bực bội vô cùng:

Gió đưa cây cửu lí hương

Xa cha, xa mẹ thất thường bữa ăn

Sầu riêng, riêng chẳng muốn ăn

Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm.

Và càng nhớ đến mẹ là lòng họ càng đau đớn, càng xót xa, nhất là những buổi chiều về, khi ánh dương sắp tắt thì nỗi nhớ ấy lại càng ray rứt và càng xót xa:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Một tiếng chim vịt kêu chiều cũng gợi lên trong lòng họ một nỗi nhớ mênh mang:

Chiều chiều chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.

Nhất là khi người mẹ qua đời thì nỗi đau ấy lại càng đau thêm. Nó cứ dằn vặt, lan toả quanh quất trong tâm hồn họ, tưởng như không bao giờ dứt được:

Chiều chiều ngó ngược, ngó xuôi

Ngó không thấy mẹ ngùi ngùi nhớ thương.

Họ luôn luôn miệt mài trong công việc, nhưng những công việc hàng ngày vẫn không khoả lấp được niềm nhớ thương, đau đớn ấy:

Chiều chiều xách giỏ hái rau

Ngó lên bà mẹ ruột đau như dần.

Rồi bao hình ảnh thân thương của người mẹ ngày xưa lại hiện về trong kí ức. Mỗi một hình ảnh đều mang con tim và tấm lòng của mẹ. Đồng thời mỗi hình ảnh cũng là một nỗi xót xa khôn cùng của mẹ.

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm húng, lưỡi lừa cả xương.

Viết đến đây, tôi muốn cùng với những ai mất mẹ, chúng ta hãy đốt lên một nén hương để tưởng nhớ đến hình ảnh những người mẹ đã mất năm xưa để gọi là chút tình, chút lòng tôn kính của chúng ta đối với mẹ. Và tôi cùng xin chúc cho những ai đang còn mẹ hãy sống cho thật trọn vẹn trong nguồn hạnh phúc vô biên ấy.

Viết bình luận