Một chân dung người lính trong "Tây Tiến" của Quang Dũng
Thơ ca Việt Nam những năm tháng chống Pháp, có nhiều bài viết về những người lính ái quốc. Cảm hứng thi ca về những con người thời đại ấy luôn vẫy gọi các nhà thơ cách mạng.
Nhà thơ - người chiến sĩ của xứ Đoài, Quang Dũng đã góp một giọng điệu riêng cho thơ kháng chiến cũng bởi sự khắc họa tài hoa và ấn tượng chân dung những người lính cách mạng - những chàng trai Thăng Long - Hà Nội của một thời trận mạc.
Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng được viết cuối năm 1948, khi nhà thơ tạm thời xa binh đoàn Tây Tiến thân yêu của mình. Diệu vợi và thương nhớ vọng lên từ hai câu thơ đầu:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.
Thế rồi kỉ niệm của những tháng năm ở rừng chợt thức dậy da diết trong nỗi nhớ đồng đội. Và, hiện thực gian lao của đời lính cách mạng bỗng xôn xao hiện về trong hàng loạt những hình ảnh giàu chất tạo hình và cũng đầy gợi cảm. Theo sát bước chân hành quân của những người chiến binh Tây Tiến, giữa một địa bàn rộng lớn, từ Châu Mai, Châu Mộc thuộc vùng núi rừng Tây Bắc, qua tận sầm Nưa (Lào), rồi lại vòng về miền tây tỉnh Thanh, Quang Dũng như đang sống lại trong tâm trí bao hình ảnh của đồng đội năm nào:
Sài khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Không phải chỉ nhận biết nỗi gian truân, vất vả của những người chiến binh giữa miền rừng núi xa xôi, lạ lẫm mà nhà thơ như đang cho ta chứng kiến tận mắt con đường đi gập ghềnh, hiểm trở. Không gian hành quân như bất chợt hiện ra, bẻ gập theo cả chiều cao và thăm thẳm theo chiều sâu với những "dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm", rồi lại "ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống".
Nhạc và họa, hòa hợp và cộng hưởng trong những câu thơ của Quang Dũng. Cái khổ, nỗi gian truân của người chiến binh cách mạng còn đột hiện, khi nhà thơ -"người chiến sĩ của binh đoàn Tây Tiến nhói đau trước những sự thật mất mát của đồng đội. Cả đến chốn rừng thẳm oai linh như cũng đang bủa vây, rình rập những chàng trai Hà Thành quá ngỡ ngàng giữa chốn sơn lâm. Đặt sóng đôi hai hình ảnh - một lặng thầm "Anh bạn dãi dầu không bước nữa / Gục lên súng mũ bỏ quên đời" và một gầm thét "Chiểu chiều oai linh thác gầm thét / Đèm đêm Mường Hịch cọp trêu người", nhà thơ đang làm đồng hiện trước ta sự thật cay đắng của mất mát và cả nỗi xót đau, niềm cảm thương đồng đội vô hạn.
Chân thực và tài hoa, hiện thực và lãng mạn đã tạo cho thơ Quang Dũng một sức hấp dẫn riêng từ bút pháp tới giọng điệu. Song, đọc thơ ông - những tâm hồn đa tình, nhạy cảm còn nhận ra - Quang Dũng vẫn nghiêng về cực xúc cảm lãng mạn. Cái chất tài hoa, tài tử khiến nhà thơ vừa diễn tả được điệu hồn của mình vừa bắt đúng sóng tâm tình của những người đồng đội. Và, xúc cảm lãng mạn ấy tỏa ra tựa ống kính vạn hoa. Đó là nụ cười hóm hỉnh, tếu táo rất lính trong hình ảnh mà sự liên tưởng mở ra độc đáo đến sững sờ: "Heo hút cồn mây súng ngửi trời". Đó là cái chất hồn đa cảm, đa tình thật lạ trong "Mường Lát hoa về trong đêm hơi". Ám ảnh làm sao hai tiếng "hoa về". Đấy là những ngọn đuốc hoa của những người dân vùng biên giới đi đón bộ đội mình giữa rừng đêm sương khuya? Đấy là những đóa hoa rừng rung rinh đón chào hay lại chính là những Đóa - Hoa - Người, những cô gái trẻ vùng biên cương lặng lẽ và hân hoan đón những chàng lính trẻ về với rừng, với bản? Hình như Quang Dũng đã nói được tất cả. Bao hàm và ôm chứa tất cả.
Xúc cảm lãng mạn còn đọng kết trong cả chiều sâu tâm tư của những người lính chiến xa quê. Những con người dũng mãnh, dấn thân cho sự sinh ton của đất nước mình, dân tộc mình lại luôn thường trực trong trái tim niềm thiết tha hướng về sự sống. Ngay cả khi họ đang đối mặt với gian lao thì ảnh hình sự sống bình yên như vẫn chập chờn, lay gọi trong tâm trí người lính xa quê:
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Xa quê, xa xứ khiến những chàng lính trẻ luôn dấy lên những khát khao lặng thầm mà da diết về làng quê, về cảnh quê và cả tình quê nữa:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Lại một thành công trong nghệ thuật ngôn từ của Quang Dũng. Nhà thơ đã tạo nên độ nhập nhòa của từ chữ. Bởi hai tiếng "mùa em" là mùa lúa nếp thơm đất Mai Châu hay cũng chính là mùa rạo rực yêu thương của tình nghĩa quân dân mà những chàng lính trẻ tha thiết tìm về địa chỉ của lòng mình.
Kỉ niệm của những tháng năm ở rừng lại được lọc qua hồn thơ đa cảm, đa tình của Quang Dũng, khiến nỗi nhớ "Tây Tiến" như còn đựợc khoác lên vẻ đẹp vừa tinh khôi vừa ảo huyền, thoắt hiện, thoắt ẩn. Ay là khi nhà thơ nhớ về những buổi sinh hoạt của đời lính biên cương với bao xúc động trước vẻ đẹp của con người và thiên nhiên nơi đây:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man diệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Với Tây Tiến, tứ thơ của Quang Dũng một mặt vừa tỏa rộng theo chiều phản ánh và biểu hiện, tạo nên độ đầy của hiện thực và cả nỗi vơi đầy trong niềm nhớ; một mặt khác, người nghệ sĩ tài hoa Quang Dũng vẫn tạo nên mạch nhất quán, tập trung của tứ thơ toàn bài. Vì thế từ nỗi "nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi", nhà thơ lại quay về với nhân vật trữ tình - hình ảnh người chiến binh cách mạng. Nhớ Tây Tiến, lại càng nhớ hình ảnh đoàn binh:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Với đoạn thơ trên, nhà thơ đã khắc họa đầy đủ và đích thực chân dung tinh thần của người lính. Nhà thơ đã bắt đúng chất, đúng hồn những người lính cách mạng, hơn nữa lại là những chàng trai của đất Thăng Long - Hà Nội, rất kiêu dũng, dữ dội từ diện mạo tới thần thái:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Nhưng rất mộng mơ, đa tình trong khát khao riêng tư:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Và rất lặng thầm, tự nguyện trong dấn thân, hi sinh:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Những người lính trẻ giàu lòng yêu nước đã dám hi sinh cả tuổi thanh xuân, "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Cũng chính vì thế, khi họ trở về với đất, trong niềm tiếc thương và thành kính của những người đồng đội, còn có tiếng gầm lên, dội vang tiễn biệt của dòng sông Mã kì vĩ, oai linh:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Những người lính, những con người chiến đấu và hi sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ấy, chỉ có thể được đáp lại tương xứng bằng thứ ngôn ngữ vang vọng tới vĩnh hằng của đất trời, núi sông đất Việt. Đấy là tiếng khóc mà cũng là lời ca đi cùng năm tháng...
Viết bình luận