Một trong những sáng tạo đặc sắc của Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt là đã xây dựng được tình huống độc đáo và hấp dẫn. Hãy phân tích truyện Vợ nhặt để chứng minh cho ý kiến đó

1. Đối với nghệ thuật truyện ngắn, tạo được một tình huống độc đáo, mới lạ để làm nổi bật chủ đề, nhân vật, tâm trạng là một điều có ý nghĩa then chốt. Bởi vì tình huống trong truyện cũng có giá trị như cấu tứ ở trong thơ. Đó là cách tổ chức các tình tiết chi tiết biến cố xoay quanh một tình thế, một nghịch cảnh làm nổi bật các quan hệ và làm kết cấu thêm chặt chẽ. Vợ nhặt của Kim Lân đã tạo được sức hấp dẫn với độc giả bằng một tình huống như vậy.

2. Cái độc đáo hấp dẫn của tình huống mà Kim Lân tạo cho Vợ nhặt là một anh dân nghèo xấu xí ế vợ lại "nhặt" được vợ một cách dê dàng ngay giữa năm đói khủng khiếp nhất chỉ bằng mấy bát bánh đúc riêu cua, một vài câu đùa ỡm ờ mà có vợ theo về. Một tình huống như vậy vừa rất éo le, vừa lạ, vừa khó tin, nhưng lại rất thật và gợi lên nhiều ý nghĩa sâu xa về con người và số phận con người.

Vợ nhặt

2.1 Một tình huống oái oăm, éo le:

Tràng đã nhặt được vợ một cách dễ dàng giữa năm đói khủng khiếp. Sự việc này không biết là nên vui hay nên buồn? Mừng hay lo? May hay rủi? Dại hay khôn...?

Nghèo khổ, xấu xí, ế ẩm và bỗng nhiên có vợ đúng là đáng vui đáng mừng. Nhưng giữa nạn đói khủng khiếp đang đe dọa mọi người, nuôi sống một thân mình đã khó. Tràng phải nuôi thêm mẹ già nay lại đèo bòng thêm một người giữa đường giữa chợ, càng khó hơn. Biết lấy gì nuôi nhau? Tình huống ấy khiến bà mẹ lo lắng, những người hàng xóm lo lắng. Người "vợ nhặt" thì cùng đường nên cũng liều nhắm mắt đưa chân, nghĩa là cũng lo. Còn bản thân Tràng, anh chàng cũng thấy "chợn". Lại nghĩ: "Thóc gạo thế này đến cái thân mình chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bồng"? Trong hoàn cảnh ấy, hỏi không lo sao được.

Nhưng nếu không phải vào năm đói chắc chẳng ai thèm lấy Tràng. Tràng "nhặt" được vợ giữa đường nên không cần cheo, cưới; năm đói thế nào cũng xong, có như vậy Tràng mới lấy được vợ và như thế là may. Lấy vợ năm đói, cả nhà lềnh lãng mỗi người một lưng cháo rồi thì phải ăn cám trong lặng câm ngượng ngập. Đó là rủi. Rủi cho cô dâu mà cũng là rủi cho cả nhà chồng. Thật là thương cảm những ngày hạnh phúc đầu tiên của đôi vợ chồng mới diễn ra trong sự xáo trộn buồn vui mừng tủi lo sợ, trong một không khí ảm đạm thê lương. Thỉnh thoảng lại "có tiếng ai hờ khóc ngoài xóm lọt vào tỉ tê lúc to lúc nhỏ". Tóm lại, cái oái oăm éo le ở đây là con người được đặt vào một hoàn cảnh mà không biết là nên vui hay nên buồn, nên mừng hay nên lo, là may hay là rủi.

2.2 Một tình huống lạ khó tin nhưng rất thật:

Chuyện xảy ra đúng là lạ và khó tin. Thế nên ai cũng cảm thấy ngạc nhiên. Cả cái xóm ngụ cư Tràng ở, già trẻ lớn bé đều ngạc nhiên. Người ta ngạc nhiên là phải. Ngạc nhiên không chỉ vì người như Tràng mà cũng lấy được vợ mà còn vì ai lại dẫn thêm một miếng ăn về nhà giữa ngày đói gieo giắt như thế.

Bà mẹ của Tràng có lẽ là ngạc nhiên hơn cả. Nghe người "vợ nhặt" chào u, người ấy lại ngồi trên cái chõng con trai bà, bà không tin vào mắt mình, tai mình, cứ tưởng là mắt mình bị "nhoèn", nhìn gà hóa cuốc. Nhưng việc con trai của bà "nhặt" được vợ là có thật. Điều đó thật lạ đời.

Người ngoài cuộc, ngạc nhiên đã đành, chính người trong cuộc như Tràng cũng ngạc nhiên không kém. Anh ta lâm vào một tình trạng tâm lí ngạc nhiên khó tả. Chính Tràng tự thú nhận: "Nhìn thị... ngồi ngay giữa nhà đến bây giờ hắn vẫn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư?". Như vậy cái độc đáo hấp dẫn ở đây chính là ở cái cảnh ngộ éo le, khó tin, đáng ngạc nhiên song lại có thật.

Cuộc sống khó khăn

2.3 Ý nghĩa giá trị của tình huống "Nhặt vợ":

a) Đặt nhân vật người phụ nữ và nhân vật Tràng vào tình huống ấy, mới thấy cái bi đát nhếch nhác, rẻ rúng, liều lĩnh, đáng thương của con người.

Hoàn cảnh mất nước, đói kém, mất mùa con người không báng con vật, có thể "nhặt" giữa đường giữa chợ như cái rơm cái rác... là chuyện rất thực. Tình huống này tự nó có ý nghĩa tố cáo phê phán xã hội thực dân phong kiến và bọn phát xít Nhật đã đẩy người nông dân vào nạn đói khủng khiếp mà đến "năm hai ngàn", con cháu còn phải kể cho nhau nghe.

Tình huống cũng bộc lộ một ý nghĩa nhân bản cảm động, sâu sắc của Kim Lân. Thì ra trong bất kì tình huống nào, ngay cả khi sống giữa sự bao vây của cái chết, con người vẫn không hoàn toàn tuyệt vọng. Những con người như Tràng, vợ Tràng vẫn khao khát tình thương, tổ ấm gia đình, vẫn tin và hi vọng vào tương lai.

b) Cũng đặt hình tượng người mẹ vào tình huống của truyện, Kim Lân đã thể hiện được một tấm lòng, một tình thương con của bà mẹ nghèo thật cảm động. Tình thương ấy thật xót xa, thật tội nghiệp và cũng thật chứa chan mãnh liệt!

3. Vợ nhặt là một tác phẩm độc đáo đặc sắc của nhà văn Kim Lân. Người ta, ai đã đọc Vợ nhặt dù chỉ một lần, thì cũng không thể nào quên được cái tình huống "nhặt vợ" lạ kì ấy. Thành công đó khiến truyện ngắn của Kim Lân sống được với thời gian. Cái nạn đói năm 1945 hơn 2 triệu người chết đói ấy, rồi một lúc nào đó có thể lùi vào dĩ vãng. Nhưng câu chuyện "nhặt vợ" của anh cu Tràng thì vẫn sống cùng tâm hồn, cùng nỗi đau và niềm tin của người Việt Nam ta trên hành trình đi tới hạnh phúc, ấm no.

Viết bình luận