Phân tích cảm hứng lãng mạn và tính chất bi tráng ở bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Phân tích đề

- Đề yêu cầu phân tích về một khía cạnh nội dung của bài thơ Tây Tiến: cảm hứng lãng mạn và tính chất bi tráng.

- Để đáp ứng yêu cầu của đề, người viết cần hiểu rõ các khái niệm: cảm hứng lãng mạn, bi tráng. Mặc dù bản thân chất “lãng mạn” luôn bao hàm chất “bi tráng”, nhưng cả hai không phải là một. Nói một cách dễ hiểu, ở bài Tây Tiến, tính chất bi tráng xuất phát từ cảm hứng lãng mạn của tác giả, là sự thể hiện ở mức cao nhất và đẹp nhất của cảm hứng đó.

Gợi ý làm bài

1. Cảm hứng lãng mạn:

- Lãng mạn là cảm hứng chủ đạo của nhà thơ Quang Dũng ở bài thơ Tây Tiến. Chính nguồn cảm hứng ấy đã biến thành nguồn cảm xúc tuôn trào, thôi thúc nhà thơ sáng tác. Do đó, bài thơ viết về Tây Bắc và những người lính Tây Tiến nhưng lại là một tác phẩm trữ tình, một cái tôi cá nhân đầy xúc cảm, với nỗi nhớ khi đong đầy, tràn ngập, khi bâng khuâng, luyến tiếc.

Thiên nhiên Tây Bắc với núi đồi trùng điệp

- Cảm hứng lãng mạn thể hiện ở cái nhìn đối với thiên nhiên:

+ Thiên nhiên Tây Bắc với núi đồi trùng điệp, hiểm trở, nhưng với con mắt của những người lính Tây Tiến, những cảnh tượng ấy lại có vẻ đẹp tươi mới, hấp dẫn của sự khám phá, kiếm tìm.

+ Hơn nữa, người lính Tây Tiến còn tìm thấy ở đó những cảnh thơ mộng.

- Cảm hứng lãng mạn thể hiện ở chân dung người lính lãng mạn, hào hoa:

+ Xem thường nguy nan, xem thường bệnh tật, cái chết.

+ Âp ủ nhiều ước mơ tươi đẹp.

- Cảm hứng lãng mạn thể hiện ở giọng điệu (khi mềm mại, thiết tha, lúc hùng tráng, khỏe mạnh), ở thủ pháp tương phản (hình ảnh), từ ngữ ước lệ... Đây là những hình thức nghệ thuật rất đặc thù của thơ ca lãng mạn nói chung.

2. Tính chất bì tráng:

Tính chất bi tráng luôn bao hàm cả hai yếu “bi” và “tráng”, đau thương và cao cả. Cả hai yêu tố này gắn bó, cái bi làm nền, tôn vinh sự hùng tráng, cao cả. Tính chất bi tráng ở bài thơ Tây Tiến thể hiện ở:

- Sự miêu tả trực tiếp, không né tránh những khắc nghiệt, nguy nan luôn rình rập người lính Tây Tiến trên những bước đường hành quân (địa hình hiểm trở, thú rừng hung dữ, bệnh tật...). Đặc biệt, Quang Dũng đã không ngần ngại khi nói đến cái chết, điều mà văn học kháng chiến trong thời gian dài thường né tránh:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

...

Áo bào thay chiếu anh về đất

Tượng đài bất tử về người lính Tây Tiến

- Nhưng khi miêu tả những cảnh đau thương, kể cả cái chết, lời thơ Quang Dũng không làm mềm lòng người đọc. Trái lại, tính chất hùng tráng đã bật lên từ cái bi, bởi đó là cái chết vì lý tưởng cao cả (Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh), cái chết đã hóa thành bất tử (Áo bào thay chiếu anh về đất).

- Góp phần tạo nên vẻ đẹp bi tráng ở Tây Tiến là những nét đặc sắc về nghệ thuật. Hàng loạt từ Hán Việt (biên giới, biên cương, viễn xứ, chiến trường...), âm thanh gầm thét của sông Mã đã góp phần thiêng liêng hóa cái chết của người lính, tạo thành một sự tiễn đưa mang tính chất nghi lễ. Cần chú ý là khi nói đến cái chết, nhưng Quang Dũng không dùng động từ đó. Cái chết đối với người lính Tây Tiến là một sự dâng hiến và khi đã dâng hiến thì họ trở về với đất nước, ở trong sự chở che, đùm đọc của Tổ quốc.

3. Đánh giá:

- Cảm hứng lãng mạn là ngọn nguồn thôi thúc sáng tác đối với Quang Dũng, cũng là vẻ đẹp riêng có ở Tây Tiến.

- Tính chất bi tráng là sự thế hiện cao nhất của nguồn cảm hứng đó. Chính tính chất bi tráng ấy đã tạo nên tượng đài bất tử về người lính Tây Tiến

Viết bình luận