Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng Ph. Gar - xi - a Lor - ca được thể hiện qua bài thơ Đàn ghi ta của Lor - ca của Thanh Thảo

Thanh Thảo là một cây bút luôn nỗ lực để cách tân thơ, kiếm tìm những cách biểu đạt mới. Một mặt, ông tìm kiếm chất người ở những nhân cách thanh cao, bất khuất, những tâm hồn phóng khoáng, yêu tự do. Mặt khác, ông không ngừng tìm tòi thể nghiệm để làm mới hình thức biểu đạt của thơ, ảnh hưởng từ những trường phái thơ tượng trưng, siêu thực trong văn học phương Tây. Tiêu biểu cho khuynh hướng sáng tác đó là bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca, được rút từ tập Khối vuông ru-bích (1985). Bài thơ lấy cảm hứng trực tiếp từ những phút đầy bi phẫn nhất trong cuộc đời Gar-xi-a Lor-ca: Lor-ca là một thiên tài - nhà thơ, nhạc sĩ, nhà viết kịch, nhà hoạt động sân khấu người Tây Ban Nha - đại diện cho tinh thần tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật của thế ki XX. ông bị phát xít Phrăng-cô giết trong thời gian đầu của cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Cái chết của Lor-ca không chỉ gây chấn động lớn ở Tây Ban Nha mà còn với toàn thế giới, không chỉ lúc bấy giờ mà còn âm vang tới nhiều năm sau. Trong bài thơ này, Thanh Thảo đã tạo dựng được hình tượng bi tráng về người nghệ sĩ chân chính trong môi trường bạo lực thống trị. Có thề nói, bài thơ đã làm sống lại huyền thoại về Gar-xi-a Lor-ca - một con người, một nghệ sĩ, một chiến sĩ của một xứ sở và về chính âm nhạc cùng thi ca.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã vẽ nên hình tượng một nhà nghệ sĩ Lor-ca với cây đàn mà tiếng đàn tan ra và long lanh như bọt nước:

Những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

Chất người ở những nhân cách thanh cao

Lor-ca được miêu tả trên cái nền rộng lớn của văn hóa Tây Ban Nha mà biểu tượng là áo choàng đỏ. Nói đến đất nước Tây Ban Nha là người ta nghĩ ngay đến đấu trường với những đấu sĩ trong tấm áo choàng, ở đây, Thanh Thảo nói đến sắc màu đỏ gắt - màu đỏ tạo một ấn tượng thật mạnh mẽ. Lor-ca với cây đàn, tiếng đàn như hòa vào đất nước Tây Ban Nha, không khí đấu trường tạo ra những gì là dữ dội, căng thẳng, không khoan nhượng, một mất một còn. Tác giả dường như đã tạo ra sự tương phản đối lập quyết liệt giữa khát vọng tự do dân chủ với bọn độc tài phát xít Phrăng-cô; giữa những cách tân nghệ thuật và những gì là lối thể hiện khuôn sáo, lạc hậu, già nua.

Trên cái phông nền văn hóa đậm chất Tây Ban Nha ấy là hình ảnh của Lor-ca:

Đi lang thang về miền đơn độc

Với vầng trăng chếnh choáng

Trên yên ngựa mỏi mòn

Hình ảnh vầng trăng từ bao đời nay vẫn là biểu tượng gợi nguồn cảm hứng sáng tạo thi ca; còn hai chữ chếnh choáng lại gợi cho ta cảm nhận về chất men say sáng tạo. Mấy chữ yên ngựa mỏi mòn lại cho thấy hành trình tìm kiếm vô cùng gian khổ của người nghệ sĩ thiên tài Lor-ca. Trên hành trình ấy, Lor-ca đi lang thang về miền đơn độc - câu thơ đã cho thấy đây là con người cô đơn, cô độc nhưng đầy kiêu hãnh đến với cái đẹp, đến với tự do, với những cách tân nghệ thuật. Dù mải miết đi, dù yên ngựa mỏi mòn nhưng với Lor-ca thì đó lại là một cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ. Nhà thơ luôn bồn chồn, phấp phỏng khi phải đối diện với cuộc sống phong phú, bất tận mà vẫn chưa thể tìm ra cách thể hiện tôi ưu, hoàn hảo. Trên hành trình gian nan ấy, thi sĩ luôn có sự thôi thúc mãnh liệt của men say sáng tạo, của khát vọng tự do. Tất cả như đang vẫy gọi Lor-ca đi tới.

Từ thực tế lịch sử của đất nước Tây Ban Nha năm 1936 với hơn một trăm ngàn người bị bọn phát xít giết hại, còn Lor-ca cùng chết dưới viên đạn tàn bạo của quân thù và bị chôn trong nấm mồ tập thể, tác giả đã có những câu thơ mang tính chất khái quát cao khi thể hiện số phận oan khuất của Lor-ca;

Tây Ban Nha

Hát nghêu ngao

Bỗng kinh hoàng

Áo choàng bê bết đỏ

Ở đây, Thanh Thảo đã có cách diễn đạt khác thường: Tây Ban Nha - hát nghêu ngao. Ta như thấy người nghệ sĩ Lor-ca khi đã trở thành ca sĩ cho một đất nước, một dân tộc đang cất tiếng hát đòi tự do dân chủ. Điều đó cũng đúng với Lor-ca - một người vẫn được xem là một nghệ sĩ hát rong thời trung cổ, hay con họa mi của thơ ca Tây Ban Nha. Nhưng ở đây, câu thơ còn mở ra liên tưởng khác, đây là người du ca với tiếng hát, tiếng ca của những sáng tạo nghệ thuật, của những gì là tự do. Như chúng ta đã biết, Lor-ca đã bị bọn phát xít giết hại và Thanh Thảo cũng đã đề cập đến sự kiện bi thảm ấy qua những tương phản đối lập để tạo một kết cục kinh hoàng - đó là tương phản giữa áo choàng đỏ gắt (là hình ảnh chiếc áo choàng của các đấu sĩ Tây Ban Nha ở khổ thơ trước, tạo ra không khí của một đấu trường dữ dội) và giờ đây lại là áo choàng bê bết đỏ (máu đã thấm loang cả chiếc áo choàng). Hình ảnh và sắc màu gây ấn tượng thật dữ dội về tội ác của bọn phát xít khiến Lor-ca kinh hoàng, người Tây Ban Nha kinh hoàng. Tất cả ở trong trạng thái sững sờ, kinh sợ, không thể hiểu được những gì đã diễn ra. Tai họa đã đến bất thình lình và thật khủng khiếp. Những con người đang hướng tới khát vọng dân chủ cũng không tài nào hiểu được bọn phát xít lại sẵn sàng chà đạp lên tất cả một cách phũ phàng, tàn nhẫn và độc ác.

Hình tượng PhGar-xi-a Lor-ca

Đó là nói đến những người Tây Ban Nha, còn người nghệ sĩ mẫn cảm với cái đẹp càng kinh hoàng khi thấy những thế lực thù địch dám làm tất cả để hủy diệt cái đẹp, cái thiện:

Lor-ca bị điệu về bãi bắn

chàng đi như người mộng du

Lor-ca đã đi ra pháp trường trong trạng thái mộng du. Lor-ca đang phải đối mặt với một kết cục đau thương, đẫm máu vậy mà tâm trí, tình cảm của Lor-ca như đang hướng đến những cách tân nghệ thuật, bởi khát vọng tự do dân chủ mãnh liệt như những đam mê cuộn trào và chàng chẳng còn để ý, chẳng còn biết đến những gì đang diễn ra, kể cả cái chết đang cận kề. Điều đó đã cho thấy dũng khí của Lor-ca - một con người đã hiến dâng cả tuổi trẻ, cuộc đời cho cuộc đấu tranh giành khát vọng tự do, dân chủ.

Thanh Thảo cảm thông đến tận cùng với Lor-ca, nhà thơ tài hoa của đất nước Tây Ban Nha, nên đã viết nên những dòng thơ thật hay về sự giã biệt của Lor-ca:

Đường chỉ tay đã đứt

Dòng sông rộng vô cùng

Lor-ca bơi sang ngang

Trên chiếc ghi ta màu bạc

Những câu thơ nói về đường chỉ tay và dòng sông dường như muốn nói đến định mệnh phũ phàng, phận người thì ngắn ngủi còn thế giới thì vô cùng. Nhưng càng hiểu những dòng thơ này với ý nghĩa tạo dựng huyền thoại, ta sẽ thấy nhà thơ thể hiện Lor-ca trong thời khắc về cõi vĩnh hằng, không còn nữa một Lor-ca đi lang thang về miền đơn độc, cũng chẳng còn Lor-ca đi như người mộng du, lòng cháy bỏng những khát khao khi bị điệu vô bãi bắn. Giờ đây, dòng sông đã trở thành ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa thực tại và siêu thoát. Trên dòng sông cuộc đời, thời gian vĩnh cửu, Lor-ca đã đi trên con thuyền huyền thoại - đó là chiếc ghi ta màu bạc. Không còn nữa cây dàn ghi ta màu nâu mà tác giả nhắc đến ở những dòng thơ trên. Màu bạc của đàn ghi ta, có người thấy hư ảo một màu huyền thoại nhưng cũng có thể thấy sắc bạc ấy như sáng lên, ánh lên long lanh, lấp lánh của khát vọng tự do, những cách tân nghệ thuật mà Lor-ca một thời theo đuổi.

Chàng nghệ sĩ ấy đã bỏ lại cuộc đời, ném lại tình yêu và số phận mình vào xoáy nước của cuộc đời đầy máu và nước mắt để ra đi:

Chàng ném lá bùa cô gái Di-gan

Vào xoáy nước

Chàng ném trái tim mình

Vào lặng yên bất chợt

Ở giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa thực tại và siêu thoát, Lor¬ca đã giã từ cuộc đời. Tác giả đã thể hiện Lor-ca với hai hành động: ném lá bùa cô gái Di-gan và ném trái tim mình. Hai hành động này đã mờ ra những cảm nghĩ về Lor-ca từ rất nhiều bình diện: Lor-ca đã hiện diện bàng trái tim đầy tình thương yêu nhưng mặt khác ta cũng thấy Lor-ca không còn nuối tiếc cái lá bùa hộ mệnh, chàng đã ném nó vào xoáy nước. Hành động ấy còn mang ý nghĩa tượng trưng: Lor-ca đã biểu hiện thái độ hoàn toàn chủ động trước cái chết. Lor-ca không chỉ thắng được bọn phát xít mà còn chiến thắng cả định mệnh. Phải chăng, hai hành động liên tiếp này của Lor-ca với tất cả sự mạnh mẽ, quyết liệt, còn như cho thấy Lor-ca muốn chấm dứt tất cả hệ lụy trần gian.

Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca thực sự là khúc tưởng niệm rất sâu sắc về thi hào Gar-xi-a Lor-ca. Trong bài thơ, ta thấy hình ảnh một Lor-ca cô đơn đi lang thang về miền đơn độc - đó là một dáng vẻ của một lãng tử, một du ca. Lor-ca hát nghêu ngao, có lúc lại đi như người mộng du với những khát khao cháy bỏng về tự do cùng men say sáng tạo (vầng trăng chếnh choáng). Đồng thời, bài thơ cũng cho người đọc chứng kiến thời đoạn bi thảm nhất của Lor-ca và con người đại diện cho văn hóa, âm nhạc và thi ca của đất nước Tây Ban Nha đã bị bọn phát xít sát hại cùng sự giã từ, giải thoát của Lor-ca.

 

Viết bình luận