Phân tích ý nghĩa của câu chuyện Hoa hồng tặng mẹ: "Anh dừng lại tiệm bán hoa... trao tận tay bà bó hoa" (Theo Quà tặng cuộc sống, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2003)

Có nhà thơ từng than thở: Nhạy cảm quá đôi khi thành nghiệt ngã, nhưng sự vô tâm vô tình mới là điều nghiệt ngã thực sự Trong cuộc sống phức tạp này, mải hướng đến những điều to tát mà con người thường vô tình trước những điều tưởng như vô cùng giản đơn của sự sống. Chính những điều tưởng như giản đơn ấy lại là một phần quan trọng làm nên ý nghĩa của cuộc sống này. Sự vô tâm có thể biến một người tốt thành một kẻ xấu, sự vô tình của người này dễ tạo nên nỗi đau, sự thất vọng cho người khác, nhất là giữa những người thân. Câu chuyện Hoa hồng tặng mẹ là một câu chuyện hay, cảm động về tình mẫu tử. Nhưng ý nghĩa của câu chuyện không dừng lại ở việc ngợi ca lòng hiếu thảo của cô bé nghèo với người mẹ vừa quá cố của mình. Câu chuyện là một bài học có ý nghĩa nhân sinh mà mỗi người đọc có thể phát hiện ở đó những giá trị khác nhau.

Anh dừng lại tiệm bán hoa

Câu chuyện đơn giản, ngắn gọn. Hai người con hiếu thảo đi mua hoa tặng mẹ trong hai cảnh ngộ khác nhau. Một người trưởng thành, tốt bụng, có tiền lại rất hào phóng, một cô bé nghèo, yêu mẹ nhưng không đủ tiền mua hoa tặng mẹ. Cả hai đều là người con hiếu thảo, anh có đủ điều kiện để thực hiện lòng hiếu thảo của mình: mẹ anh còn sống, anh có tiền, có xe và là người lớn; mẹ cô bé không còn, cô lại không có tiền, chẳng có xe. Nhưng sự việc lại diễn ra trái ngược và bất ngờ. Cô bé đã cho người lớn một bài học về lòng hiếu thảo và sự chu đáo đối với người thân. Trong xã hội ngày nay, khi mà hàng ngày, hang giờ, chúng ta phải đau xót chứng kiến những câu chuyện đau lòng về sự bất hiếu của con cháu với cha mẹ ông bà. Nhịp sống hiện đại lấy đi của con người những phút giây yên tĩnh, khiến con người trở nên vô tâm, vô tình. Có không ít những người con vô trách nhiệm với cha mẹ, cả cuộc đời không một lần tặng quà cho cha mẹ, thậm chí đối xử bội bạc và tàn nhẫn với cha mẹ. Và câu chuyện này chắc chắn sẽ có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc thức tỉnh lương tâm của những người làm con và những người đã trót vô tình với người thân, với đồng loại. Cô bé đã khóc vì không đủ tiền mua hoa tặng mẹ, cho dù mẹ em đã mất. Việc cô bé tặng hoa cho mẹ đã tác động đến người lớn. Anh đã bừng tỉnh và nhận ra một điều rằng, mẹ anh cần được gặp anh chứ không phải cần bó hoa anh gửi về. Anh không phải là người con vô tình. Anh rất hiếu thảo. Nhưng hành động của cô bé đã khiến anh ngộ ra một điều là: anh hạnh phúc vì anh vẫn còn mẹ, anh vẫn được trao tận tay mẹ anh những bó hoa đẹp nhất. Những giây phút còn có cha mẹ trên đời là những giây phút vô cùng quý giá. Hành động hiếu thảo của cô bé nghèo bất hạnh đã làm thay đổi cả nhận thức và hành động của một người trưởng thành. Chắc chắn anh đã nhận ra rằng cô bé nghèo kia còn đến tận nghĩa trang, vượt qua danh giới sinh tử để thể hiện lòng hiếu thảo của mình thì cớ gì anh, một người trưởng thành, có đủ mọi điều kiện lại không thể hiện được lòng hiếu thảo như cô bé ấy. Anh cũng đã nhận ra rằng sẽ tới ngày anh không còn mẹ trên đời. Và lúc ấy, anh có muốn đến đâu cùng không thể trao tận tay mẹ những bông hồng đẹp nhất.

Sự vô tâm của người lớn nhiều khi lại được thức tỉnh bởi sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ con. Ý nghĩa của việc tặng quà không nằm ở giá trị của món quà mà ở tình cảm của người tặng. Câu chuyện đã cho chúng ta một bài học quý giá về cách ứng xử ở đời. Nhiều người vì đơn giản hoá sự việc một cách bừa bãi khiến chúng ta trở thành những kẻ vô tình, vô nghĩa. Hành động ra cửa hàng gửi hoa tặng mẹ của anh thanh niên đã là hành động đáng trân trọng, nhưng trước hành động của cô bé ấy anh lại trở thành kẻ vô tâm. Vậy mà trong thế giới chúng ta đang sống liệu có nhiều không những người có tấm lòng hiếu thảo như người thanh niên trong câu chuyện, chứ chưa nói đến những người con như cô bé nghèo kia. Hay chúng ta vẫn thấy nhiều những cảnh ngộ của Lão Go-rio (Banzac), của gia đình cụ cố Hồng (Vũ Trọng Phụng), của những người Báo hiếu trả nghĩa mẹ , Báo hiếu trả nghĩa cha như những nhân vật trong truyện của Nguyễn Công Hoan... Có thể nói đây là những bài học đạo đức có ý nghĩa muôn thuở đối với xã hội loài người. Sống trên đời phải biết quan tâm đến người khác, mà trước hết là cha mẹ, anh chị em, bạn bè mình. Hiếu thảo với cha mẹ là trách nhiệm cao cả nhất của mọi con người, như cha ông ta từng khuyên răn:

Công cha như núi Thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Một bông hoa hồng

Đối với cha mẹ, lòng hiếu thảo của con cái là thứ quà tặng vô giá nhất. Đã có những câu chuyện đau lòng, những bi kịch của những bậc cha mẹ khi về già bị con cháu đối xử tàn nhẫn, vô tâm. Câu ca cay đắng thốt lên từ những người già bất hạnh:

Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể

Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày

Không gì cao quý và đáng trân trọng hơn tình mẫu tử. Vì vậy mỗi người phải biết trân trọng, phải biết quý giá những phút giây còn có cha mẹ trên đời. Thông thường con người chỉ biết nuối tiếc cái gì đó khi nó đã qua đi, khi nó đã vượt khỏi tầm tay của mình. Bài học rút ra từ câu chuyện này có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tất cả chúng ta. Một câu chuyện thật đời thường và rất quen thuộc với cuộc sống của chúng ta. Bao nhiêu người con mải mê với chuyện làm ăn, mải mê với những thú vui cá nhân mà quên đi hình bóng những cha mẹ mỏi mòn ngóng trông con. Khi đạo đức xã hội đang có nhiều biểu hiện tiêu cực như hiện nay, câu chuyện này đã thức tỉnh mỗi chúng ta, buộc chúng ta phải nhìn lại trách nhiệm làm con của mình. Với những người còn đang ở tuổi cắp sách đến trường, món quà tặng cha mẹ quý giá nhất là những điểm 10, là những lời khen của thầy cô, là ý thức học tập chăm chỉ, tự giác ...

Nhìn mọi người để rồi nhìn lại mình để sống tốt hơn cũng là một thông điệp mà người kể câu chuyện này muốn chia sẻ cùng tất cả mọi người.

Viết bình luận