"Rủ nhau xuống bể mò cua, Đem về nấu quả mơ chua trên rừng, Em ơi chua ngọt đã từng, Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau". Hãy tìm hiếu ý nghĩa của bài ca dao trên để thấy rõ quan niệm sống có tình có nghĩa và cách thể hiện tình cảm của người bình dân xưa

Trong nhịp sống ồn ào đa dạng hiện thời. Có lẽ chúng ta đã quen với những âm thanh sôi động hối hả của các loại nhạc pop, rock... mà cứ tưởng tâm hồn ta được nuôi dưỡng, được lớn lên từ những khúc nhạc tân kì này. Trong đời bạn, đã bao giờ đọc đi đọc lại, suy ngẫm về ý nghĩa của một bài ca dao nào đó để những âm hưởng ngọt ngào, dịu nhẹ lắng đọng trong tâm hồn ta hay chăng. Nơi đó là cội nguồn về bản sắc làm nên vẻ đẹp độc đáo cho văn học, cho âm nhạc dân tộc mình. Cũng không cần tìm hiểu đâu xa, ta hãy đến với sự kỳ diệu của thơ, của ngôn ngữ, của nhạc điệu trong bài ca dao sau:

Rủ nhau xuống bể mò cua

Đem về nấu quả me chua trên rừng

Em ơi chua ngọt đã từng

Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.

Đôi lứa đang sống trong vị ngọt của tình yêu

Tìm hiểu sâu ý nghĩa của bài ca dao, ta mới cảm nhận được hết sự mộc mạc chân chất và tinh tế trong tâm hồn dân tộc.
Để hiểu rõ ý nghĩa ẩn chứa trong bài ca dao, ta cần biết nội dung của bài ca dao là gì? Phải chăng đây là một lời tâm tình, nhắn nhủ của người xưa về lòng chung thuỷ. Lòng chung thuỷ là biểu hiện cao nhất, đẹp đẽ nhất trong đạo lí làm người. Tác giả dân gian đã dùng hình ảnh ẩn dụ để nói về cuộc sống mà hai con người đã gắn bó với nhau trong gian khổ lẫn khi sung sướng.

Xuống bể, lên rừng thường xảy ra bão táp, sóng gió luôn có mối nguy hiểm rình rập con người. Họ cùng rủ nhau xuống, cùng đem về từ ngữ ở đây mang ý nghĩa thật hàm xúc mà bình dị. Nó giúp ta hình dung được một cuộc sống hạnh phúc. Hai con người trong ca dao đi đâu cũng có nhau, cũng như vui buồn sướng khổ họ cùng trải qua.

Từ chua ngọt ở đâu: Em ơi chua ngọt đã từng cho ta biết sự đối lập giữa các mùi vị của suộc sống, hàm ý nói về sự khác nhau giữa sung sướng và gian khổ, vui và buồn trong cược sống lứa đôi. Con người đã từng trải qua những thăng trầm, họ luôn có nhau. Thực tế này đã chứng minh tấm lòng thuỷ chung của họ.

Rủ nhau xuống bể mò cua

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.

Đôi lứa ở đây đang sống trong vị ngọt của tình yêu, tuy rằng vẫn còn đó vị đắng của cuộc đời. ở hai câu sau, ta gặp từ non xanh, nước bạc. Khi nói về non và nước, chúng ta thường liên tưởng đến sự vĩnh hằng của thiên nhiên. Nhưng ở đây tác giả dân gian muốn nói đến sự khác biệt, thay đổi của cuộc sống: non xanh, nước bạc.

Nghĩa xanh và bạc trong bài ca dao gợi cho ta liên tưởng đến hai câu thơ của Hồ Xuân Hương:

Có phải duyên nhau thì thắm lại,

Đừng xanh như lá bạc như vôi.

Non xanh, nước bạc nói về sự thay đổi, sự quên lãng, sự tráo trở nhưng vẫn có một quy luật: cuối cùng vẫn phải trở về cái thuỷ chung gắn bó.

Lòng thuỷ chung, sự gắn bó trong tình người

Trái tim không tự đếm nhịp đập của mình, nhưng ta có thể đo được tần số nhịp đập của trái tim khi ta muốn tìm hiểu về nó. Cũng như khi sáng tác bài ca dao, tác giả dân gian có lẽ cũng không trải qua quá trình giải thích, phân tích tình cảm của mình. Nhưng ta nên tìm hiểu ý nghĩa của bài ca dao để không mơ hồ, không thờ ơ với những lời nói như gan ruột người xưa đã gửi gắm. Có lẽ ta ít khi dừng lại để ngẫm nghĩ rằng mình đã và đang sống như thế nào. Nhưng khi đọc bài ca dao này, ta vẫn nhận thấy một điều rất sâu xa, đó là lòng thuỷ chung, sự gắn bó trong tình người. Đó là sức mạnh giúp con người có thể vượt qua mọi khó khăn gian khổ để đi tới hạnh phúc, và khi đạt được hạnh phúc phải có ý thức giữ gìn.

Tôi thường liên tưởng tới một ý thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:

Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn.

Phải chăng vị muối làm nên chất mặn cho ca dao là cuộc sống với nhiều đắng cay, nhọc nhằn của người lao động. Trong cuộc sống đó, tâm hồn của họ luôn lấp lánh một tình yêu, để mỗi khi lời thơ cất lên đều trở thành tiếng lòng, là sự gửi gắm nỗi niềm ước vọng. Có lẽ lớn lao hơn hết là những lời nhắn nhủ sâu sắc của người xưa về đạo lí, tình nghĩa. Đến bây giờ và mãi mãi sau này, ta còn cảm nhận được sức ngân vang vô cùng, vẻ đẹp lấp lánh của những vần thơ tiếng Việt.

Viết bình luận