Viết về một thói hư tật xấu mà anh (chị) thấy cần phải phê phán

Cổ nhân dạy rằng: Ngọc nào ngọc chẳng có vết. Nhưng với con người, một trong những ham muốn tột cùng là vươn đến sự hoàn thiện bản thân. Trên hành trình khó khăn ấy, một trong những việc chúng ta cần làm là tìm ra những nhược điểm - những thói hư, tật xấu của mình - có biết bệnh mới tìm được thuốc chữa. Vậy đâu là thói hư tật xấu cần phê phán? Nếu được trả lời, tôi sẽ nói: đó là thói ỷ lại, sự thụ động trong học tập và rèn luyện của không ít người, đặc biệt là một bộ phận không nhỏ của thanh niên ngày nay.

Sự thụ động trong học tập và rèn luyện của không ít người

Ỷ lại, thụ động là gì? Ỷ lại là trông chờ, thậm chí phó mặc cho người khác việc mà đúng ra mình phải làm. Bài tập về nhà bạn không làm chờ đến lớp mượn vở của bạn chép tránh sự kiểm tra của thầy. Giờ kiểm tra, bạn chẳng học gì hết, bạn đến lớp và chờ "cóp" bài của bạn. Cả tổ đến lịch trực lao động, bạn không đi vì nghĩ: Đã có người khác làm. Rồi bài tập nhóm, công việc tập thể,... Đó là những biểu hiện sinh động cho thói ỷ lại trong học tập và rèn luyện của khá nhiều học sinh ngày nay.

Thụ động có thể hiểu rằng đó là sự chậm chạp, lời biếng trong vận động tư tưởng, bị động trước mọi thay đổi, chỉ trông chờ vào người khác. Thầy ra bài tập, nhìn qua thấy khó, bạn không nghĩ suy, gác bút chờ thầy hướng dẫn hoặc hỏi bạn ngồi bên. Còn gì nữa? Bạn là người không bao giờ chuẩn bị bài trước khi lên lớp? Bạn là người chẳng khi nào mảy may có một ý kiến xây dựng bài, đóng góp ý kiến cho tập thể?,... Tôi xin thưa: Bạn là ngựời thụ động!

Rõ ràng ỷ lại và thụ động luôn đi cùng với nhau tạo thành một "cặp bài trùng" đáng ghét. Nó thường xuất hiện ở những bạn lời biếng, quen ăn chơi, được nuông chiều và đặc biệt là ích kỉ, không có ý thức.

Trái với ỷ lại, thụ động là tích cực, chủ động. Đó là thái độ sẵn sàng tìm tòi, khám phá cái mới. Luôn tự giác tìm hiểu những điều mình cần biết và chưa biết. Nếu ỷ lại, thụ động dẫn con người đến bóng đêm của ngu muội thì tích cực, chủ động là nguồn gốc của sáng tạo, của văn minh.

Thói ỷ lại, sự bị động trong mọi việc đều cần lên án, nhưng ỷ lại và thụ động trong học tập, rèn luyện ở lứa tuổi học sinh càng cần lên án hơn. Tại sao vậy?

Đối với một đời người, độ tuổi dễ tiếp thu tri thức nhất là độ tuổi đi học, quãng thời gian rảnh rang nhất để nghiên cứu học tập là thời học sinh. Vậy mà bạn ỷ lại, thụ động thì rõ ràng bạn đang từ chói việc thu nhặt "túi khôn" nhân loại, rèn luyện trí não. Mà bạn biết đây, thời đại ngày nay không có trí thức, dù bạn xinh đẹp, giàu có (vâng, dù tôi biết bạn giàu có nhờ túi tiền của cha mẹ, không có tri thức thì không - gì - của - bạn thuộc - về - bạn - cả!) thì bạn cũng chỉ là "một cô nàng (anh chàng) thiếu muối mà thôi". Thói xấu này trước hết nó gây hại cho bạn, biến bạn thành một kẻ vàng hoe về mọi thứ. Do vậy, nó khép dần cánh cửa vào tương lai của mỗi người. Nếu bạn là người ỷ lại, thụ động bạn không cần phải khóc lóc, dằn vặt, oán trách "học tài thi phận" nếu nghe báo kết quả bị trượt, bị rớt trong một kì thi nào đó. Bởi như vậy đâu có gì bất công?!

Thói ỷ lại, sự bị động trong mọi việc đều cần lên án

Tai hại hơn, thói xấu kia còn làm ảnh hưởng xấu đến người khác. Tôi đã nghe hàng trăm lời phàn nàn: nó nhìn bài của tớ mà điểm cao hơn tớ? Nó chẳng làm bài gì cả, toàn hội mình làm hết, tại sao phải cho nó điểm của cả nhóm? Trời ạ, toàn nhìn bài người khác mà thi cũng đỗ cơ à! Điều ấy chứng tỏ trong môi trường xung quanh kẻ ỷ lại, thụ động có rất nhiều người chịu thiệt, công sức họ bỏ ra đã không được đánh giá công bằng. Nguy hiểm hơn nó còn gây ra những hoang mang, dao động trong tư tưởng tập thể.

Bên cạnh đó, như trên đã phân tích thì thói xấu này là nguồn gốc của những tiêu cực trong thi cử, kiểm tra. Ý lại, thụ động chắc chắn sẽ học kém song nhiều ông bố bà mẹ mạnh về kinh tế không muốn chấp nhận thực tế ấy. Họ ra sức chạy chọt, xin xỏ cho con. Những hành động này tạo thành những "đường dây chạy điểm" cực kì phức tạp. Ngay bản thân mỗi học sinh kia, họ cũng sẽ tiếp tục có những hành động sai trái: cóp bài, gian lận,...

Với những tác hại cơ bản đó, chúng ta có đầy đủ lí do để tránh ỷ lại, thụ động và chống ỷ lại, thụ động trong học tập.

Vậy cần làm gì để tránh và chống những thói xấu ấy?

Mỗi ngày một chút, một chút bạn chịu khó đọc bài trước khi đến lớp. Hãy hỏi bạn bè, thầy cô những gì chưa hiểu và cố gắng để tâm suy nghĩ về bài tập. Bạn phải hiểu rằng, một ngày không biết thêm một điều mới tức là bạn đang làm mòn đi chính con người mình, đang sống hoài, sống phí, sống "thừa".

Còn bạn, người đã (hay gần, sắp?!) chủ động, tích cực trong học tập, bạn cần làm gì để chống sự ỷ lại, thụ động? Nhớ rằng phải kiên quyết trước những lời mượn vở để chép bài, ngó bài để xem đáp án. Hãy dũng cảm lên án những tiêu cực, sai trái trong thi cử, nếu không, chính bạn cũng sẽ chịu thiệt rất nhiều. Còn một cách khác hay hơn. Tại sao bạn không giúp đỡ, động viên bạn bè mình học tập? Các bạn sẽ "cùng tiến". Có thể lắm chứ?!

Thế hệ chúng ta đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Chúng ta nói nhiều đến phong cách "9X" - phong cách "teen". Chắc chắn một điều rằng, nơi ấy không có vị trí dành cho những kẻ chỉ quen ỷ lại, dựa đẫm, thụ động và ì ạch như một chiếc xe lu.

Có nhiều con đường để khám phá thế giới và hoàn thiện bản thân, nhưng con đường nào cũng cần đến lòng nhiệt huyết, sự dam mê và thái độ tích cực, chủ động. Rõ ràng con đường ấy không chấp nhận sự ỷ lại, thụ động trong suy nghĩ và hành động. Bạn nhớ cho tôi: "Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lời biếng".

Viết bình luận