Dựa vào những tác phẩm đã học hoặc đã đọc và các mẩu chuyện về Bác Hồ kính yêu hãy chứng minh rằng nhân dân ta đã được Bác dành cho tình yêu bao la, sâu nặng, đặc biệt là thiếu niên nhi đồng

"Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại". Đó là tiếng hát ngợi ca của nhân dân ta khi nhắc tới Bác Hồ kính yêu - một con người hiện thân cho những gì cao đẹp nhất của dân tộc. Nói tới Bác là nói tới tấm lòng nhân ái bao la, tình yêu thương vô bờ của Bác đối với nhân dân đất nước. Cho đến những ngày cuối cùng trước lúc đi xa, Bác vẫn còn để lại trên cõi đời này muôn vàn tình thương yêu cho dân tộc. Tấm lòng yêu thương ấy đã trở thành nguồn đề tài phong phú cho thơ ca viết về Bác.

Ai yêu các nhi đồng Bằng Bác Hồ Chí Minh

Tình thương yêu của Bác thật rộng lớn bao la. Tình cảm ấy đã bao trùm lên non sông đất nước, lên mọi kiếp người, đến cỏ cây hoa lá cũng được sưởi ẩm bởi tình thương của Bác. Nhà thơ Tố Hữu, một trong những nhà thơ Việt Nam viết về Bác nhiều nhất đã khái quát trong bài thơ Bác ơi:

Bác ơi tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người.

Quả đúng như vậy, trái tim chan chứa yêu thương của Bác đã ôm trọn tất cả hình hài dáng quê đất Việt. Ta nhớ lại những chặng đường gian khổ mà Bác đã phải trải qua để đưa đất nước Việt Nam tới ngày vinh quang chiến thắng. Ấy là buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước, người trai đất Việt này chỉ có hai bàn tay trắng với trái tim rực lửa yêu nước và ý chí quyết tâm. Người đã phải trải qua trăm ngàn công việc vất vả, khó nhọc trong buổi đầu ấy:

Từ ấy Người đi những bước đầu

Lênh đênh bốn biển, một con tàu

Cuộc đời sóng gió. Trong than bụi

Tay đốt lò, lau chảo, thái rau

(Tố Hữu)

Và đây nữa, một hình ảnh đẹp đẽ biết bao, khi Bác cúi xuống hôn nắm đất nơi địa đầu Tổ quốc sau ba mươi năm xa cách. Đó là biểu hiện sâu sắc của tình yêu quê hương đất nước đã được Chế Lan Viên khắc họa:

Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất

Lắng nghe trong màu hồng tình đất nước phôi thai

(Chế Lan Viên - Người đi tìm hình của nước)

Yêu đất nước việt Nam bao nhiêu, Bác càng thương con người Việt Nam bấy nhiêu những người dân sống kiếp người cùng khổ, cơ cực "cảnh cơ hàn trời đất tối tăm". Trái tim chan chứa yêu thương của Bác đã ôm cả "mọi kiếp người". Bác đã dành cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân, từ em thơ đến các cụ già, từ các anh bộ đội đang vững tay súng nơi chiến trường đến chị nông dân đang cầm chắc tay cày nơi hậu phương mọi tình cảm yêu thương trìu mến nhất, vẫn là nỗi lòng của Tố Hữu khi viết về Bác:

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn cỏ, mỗi nhành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già.

(Bác ơi!)

Quan tâm đến các em, Bác vẫn thường viết thư, gửi quà, động viên, khuyến khích các em chăm ngoan học giỏi. Cảm động biết bao khi chúng ta nghe thơ Bác:

Ai yêu các nhi đồng Bằng Bác Hồ Chí Minh

Và:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan

Tình thương yêu của Bác thật rộng lớn bao la

Thế đấy, so với tấm lòng yêu thương bao la của Bác, thì viết về Bác bao nhiêu cũng là chưa đủ, bao nhiêu cũng như là thiếu:

Ôi vẫn còn đây của các em

Chồng thư mới mở Bác đang xem

Chắc Người thương lắm lòng con trẻ

Nên để bâng khuâng gió động rèm.

(Tố Hữu - Theo chân Bác)

Với trẻ em, Bác nâng niu, trân trọng là thế! Còn với các anh bộ đội thì sao? Ta cảm động rưng rưng trước tình thương, sự quan tâm hết mực của Người:

Rồi Bác đi đem chăn

Từng người, từng người một

Sợ cháu mình giật thột

Bác nhón chân nhẹ nhàng.

(Minh Huệ - Đêm nay Bác không ngủ)

Tình cảm của Bác đối với các anh thật gần gũi biết bao! Cử chỉ "đi đem chăn", "nhón chân" là cử chỉ của một người làm cha, làm mẹ. Bác là cha, là mẹ của toàn dân tộc:

Người là Cha, là Bác, là Anh

Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ.

(Tố Hữu - Sáng tháng Năm)

Đối với nông dân, những người dân chân lấm tay bùn phải lặn lội với "năm nắng mười mưa" chống chọi với thiên tai, chống chọi với bom đạn của kẻ thù để làm ra hạt lúa củ khoai nuôi mình và dành dụm gửi tới tiền phương, Bác cũng rất quan tâm. Chúng ta hãy ngắm nhìn hình ảnh của Bác

Bác vẫn đi kia giữa cánh đồng

Thăm từng ngọn lúa, hỏi từng bông

Ghé từng hợp tác, qua thôn xóm

Xem mấy trường tươi, mấy giếng trong

Rõ ràng, ở nơi nào ta cũng gặp hình ảnh Bác. Bác - nơi chiến trường, đạn bom, khói lửa: Bác - nơi ruộng đồng bát ngát xanh tươi; Bác - của các em thơ; Bác - niềm tin yêu và kính trọng của các cụ già.

Đối với tầng lớp công nhân, những anh, những chị ngày đêm đang tất bật trên dây chuyền sản xuất, hăng hái thi đua lập chiến công, Bác cũng thường xuyên đi về, ghé qua thăm hỏi:

Bác vẫn về kia những sớm trưa

Hỏi lò than, xưởng máy, giàn tơ

Hỏi anh, hỏi chị công nhân ấy

Vàng ngọc thi đua được mấy giờ

(Tố Hữu)

"Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta, thương cuộc đời chung thương cỏ hoan. Nhà thơ Tố Hữu đã khái quát hộ chúng ta tình cảm thương yêu sâu nặng đến thiết tha của Bác đối với cỏ cây hoa lá, đối với mỗi trái tim Việt Nam chúng ta. Chúng ta dành cho Bác - người Cha - người Anh những tình cảm gì? Phải là muôn vàn tấm lòng thành kính, tình thương yêu đầy ắp trong lòng. Chúng ta cũng như vui lây với tâm trạng của nhà thơ Tố Hữu:

Vui sao một sáng tháng Năm

 Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ.

(Sáng tháng Năm)

Đó là niềm vui của những người con được về thăm Bác và cũng là nỗi niềm của những miền quê nhớ Bác không nguôi:

Mình về với Bác đường xuôi

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ người

(Tố Hữu - Việt Bắc)

Lại có những vùng quê như miền Trung - khu Bốn, nỗi thương nhớ Bác đã kết thành lời ca thật thiết tha, thật sâu nặng:

Chúng con sinh ra khi nước nhà chia cắt

Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc suốt miền Trung...

Bác - của các em thơ

Tên Bác - cái tên kính yêu Hồ Chí Minh đã trở thành điểm tựa to lớn cho tinh thần. Tên Bác Hồ là sức mạnh giúp các anh, các chị, các má, các em thêm vững lòng:

Ôi cái tên kính yêu Hồ Chí Minh

Trong sáng lòng anh xung kích

Nửa đêm bôn tập diệt đồn .

Vững tay người chiến sĩ nông thôn

Bắt sỏi đá phải thành sắn gạo...

Các anh chị, các em ơi có phải

Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh

Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh

(Tố Hữu - Sáng tháng Năm )

Lại có những câu ca dao rất đẹp ngợi ca Bác

Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ

(Bảo Định Giang)

Chỉ qua hai hình ảnh rất đơn giản, rất cụ thể: bông sen và tên Bác; cũng chỉ qua phép so sánh quen thuộc và cũng chỉ bằng sự so sánh tuyệt đối "nhất", nhân dân ta đã bày tỏ được sâu sắc tình cảm kính trọng của mình với Bác kính yêu.

Qua thơ ca viết về Bác, ta càng thấy rõ hơn tình thương yêu chan chứa, mênh mông mà Bác đã dành cho đất nước và con người Việt Nam. Và cũng qua đó, anh thấy thêm lòng tin yêu kính trọng vô bờ của nhân dân ta với Bác.

Bác đã ra đi mãi mãi, nhưng tình thương yêu của Bác dành cho dân tộc Việt Nam vẫn mãi mãi trường tồn. Lăng Bác uy nghi còn đó. Cám ơn nhà văn Viễn Phương đã nói hộ tình cảm của những người con Việt Nam với Bác:

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây...

(Viếng lăng Bác)

Giờ đây, đứng trước chân dung Bác, ta kính cẩn nghiêng mình thấm thía

Cháu thề phấn đấu suốt đời

Như lời Bác dạy, nên người Bác mong

(Thanh Hải)

Viết bình luận