Giới thiệu một vài nét về nhà văn Nguyễn Tuân và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân là cây bút tiêu biểu nhất của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Nguyễn Tuân "là một cái định nghĩa về người nghệ sĩ” như có người đã nói thế. Vẻ đẹp văn chương, dấu ấn về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân được thể hiện trên những kiệt tác văn chương như "Vang bóng một thời” (1940), “Sông Đà” (1960), “Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi" (1972), “Tờ hoa” (1966), v.v...
Về phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân, sách Văn 12 có viết: "Nguyễn Tuân có phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc. Phong cách ấy, trước hết có thể thâu tóm trong mấy chữ phóng túng, tài hoa và uyên bác”.
Cái nhìn của Nguyễn Tuân mang tính phát hiện độc đáo đối với thế giới khách quan, tìm thấy cái đẹp trong cuộc sống, cái đẹp tài hoa, phi thường, cái đẹp ở phương tiện văn hoá, mĩ thuật. Cách uống trà, thưởng lan, cách thả thơ của người xưa (“Vang bóng một thời”),con sông Đà và người lái đò "tay lái ra hoa” (Sông Đà), cái độn tóc chị Hoài "đổ tung xuống như một trận mưa rào đen nhánh” (“Tóc chị Hoài”), v.v... đã được ông nói đến một cách tài hoa, hấp dẫn.
Người ta hay nói "chủ nghĩa xê dịch" của Nguyễn Tuân. Thật ra đó là cách sống sáng tạo của riêng ông mà ông gọi là đi và viết, để “thay đổi thực đơn cho giác quan”. Quá khứ, hiện tại và tương lai, không gian và thời gian đã liên kết thành tuyến, thành mảng trên trang văn Nguyễn Tuân mang vẻ đẹp thẩm mĩ, đem đến nhiều liên tưởng, ấn lượng kì thú cho người đọc. Những tính cách phi thường (Huấn Cao, Người đò Sông đà), những tình cảm, cảm giác mãnh liệt của những phong cách tuyệt mĩ, của gió, bão, núi cao, rừng thiêng, ghềnh thác dừ dội (cảnh mặt trời mọc ở ngoài đảo Cô Tô, đính núi Phan-xi-păng với hoa đỗ quyên năm sắc rực rỡ, với cây trúc như cái phất trần, là con sông tuyến Hiền Lương, là con Sông Đà “tuôn dài tuôn dài như áng tóc trữ tình...", là tiếng thác rống lên như tiếng rống của một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn trong rừng cháy, v.v...).
Văn Nguyên Tuân rất uyên bác, độc đáo. Các kiến thức về văn hoá, địa lí, lịch sử, phong tục, những miền quê, những vùng đất... được ông kể rất đậm đà, duyên dáng. Ông là bậc thầy về ngôn ngữ văn chương: giàu có, sáng tạo.
Nói đến phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân là nói đến tuỳ bút, những trang văn xuôi đầy chất thơ của một tâm hồn nghệ sĩ, của một cây bút tài hoa uyên bác, phóng túng, độc đáo hiếm có.
Viết bình luận