Suy nghĩ của anh (chị) về lời phát biểu của một nhạc sĩ: Năm hai mươi tuổi, tôi nói: “Tôi và Mô-da". Năm ba mươi tuổi, tôi nói: “Mô-da và tôi". Năm bốn mươi tuổi, tôi nói: “Chỉ có Mô-da"

Đối với một đứa trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời thì thế giới là mẹ, lớn hơn chút nữa cuộc đời vẫn chỉ nằm trong gia đình mình thôi và khi trưởng thành thế giới mới thực là thế giới vĩ đại. Bởi thế một nhạc sĩ đã nói: “Năm 20 tuổi tôi nói Tôi và Mô-da, năm 30 tuổi tôi nói Mô-da và Tôi và năm 40 tuổi tôi nói chỉ có Mô-da”.

Năm 20 tuổi, những năm tháng của tuổi thanh niên đầy sức trẻ

Câu chuyện âm nhạc đã được người nhạc sĩ này dùng để dẫn dắt đến một quy luật dĩ nhiên trong cuộc sống. Năm 20 tuổi, những năm tháng của tuổi thanh niên đầy sức trẻ, “Tôi và Mô-da”, một ước mơ lớn với một bước tiến đột phá như một thiên tài được ấp ủ. Một suy nghĩ tích cực nhưng có phần hơi hiếu thắng và đôi khi nông nổi trong kế hoạch tương lai của mỗi người. Bước vào tuổi 30 khi đã trải nghiêm nhiều hơn về cuộc sống, con người chín chắn hơn để nhận thức về giá trị của bản thân, anh ta nói “Mô-da và Tôi”; vẫn chưa đủ già để từ bỏ con đường lớn nhưng mục tiêu được hạ thấp hơn cho vừa tầm với. Và ngưỡng cửa 40 của cảm nhận tuổi già đang đến gần, ước mơ đã lùi trong dĩ vãng, không còn nhiệt huyết thanh xuân dành cho những điều ấy nữa, người ta gọi ước mơ là viển vông và chấp nhận thực tế đã tồn tại “Chỉ có Mô-da”. Vậy đó, tất cả chỉ muốn nói lên một điều: cùng với thời gian, con người sẽ lớn lên cả vì thể xác và vốn sống để nhận thức đúng đắn hơn về mình, về vị trí của mình trong xã hội và cũng bớt đi phần hiếu thắng.

Người nhạc sĩ này đã đúng trong nhận xét về những bước tiến tâm lý của con người. Tuổi 20, tuổi đánh dấu mốc vừa được làm người lớn, mỗi chúng ta mới bước một bàn chân vào đời, không còn quá ngây thơ để nhìn cuộc đời bằng ánh mắt của một đứa trẻ: cuộc đời toàn màu hồng. Đúng vậy, cũng không phải là trẻ con và không phải còn khù khờ để lờ đi những sự thật bất công nhiều khi thật đau lòng của cuộc sống, đã đủ lớn để hiểu rằng trong thế giới này vạn vật tồn tại đều có hai mặt tích cực và hạn chế. Tuổi 20 chúng ta mới đứng ở ngưỡng cửa bước vào đời, ít va vấp, chưa từng trải... Hơn nữa trái tim hừng hực nhiệt tình và khát vọng. Vì thế tuổi 20 ta mơ ước nhiều thứ nhiều khi xa vời, viễn vông... Nhưng 20 cũng là tuổi đáng quý bởi nhiệt tình và khát vọng sống. Một anh bạn trẻ tuổi mới tốt nghiệp Đại học ngành Điện tử viễn thông cũng có thể tự gây dựng cơ sở kinh doanh quần áo thời trang để được mạo hiểm, được thử sức làm cái gì đó nhằm khẳng định năng lực bản than. Tuổi trẻ luôn căng phồng những ước mơ khát vọng cháy bỏng, thêm vào đó một chút tự kiêu, “Ngựa non háu đá”, muốn được sống thật nhiệt tình sôi nổi, sống sôi sục như thể ngày mai thế giới không còn nữa và ta không còn cơ hội vậy. Đôi khi tuổi trẻ ấp ủ những giấc mơ quá lớn, với tài năng của họ nhưng họ vẫn tiến đến nó với tất cả những gì mình có, đến khi trượt ngã mới nhận ra lối đi sai lầm. Lại đứng đậy và chọn con đường khác, nhiều khi còn có cả sự ngoan cố không chịu thừa nhận mình đã đặt sai mục tiêu, chỉ ôm khư khư cái lý thuyết “không bao giờ thay đổi mục tiêu mà chỉ thay đổi cách thức giành được mục tiêu mà thôi”. Tuổi 20 là thế, ý chí và sự hăm hở của những tâm hồn trẻ làm họ không ngừng đeo đuổi và chinh phục, vươn tới những mục tiêu vĩ đại để trở thành con người của lịch sử thậm chí tham vọng hơn chính là hơn cả những vĩ nhân đi trước “Tôi và Mô-da”.

Còn với những người ở vào lứa tuổi người ta tặng cho những lời như “phụ nữ trở nên đằm thắm”, “đàn ông trở nên chín chắn”, tuổi 30 thì lại nghĩ khác, sống khác. Con số 3 của 30 như một biểu trưng của 3 yếu tố tạo nên thành công cho mỗi con người “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” và thực tế cũng đã chứng minh rất nhiều người đạt đến thành công ở lứa tuổi ấy. Suốt cả một chặng đường phấn đấu, xuất phát điểm từ tuổi 20 mạo hiểm, những con người ở tuổi 30 cũng có thể phần nào mỉm cười với những gì mình có hoặc nếu gặp phải những bài học kinh nghiệm đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt để răn dạy thế hệ sau dù đôi khi lớp trẻ cứ phớt lờ những điều đó và lại tự mình xây lại con đường người khác đã đi. Tuy nhiên, 30 chưa phải đã già, những ai đã có được thành công thì vẫn không thể ngăn được họ có những tham vọng của riêng mình để đạt đến cái lớn hơn. Đồng thời, với những người chưa thành công thật sự thì 30 vẫn đủ sức để nỗ lực, để cố gắng làm nên điều kỳ diệu. Cũng có khi chính những gánh nặng lo toan trong cuộc sống lại là động lực để họ sống mạnh mẽ hơn, vẫn dám dấn thân và hy sinh vì tương lai của gia đình họ vì ước mơ của bản thân họ còn chưa nguội tắt. Dù rằng thời điểm này họ cũng nhận ra vị trí của mình ở đâu, năng lực thật của mình đến đâu, mình có thể và không thế làm gì. Những vấp ngã đã cho họ những điều ấy. Và hệ quả là người nhạc sĩ kia vẫn có được một tổng kết rằng “Năm 30 tuổi, tôi nói: Moda và Tôi”.

Năm bốn mươi tuổi, tôi nói “Chỉ có Mô-da”

“Tôi bắt đầu thấy mệt mỏi và già đi nhanh quá”. Khi người ta phải thốt lên như thế là lúc họ đang bước vào thập tứ. Lúc này đây họ phải quen dần với sự viếng thăm thường xuyên hơn của với những “biểu hiện già”, là lúc chiều tà buông xuống, họ ngồi bên hiên nhà lặng lẽ ngắm những đàn chim chiều tìm về tổ, những áng mây lờ lững trôi vu vơ trên bầu trời hay suy tưởng về dòng đời bon chen mà lắc đầu ái ngại và tự hỏi mình vì sao người ta thích bon chen thế nhỉ. Ở vào tuổi này cái cỗ máy đã được khởi động nóng vội, liều lĩnh bởi tuổi 20 và đã chạy bền bỉ, mạnh mẽ, cho năng suất lao động cao ở tuổi 30 bắt đầu rệu rã, nó chạy chậm dần và chu kỳ đại tu thì tăng lên rõ rệt. Họ già đi thực hoặc tự làm mình già đi và lãnh đạm với hối hả của cuộc sống để tìm sự thanh bình yên tĩnh cho tâm hồn. Họ đi tìm một bến đậu sau cả quãng đời vất vả, vội vàng. Sự bình yên là ưu tiên số 1, không còn ham vòng danh lợi nữa, không muốn cố thay đổi những gì đã có nữa vì không còn sức lực nữa để hoàn thành kế hoạch vĩ đại ấy đến bước cùng và đúng như nhận xét “năm 40 tuổi chỉ còn Moda”. Lúc này ý niệm về nhất hay nhì trở nên vô nghĩa, lúc này họ chắc chắn hơn về nhận định năng lực của mình để chốt lại: mình chỉ là một kẻ bình thường, không phải là kẻ tài năng có thể làm xoay chuyển bánh xe lịch sử vậy thì tốt nhất là im lặng đi và sống như bao kẻ khác.

Người nhạc sĩ ấy có lẽ cũng chưa phải là một thiên tài để tiên liệu được hết mọi ngoại lệ có thể xảy ra. Cũng có không ít người cho tới tận khi gần đất xa trời nỗ lực cho mục tiêu của họ dù đó là mục tiêu nhỏ vẫn làm người khác phải khâm phục, ở họ, tuổi tác, thời gian không quan trọng mà quan trọng là sống trọn vẹn mọi giây phút, họ được cuộc sống ban tặng. Họ không dừng lại để kêu than, lãng phí thời gian để gặm nhấm những gì không còn lấy được nữa, họ sống hết mình cho hiện tại và luôn luôn lập sẵn kếhoạch cho tương lai dù cho tương lai chỉ còn một phút thôi. Đó là những con người như một cụ bà hơn 80 tuổi ở Mỹ vẫn tham gia một chuyến nhảy dù để quyên tiền ủng hộ cho những nạn nhân AIDS hay như L.Amstrong vẫn chiến thắng căn bệnh ung thư để liên tục giành quán quân trong giải Tour de France,... Tất cả những con người ấy, họ ở “ngày xưa”, “hôm nay” hay trong “tương lai” đều là những ngoại lệ tạo nên điều kỳ diệu và phá vỡ mọi kỷ lục trong lịch sử.

Như vậy, đừng rơi lệ khi bạn vấp ngã: vì khi bạn làm thế người ta đã có cả một kế hoạch mới cho tương lai rồi. Ý chí, lòng tin và lòng nhân ái là sức mạnh tổng hợp cho từng giây phút bạn tồn tại trong cuộc đời, không bao giờ bạn là vô ích nếu bạn biết quý trọng cuộc đời của chính mình.

Thế giới đổi thay, thời gian không ngừng trôi, ước mơ không ngừng được nuôi lớn, bạn vẫn tồn tại trong thế giới ấy thì dù là ai, bao nhiêu tuổi bạn vẫn là châu báu của cuộc đời, chỉ cần bạn không ngừng đánh dấu bước đi của bạn để không ai quên được bạn mà thôi.

Viết bình luận