Anh (chị) có ấn tượng gì về hình tượng ông Huấn Cao trong tác phẩm "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân

Được rút ra từ tập truyện “Vang bóng một thời”, “Chữ người tử tù” là một trong những tác phẩm “viết về một thời còn vang bóng” khi chế độ thực dân Pháp đã đặt xong ách đô hộ lên nước ta, chế độ phong kiến suy tàn, những nho sĩ cuối mùa trở thành người lạc lõng. Trong thời buổi ấy, có những con người buông xuôi theo thời thế nhưng vẫn mâu thuẫn sâu sắc với xã hội đương thời. Họ dường như cố ý lấy cái “tôi” tài hoa, ngông nghênh của mình đôi lập với xã hội phàm tục, phô diễn lối sống đẹp, thanh cao của mình như một cách để phản ứng lại trật tự xã hội đương thời. Trong số những con người tài hoa ấy, nổi bật lên hình tượng Huấn Cao trong “Chữ người tử tù”. Trong tác phẩm, đây là nhân vật được tác giả tập trung nhiều bút lực xây dựng và ngợi ca, đế lại những ấn tượng đặc biệt trong lòng người đọc.

Huấn Cao là một hình tượng nhân vật tiêu biểu trong các nhân vật của “một thời vang bóng”

Huấn Cao là một nhân vật bi tráng mang màu sắc lãng mạn, mang vẻ đẹp được lí tưởng hoá, thể hiện một cách khác thường trong hoàn cảnh tưởng như không thể xảy ra. vẻ đẹp ấy hiện lên rực rỡ, chói sáng nhờ được tô đậm bằng hàng loạt các hình ảnh tương phản gay gắt. Nguyễn Tuân đã để nhân vật xuất hiện trước tiên qua lời kể, qua tiếng đồn của mọi người. Đó là “cái người mà vùng tỉnh ta vẫn hay khen..”., “nhiều người nhấp nhỏm đến cái danh ấy luôn..”., “một tên tù có tiếng..”, và “thầy có nghe người ta đồn..”.. Và ngay cả những người trong cuộc như ngục quan, thơ lại cũng mới chỉ “kiến kì thanh” mà đã tâm phục Huân Cao, họ trầm trồ: “Người đứng đầu..”., “người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ nhanh mà đẹp..”., một tử tù lừng lẫy tiếng tăm, “văn võ đều song, toàn cả”. Một kẻ tử tù mà lại được giành cho nhiều sự ngưỡng mộ, ưu ái đặc biệt như vậy thì quả là rất hiếm. Cách giới thiệu tạo một ấn tượng đặc biệt, khiến người đọc có cảm tưởng như người ta đang chuẩn bị đón không phải một kẻ phạm tội mà là một nhân vật vĩ đại. Tác giả để danh tiếng của nhân vật xuất hiện trước hình hài, sử dụng bút pháp lấy xa để nói gần, lấy bóng làm lộ hình, sử dụng lối nói gián tiếp..., tạo nên sức cuốn hút kì diệu cho nhân vật. Và càng về sau, ta sẽ càng hiểu thêm về nhân cách và tài hoa, nhân cách của nhân vật ấy. Tình cảm yêu mến là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Trong cuộc đời ngục quan, có lẽ đó là người đầu tiên khi xuất hiện khiến cho những đường nhăn nheo trên khuôn mặt tư lự của ông được thay bằng “mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo êm nhẹ”. Mô'i thiện cảm vô hình ngay từ đầu đã được hình thành.

Là một nhà nho kiệt hiệt dám chọc trời, quấy nước. Chí lớn không thành mà vẫn hiên ngang, chết chém cũng không sợ. Huấn Cao có một tinh thần gang thép “vô uý” bất khuất. Hành động “dỗ gông” chứng tỏ cái ngang tàng của ông. Ngay cả khi vào trong ngục, ông vẫn giữ được phong thái khiến người ta phải kính nể. Suốt nửa tháng, trước sự biệt đãi của quản ngục, Huấn Cao lấy làm lạ nhưng vẫn thản nhiên nhận rượu thịt xem như là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm. Nói với ngục quán bằng thái độ thách thức và tỏ ra khinh bạc đến điều mà không hề lo sợ bị trả thù. Điều này có căn nguyên của nó, với một người chọc trời khuấy nước như Huấn Cao thật khó chấp nhận một kẻ ngục quan làm việc cho triều đình, lạí càng khó tin rằng giữa chôn bùn nhơ ấy có thể có một bông sen trắng ngát 'hương, một người có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”. Cái bất cần thách thức ấy không hề làm mất đi vẻ đẹp trong hình tượng của ông. Bởi vì ngay sau đó, biết được tấm chân tình của ngục quan, Huấn Cao đã không ngần ngại mà coi ông như một người tri kỉ, trao cho ông những chữ mà bình sinh chỉ “cũng mới viết hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân”. Một Huấn Cao coi thường vàng ngọc, không vì vàng ngọc hay quyền thế mà “ép mình viết bao giờ” giờ đây lại sẵn sàng viết cho một người có thiên lương trong sáng. Và chính trong lần cho chữ này, Huấn Cao đã thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp tài năng và phẩm chất của mình. Nét chữ Huân Cao đẹp không chỉ bởi nó “vuông lắm” mà còn bởi nó thể hiện hoài bão và chí tung hoàng của cả một đời người. Nó là kết tinh cho những lí tưởng cao đẹp. Chữ của Huấn Cao cho thấy cái tài, tầm nhìn của một kẻ sĩ chân chính mà ta ngưỡng mộ, bái phục.

hình tượng Huấn Cao sẽ đọng lại mãi trong lòng người

Vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao được thể hiện một cách sáng chói, rực rỡ nhất trong cái đêm ông cho chữ viên quản ngục. Cảm hứng mãnh liệt trước một “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” đã khiến Nguyễn Tuân say sưa sáng tạo những ngôn từ vừa sắc sảo góc cạnh vừa trang trọng cổ kính như có hồn, có nhịp điệu riêng, giàu sức truyền cảm. Bút phắp dựng người dựng cảnh của nhà văn đã đạt đến mực điêu luyện. Cảnh cho chữ hiện lên như một thựớc phim quay cận cảnh mà chi tiêt nào cũng sinh động, cũng gợi cảm, đầy ám ảnh nghệ thuật. Thi pháp tương phản được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả đã làm nổi bật hơn bao giờ hết vẻ đẹp trang trọng, uy nghi, rực rỡ, hào quang bất tử của hình tượng nhân vật Huân Cao. Một người xa nay luôn rất “khoảnh” trong việc cho chữ nay lại chấp nhận cho chữ trong một khung cảnh “xưa nay chưa từng có”, đã bày ra trong một buồng tốì chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột phân gián”, người cho chừ thì “cổ đeo gông, chân vưởng xiềng”. Chi tiết này đã khắc họa thêm một nét đáng quí nữa trong nhân cách của Huấn Cao. Con người ấy không hề nề hà chuyện hèn sang, mà luôn đặt sự trân trọng cái đẹp lên hàng đầu mà ở đây cái đẹp ấy chính là thiên lương cao cả của viên quản giữa chôn nhà tù. Chức vị đã không ngăn người quản ngục và viên thơ lại giữ được nghĩa khí. Giam cầm đã không ngăn được Huấn Cao thể hiện bản lĩnh. Họ gặp nhau giữa không gian nhà tù nhưng lại bay vượt lên trên khoảng trời tự do của tâm hồn và cái đẹp. Cái đẹp vì thế lại càng toả sáng rực rỡ hơn. Thiên lương vì thế đã cao cả lại càng cao cả hơn. Trật tự được tạo nên từ vị thế ban đầu đã bị đảo ngược. Giờ đây, người tù trở thành người ban phát cái đẹp. Còn viên quản ngục thì khúm núm, vái lạy, “chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ qua kẽ miệng làm cho nghẹ ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Với Huấn Cao thì thiên lương là ngọn lửa, là “ánh sáng đỏ rực” như ngọn đuốc kia. Nếu ngục quan tâm phục con người nghĩa khí, tài hoa thì Huấn Cao lại nể trọng con người “biệt nhỡn liên tài”. Suốt đời ông chỉ “cúi đầu vái lạy hoa mai” nên khi nghe viên thơ lại nói lên tâm sự của chủ mình muốn “xin chữ”, Huấn Cao đã ân hận nói: “Thiếu chút nữa ta phụ mất tấm lòng trong thiên hạ”. Đối với một người khí phách ngang tàng, thản nhiên rỗ gông trước mặt quản ngục, một người dám khẳng khái: “Ngươi hỏi ta muôn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là ngươi đừng có đặt chân vào đây” thì cái ân hận này thận đáng trân trọng biết bao. Đêm trước khi lên đoạn đầu đài, ông vẫn ung dung, truyền đạt lại cho viên quản những lời dạy tâm huyết. Một cử chỉ “đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy”. Một lời khuyên “ở đầy khó giữ thiên lương cho lành vững rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Với Huân Cao thì thiên lương là cái gốc của đạo lí, có giữ được thiên lương mới biết quí trọng tài năng và cái đẹp ở trên đời.

Ở con người Huấn Cao, từ cử chỉ, hành động đến ngôn ngữ, từ nét chữ đến phong thái, đều toát ra một vẻ đẹp vừa phi thường vừa bình dị, vừa anh hùng, vừa nghệ sĩ, bên cạnh cái hùng còn có cái bi, tính vốn khảnh mà lại trân trọng kẻ biệt nhỡn liên tài coi thường vàng bạc, quyền uy mà lại đề cao tình bằng hữu, đến chết vẫn nghĩa khí và giữ trọn thiên lương. Qua hình tượng Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã bộc lộ quan niệm về cái đẹp. Như vậy, trong quan điểm của Nguyễn Tuân, cái Tài phải đi đôi với cái Tâm, cái Đẹp và cái Thiện không thể tách rời nhau. Đó là một quan điểm nghệ thuật tiến bộ.

Huấn Cao là một hình tượng nhân vật tiêu biểu trong các nhân vật của “một thời vang bóng”.vẻ đẹp tài năng và phẩm cách của ông làm để lại cho ta ấn tượng sâu sắc. Đó là niềm tự hào, cảm phục, trân trọng và có chút gì đó xót thương. Cảnh cho chữ cùng với hình tượng Huấn Cao sẽ đọng lại mãi trong lòng người.

Viết bình luận