Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân được thể hiện rõ nét qua hình tượng con sông Đà trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà. Hãy phân tích và chứng minh.

Dàn ý đại cương

Bước 1: Tìm hiểu đề trên câu chữ của văn bản.

- Nhận dạng đề: Đề phân tích một hình tượng của tác phẩm và là đề chìm (vì ngoài cụm từ "hình tượng con sông Đà", đề bài không hề nói thêm những ý cụ thể nào về hình tượng con sông ấy (điều này người làm bài phải suy nghĩ để tự tìm ra các ý). Nhưng đây lại không phải là đề phân tích một hình tượng đơn thuần mà phân tích hình tượng gắn với phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân, để chứng minh cho phong cách đó.

- Xác định yêu cầu của bài làm: Đề có hai cụm từ cần lưu ý: "phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân" và "hình tượng con sông Đà". Đó là hai ý của bài làm và hai ý này có mối quan hệ với nhau, nhưng là dạng đề phân tích hình tượng của tác phẩm nên ý "hình tượng con sông Đà" phải là ý trọng tâm, là yêu cầu chủ yếu của bài làm. Có thể xác định yêu cầu của bài làm như sau:

Phân tích hình tượng con sông Đà để chứng minh cho phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân

Con sông Đà

Bước 2: Định hướng giải đề bài.

Với yêu cầu trên, bài làm có thể theo hướng sau: nêu đặc điểm phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân làm tiền đề để soi sáng cho việc phân tích hình tượng con sông Đà trong bài tùy bút, và qua việc phân tích hình tượng ấy, phong cách nghệ thuật của nhà văn sẽ được sáng tỏ.

Bước 3: Định ra dàn ý thích hợp (phần thân bài).

Như vậy dàn ý của đề bài này sẽ gồm 2 ý: phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân và hình tượng con sông Đà - ý 1 là ý phụ, ý 2 là ý chính. Thứ tự sắp xếp: ý phụ để trước làm tiền đề chuẩn bị cho ý chính, ý chính để sau tiếp nôi ý phụ để giải quyết yêu cầu chủ yếu của bài làm. Ta có dàn ý đại cương (phần thân bài):

a. Đặc điểm phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

b. Hình tượng con sông Đà in đậm phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

Đây là đề chìm nên các ý nhỏ trong hai ý lớn trên đây người làm bài phải huy động kiến thức sẵn có của mình, suy nghĩ để tìm ra (điều này liên quan đến mục 1 đã nói: phải nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa để làm bài). Đối với đề bài này, nếu học sinh nắm được các đặc điểm của phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân thì sẽ tạo điều kiện để tìm ra nhừng vẻ đẹp riêng của hình tượng con sông Đà vôn được nhà văn nhìn nhận và miêu tả theo phong cách ấy. Từ đó mà chi tiết hóa hai ý lớn trên thành một dàn ý đầy đủ hơn:

I. Đặc điểm phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân (nêu và phân tích vắn tắt những đặc điểm chủ yếu có liên quan đến hình tượng con sông Đà).

a. Một cây bút tài hoa và uyên bác: thiên nhiên hay con người đều được chú ý khám phá ở phương diện văn hóa, mĩ thuật của nó. Tính tư liệu phong phú, đầy giá trị thông tin về địa lí, lịch sử, văn hóa, phong tục...

b. Một ngòi bút có thiên hướng thể hiện những cảm giác mãnh liệt, gây những ấn tượng đậm nét, hoặc đẹp tuyệt vời hoặc thật dữ dội...

c. Một con mắt nhìn sự vật ở chiều lịch sử, gắn quá khứ, hiện tại với tương lai.

d. Một giọng điệu tùy bút vừa nghiêm túc vừa phóng túng với ngôn ngữ giàu có, giá trị tạo hình cao.

II. Hình tượng con sông Đà in đậm phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân

Con sông Đà, dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, không còn là con sông của thiên nhiên - địa lí, mà được miêu tả như một sinh vật có tính cách vừa hung bạo vừa trữ tình:

* Con sông hung bạo (đoạn người lái đò vượt thác)

- Con sông được miêu tả như một con quái vật điên cuồng, hung dữ đang nhe nanh, múa vuốt hòng bóp chết và nuốt chửng con thuyền và người lái đò:

+ Thác nước gầm réo vang trời thanh la não bạt: khi thì "rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng...", lúc lại "hồng hộc tế mạnh trên sông đá", có khi "đội cả thuyền lên" và "mặt sông rung rít lên như tuyếc-bin thủy điện nơi đáy hầm đập"...

+ Thạch trận giăng trên sông thành 3 vòng vây như thiên la địa võng đòi "ăn chết cái thuyền", đá "nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền" hoặc "xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử"...

- Tác giả đã thể hiện những cảm giác mãnh liệt, gây những ấn tượng thật dữ dội khi miêu tả con sông Đà và trận thủy chiến trên cái thạch trận có một không hai ấy với người lái đò: "nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra...", sóng thác "bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò, hột sinh dục vụt muôn thọt lên cổ" và "mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuông mà châm lửa vào đầu sóng"...

Hình tượng con sông Đà

a. Con sông trữ tình (đoạn tiếp theo)

- Dưới con mắt nhìn nghệ sĩ của Nguyễn Tuân, con sông Đà hiện ra thật đẹp và trữ tình:

+ Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai...

+ Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ...

+ Con sông Đà gợi cảm như một cố nhân...

- Tâm hồn nghệ sĩ ấy lại đưa con sông về với thời gian xa xưa, với không gian tĩnh lặng để nó càng thêm thơ mộng trữ tình: "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa"...

- Sông Đà còn gắn với thần thoại Sơn Tinh Thủy Tinh, với câu thơ của Lý Bạch và Tản Đà... gợi bao hoài niệm và thương nhớ bâng khuâng.

b. Tóm lại, hình tượng con sông Đà đã in đậm nhiều nét phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân mà nổi bật nhất là ở chỗ nhìn thiên nhiên ở phương diện vân hóa, thẩm mĩ, và ở chỗ nhà văn dễ có cảm hứng trước những hiện tượng gây cảm giác mạnh, hoặc dữ dội hoặc đẹp tuyệt vời, khiến cho con sông Đà trở thành một con sông vừa hung bạo vừa trữ tình.

Viết bình luận