Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà trong tùy bút cùng tên của Nguyễn Tuân

Các cụ nhà ta thường nói: sinh ư nghệ, tử ư nghệ. Câu nói ấy hoàn toàn đúng với ông lái đò ở sông Đà. Hình như cái quan niệm ấy chưa bao giờ thay đổi trong suốt mấy chục năm cầm lái của ông. Cho dù cái nghề kia chẳng dễ chịu chút nào. Người ta có thể bỏ mạng không phải vì không điêu luyện mà đơn giản hơn có thể chỉ là vì một lần sơ ý lỡ tay đò.

Ông lái đò Lai Châu này làm nghề chở đò dọc suốt sông Đà đã mười năm liền và thôi làm đò cũng đã đôi chục năm nay. Khoảng thời gian mười năm là không nhiều nhưng nó đủ để người ta rèn giũa tay nghề. Nhưng ông đã thôi làm đò đôi chục năm nay. Chừng đó cũng là quá đủ để tay nghề của ông mai một. Ấy vậy mà trong lần xuất quân này, ông đò vẫn vững vàng tay lái lắm. Có vẻ như không phải ông đò lấy cái quan niệm nhất nghệ tinh, nhất thân vinh làm cái chân lý sống cho mình nhưng thực tế cuộc đời ông lại đang toát lên điều ấy. Phải chăng ông chính là chất vàng mười của tâm hồn Tây Bắc mà Nguyễn Tuân đang hào hứng đi tìm?

Đơn giản

Ông đò Lai Châu tuy không được Nguyễn Tuân tả kỹ nhưng nhìn thoáng qua, ai cũng bị ấn tượng ngay: Tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cái cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng thác nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong sương mù. Nguyễn Tuân tinh tế lắm! ông đâu có tả ông đò bạn ông trong thực tế. Cái hình hài dáng vóc kia là cái hình hài dáng vóc của con người sông nước, con người nghề nghiệp hóa. Nó nhang nhác giống bất cứ ai sống ở trên sông và sinh nhai bằng nghề sông nước.

Sau cách mạng, Nguyễn Tuân không còn đi tìm cái cá nhân cực đoan. Thay vào đó, ông đi tìm những con người cá nhân mang phẩm chất nhân dân. Càng đi tìm hiểu ông lái đò, chúng ta càng dần rõ ra quan điểm ấy.

Ông lái đò của Nguyễn Tuân chẳng biết tên là gì? Người ta gọi ông thân thuộc bằng cái tên nghề nghiệp - địa danh: ông lái đò Lai Châu. Không chỉ vô danh, bạn đọc cũng chỉ biết mang máng quê ông ở ngay cửa ngã tư sống sát tỉnh. Lại nữa, cũng chẳng ai biết ông nhà cửa thế nào và con cái ra sao? Chẳng lẽ tất cả thông tin về ông đò lại chẳng có gì? Nhưng cũng chẳng cần! Bạn đọc có ai thắc mắc đâu. Và có thể lắm chứ, nếu như ở trên kia ông lái đò có ngoại hình thuộc về sông nước thì ở đây tất cả những cái không càng đủ căn cứ để mà khẳng định đông đò là con người - nhân dân. Đó là một dụng ý nghệ thuật tinh tế của nhà văn Nguyễn Tuân. Ông muốn đi tìm cái vẻ đẹp bền vững (chất vàng mười) của nhân dân qua những con người ưu tú.

Ngoại hình ông đò không đẹp nhưng lúc tác nghiệp ông lại là một hình mẫu trên sông. Nguyễn Tuân lại một lần nữa không chịu tả ông đò trên suốt dọc hành trình. Tác giả chỉ chọn tả ông ở cái thời điểm vinh quang nhất của cuộc đời: lúc ông chèo thuyền vượt thác trên sông.

Mười năm chở đò dọc sông Đà, ông lái đò am hiểu con sông lắm. Nó dữ dội, hào hùng, nghiệt ngã ông đều biết cả. Và tất nhiên, ông biết nó có lúc rất trữ tình. Thế nên ông đò cẩn trọng lắm. Một trong những nguyên tắc làm nghề của ông là phải rất am hiểu dòng sông. Thế nên gấp cuốn sách vào mà tưởng tượng, chúng ta vẫn như đang thấy ông đò vừa chèo mạnh vừa đọc tên vừa gợi ra bao đặc tính của dòng sông.

Hình tượng người lái đò sông Đà

Nào là hai hòn đá canh cửa trông như là sơ hở kia thực chất giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu hơn nữa. Lúc ấy ông lái bắt đầu ngoặt cái đò vào thạch trận. Đó cũng là chỗ cần phải thử sức và trí tuệ của ông. Ông lái vào sâu hơn nữa, trong đầu biết chắc chúng sẽ đánh khuýp quật vu hồi. Rồi vòng đầu, nó mở ra năm cửa. trận, có bốn của tử một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phút tả ngạn sông. Và đến vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch sang phía bờ hữu ngạn... Cứ thế ông chèo, ông lướt, đe, sấn, băng hay chém để vượt qua hàng loạt tập đoàn cửa tử giữ bình yên cho khách hay cho cả thuyền hàng. Không hiểu sao ông lái

đò lại am hiểu dòng sông đến vậy. Có thể nói ông biết đến tận ngọn nguồn, ngõ ngách và cả những thủ đoạn của con sông. Cái phẩm chất trí tuệ ấy chắc chắn vượt sức của một con người. Nó là kinh nghiệm của bao đời, bao người vượt thác trên sông gom lại. Đó là trí tuệ của biển lớn nhân dân hợp lại trong ông. Tôn ông lên thành một con người ưu tú của dân tộc, một con người có tầm trí tuệ và sức mạnh phi thường. Đó là con người của thời đại mới. Thế hệ con người gánh vác cho đất nước những sứ mệnh lớn lao.

Nhìn ông lái đò Lai Châu chèo thuyền vượt thác mà ta cứ ngỡ như ông đang chiến đấu với con sông. Mà đúng là chiến đấu thật - chiến đấu để giành lấy sự sống từ thiên nhiên hung dữ. Chẳng phải hàng ngàn đời nay nhân dân ta vẫn phải bươn bả để sống, vẫn phải đấu tranh để giành lấy miếng cơm manh áo từ thiên nhiên hay từ sự hung bạo của ngoại bang sao? Đó là cái chân lý nhắc nhở con cháu ngàn đời được Nguyễn Tuân gửi vào hình ảnh ông lái đò lúc chèo thuyền vượt thác trên sông.

Nhưng nhìn ông đò bươn bả lúc chèo thuyền vượt thác vất vả, nguy hiểm và căng thẳng bao nhiêu, chúng ta lại thấy lúc dừng thuyền ông lại vui vẻ bấy nhiêu: Thế là hết thác. Dòng sông vặn mình vào cái bến có hang lạnh. Sóng nước xèo xèo tan đi trong tri nhớ. Sông nước lại thanh bình. Kỳ lạ thay! Vừa phải gồng mình vượt qua bao con thác, bao trận địa đá hiểm nguy thế mà lúc đừng chèo, nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn về cá anh vũ, cả dầm xanh... chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi. Hình như cái gian nan kia đối với họ đã trở thành cái thường nhật rồi chẳng có gì đáng lưu tâm cả. Nó cũng giống như con sông Đà kia, tuy dữ dội nhưng ngày nào cũng phải chiến đấu với nó mà thành quen, chẳng có gi là hồi hộp và đáng nhớ.

Đấy ông đò Lai Châu và cuộc sống của ông là như vậy. Nói là cuộc sống cũng được hay nói là sự hy sinh thầm lặng cũng chẳng sai. Điều quan trọng đó là một cái nghề, là cuộc sống thường nhật của ông. Dữ dội nhưng vẫn không lúc nào nguôi cái ao ước hiền hòa. Ta sẽ thấy chẳng có gì lạ cả giữa cuộc sống lao động của ông đò với bao cuộc đời của những người dân khác đã, đang và sẽ từng sống trên mảnh đất bốn ngàn năm nay vẫn dữ dội nhưng rất bao dung này.

Viết bình luận